BÀI 4: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÁP LU T

36
Bài 4: Mt svn đề cơ bn vpháp lut 84 TGL101_Bai4_v1.0014103225 Ni dung Khái nim, đặc đim, bn cht ca pháp lut. Chc năng ca pháp lut. Hình thc ca pháp lut. Ngun ca pháp lut Kiu pháp lut. Hướng dn hc Mc tiêu Sau khi hc bài này, các bn cn: Trình bày được khái nim, đặc đim, bn cht ca pháp lut. Phân tích được chc năng ca pháp lut. Trình bày được các hình thc và ngun ca pháp lut. So sánh được các kiu pháp lut trong lch s. Thi lượng hc 9 tiết Nghe ging và đọc tài liu để nm bt các ni dung chính. Làm bài tp và luyn thi trc nghim theo yêu cu ca tng bài. Liên hvà ly các ví dtrong thc tế để minh ha cho ni dung bài hc. BÀI 4: MT SVN ĐỀ CƠ BN VPHÁP LUT

Transcript of BÀI 4: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÁP LU T

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

84 TGL101_Bai4_v1.0014103225

0

Nội dung

Khái niệm, đặc điểm, bản chất của pháp luật.

Chức năng của pháp luật.

Hình thức của pháp luật.

Nguồn của pháp luật

Kiểu pháp luật.

Hướng dẫn học Mục tiêu

Sau khi học bài này, các bạn cần:

Trình bày được khái niệm, đặc điểm, bản chất của pháp luật.

Phân tích được chức năng của pháp luật.

Trình bày được các hình thức và nguồn của pháp luật.

So sánh được các kiểu pháp luật trong lịch sử.

Thời lượng học 9 tiết

Nghe giảng và đọc tài liệu để nắm bắt các nội dung chính.

Làm bài tập và luyện thi trắc nghiệm theo yêu cầu của từng bài.

Liên hệ và lấy các ví dụ trong thực tế để minh họa cho nội dung bài học.

BÀI 4: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 85

Cùng với sự xuất hiện và phát triển của nhà nước là pháp luật. Với vai trò là một công cụ quản lý của nhà nước pháp luật có những chức năng đặc trưng riêng (mục 4.1.4), có những hình thức thể hiện riêng (mục 4.2) và những loại nguồn tạo thành nhất định (mục 4.3). Dù là sản phẩm của nhà nước tuy nhiên pháp luật cũng có tác động nhất định đến sự tồn tại và phát triển của nhà nước. Mỗi kiểu nhà nước lại có một kiểu pháp luật riêng của mình (4.4). Để hiểu rõ vấn đề này, trước tiên chúng ta cùng làm rõ khái niệm, đặc điểm, bản chất của pháp luật (mục 4.1).

4.1. Khái niệm, đặc điểm, bản chất của pháp luật

4.1.1. Khái niệm pháp luật

Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích, mục đích của giai cấp thống trị, vì sự tồn tại, phát triển của xã hội.

o Khái niệm "quy tắc"

Quy tắc là những chuẩn mực trong xử sự hoặc là những quy định về công việc, quy trình, thủ tục bắt buộc phải thực hiện trong một hoạt động chung.

Phân biệt các loại quy tắc: Quy tắc trong công việc, trong hoạt động chung, quy tắc trong một đơn vị, trong một đơn vị hành chính lãnh thổ, trong một nhà nước, quy tắc trong tôn giáo. quy tắc trong quan hệ xã hội… Ví dụ: quy tắc đặt ra đối với bác sỹ "suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết"; quy tắc đặt ra đối với nghề xây dựng: "an toàn là trên hết"; quy tắc tại một địa phương là: "đổ rác đúng nơi quy định"; quy tắc khi tham gia giao thông: "không vượt đèn đỏ".

Quy tắc xử sự chung là những chuẩn mực trong xử sự, là những khuôn mẫu hành vi chung của con người. Các quy tắc này do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận theo những trình tự, thủ tục được quy định rõ, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích, mục đích của giai cấp thống trị và vì sự tồn tại và phát triển của xã hội. Các quy tắc xử sự này gọi chung là quy phạm pháp luật.

Các quy phạm pháp luật này được sắp xếp theo một hệ thống, có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Sự sắp xếp của các quy tắc được thực hiện một cách thống nhất, theo trật tự thứ bậc nhất định, được thể hiện dưới các hình thức pháp luật nhất định.

Chú ý hoặc nhận xét

Tất cả mọi người đều phải thực hiện pháp luật. Do vậy tất cả mọi người phải biết và hiểu về pháp luật.

o Về tính chất của pháp luật

Pháp luật bao gồm các quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc đối với các chủ thể mà nó hướng tới không phân biệt tôn giáo, địa vị, dân tộc. Các chủ thể có nghĩa vụ thực hiện khi vào những điều kiện, hoàn cảnh, tình huống mà pháp luật đã dự liệu.

o Về sự hình thành pháp luật

Chỉ nhà nước mới có thẩm quyền làm ra pháp luật. Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền của mình ban hành hoặc thừa nhận các quy phạm pháp luật.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

86 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Mỗi cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các loại văn bản quy phạm pháp luật nhất định.

Sự hình thành của pháp luật vừa mang tính khách quan, vừa mang tính chủ quan. Tính khách quan thể hiện ở việc pháp luật được hình thành do nhu cầu, đòi hỏi của xã hội. Khi xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu về pháp luật ngày càng cao, ngày càng cụ thể, rõ ràng hơn. Tính chủ quan của pháp luật thể hiện ở việc pháp luật được hình thành xuất phát từ lợi ích của nhà nước, của giai cấp, của dân tộc.

Có nhiều học thuyết giải thích về sự hình thành của pháp luật trong đó có: thuyết khế ước xã hội, thuyết pháp luật thực chứng, thuyết pháp quyền tự nhiên. Thuyết khế ước xã hội cho rằng nhà nước và pháp luật ra đời không phải bắt nguồn từ thượng đế mà là kết quả của một sự thỏa thuận thống nhất giữa những con người với nhau như một thứ khế ước, hợp đồng xã hội với mục đích ngăn chặn tác hại có thể nảy sinh trong mối quan hệ giữa người với người. Thuyết pháp luật thực chứng khẳng định sức mạnh pháp lý của đạo luật bắt nguồn từ chỗ nó là mệnh lệnh của người đứng đầu nhà nước, là lực lượng và là nguồn gốc đầu tiên sinh ra pháp luật và pháp luật do nhà nước đặt ra mang tính mệnh lệnh. Tất cả những gì do nhà nước đặt ra, quy định đều phải được xem là pháp luật, ngay cả khi đạo luật đó là vô nhân đạo. Thuyết pháp quyền tự nhiên chủ trương có một thứ pháp luật tự nhiên điều chỉnh quan hệ giữa người với người khi con người tồn tại trong trạng thái tự nhiên, của tự do, bình đẳng và sở hữu tư nhân. Việc thiết lập nhà nước và pháp luật là để bảo vệ các quyền tự nhiên, bảo vệ sở hữu tư nhân của con người. Quan điểm Mac-Lênin cho rằng pháp luật ra đời cùng với sự ra đời của nhà nước. Về phương diện khách quan, nhà nước và pháp luật ra đời cùng một nguồn gốc. Về phương diện chủ quan, pháp luật do nhà nước đề ra và trở thành phương tiện, công cụ của nhà nước để bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị.

Pháp luật phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Sự hình thành và phát triển của pháp luật thường không cao hơn so với sự phát triển của hạ tầng kinh tế – xã hội. Do vậy, có những quan hệ xã hội phát sinh nhưng chưa được pháp luật điều chỉnh ở những giai đoạn nhất định do trình độ phát triển của cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội chưa đạt được đến mức độ phát triển tương ứng. Ví dụ như quan hệ hôn nhân đồng giới, quan hệ mang thai hộ, những vấn đề liên quan đến việc xác định lại giới tính,...

o Về mục đích của pháp luật

Pháp luật điều chỉnh hành vi của các chủ thể, điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội. Nói đến một xã hội là nói đến mối quan hệ giữa con người với con người. Xã hội càng phát triển sẽ nảy sinh nhiều mối quan hệ mới và phức tạp. Do vậy, để có thể tạo lập nên trật tự xã hội, nhà nước phải sử dụng công cụ pháp luật để điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội theo đúng mục đích của mình.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 87

Pháp luật tạo nên trật tự, an toàn cho xã hội. Pháp luật tạo khuôn mẫu cho các hành vi của chủ thể. Nhờ đó, các chủ thể có những xử sự phù hợp với ý chí của nhà nước và tạo nên một trật tự xã hội nhất định. Pháp luật giúp tránh xung đột giữa các chủ thể thông qua các hệ thống các quy tắc cho phép các chủ thể làm hoặc không được làm những việc nhất định.

Pháp luật tạo nên công lý. Pháp luật tạo sự công bằng giữa các thành viên trong xã hội, chia sẻ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Pháp luật giúp thay các quan hệ vũ lực, kẻ mạnh người yếu bằng quan hệ công bằng giữa người với người bằng các chế định về giao dịch, về hợp đồng trong các ngành, các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội,... Pháp luật giúp cân bằng lại lợi ích giữa các thành viên trong xã hội bằng các đạo luật như đạo luật về thuế, về bảo hiểm xã hội, về giáo dục,...

Pháp luật phục vụ, bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Về mặt bản chất, pháp luật là công cụ của nhà nước, của giai cấp thống trị, do vậy, pháp luật vẫn luôn hướng tới mục đích căn bản của mình là phục vụ và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị. Mục đích này được cụ thể hóa thông qua các đạo luật, thông qua các quy phạm pháp luật.

Phân biệt pháp luật với các hệ thống quy tắc xử sự khác trong xã hội. Trong xã hội, hành vi của các chủ thể được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống quy tắc xử sự khác nhau, gọi chung là các quy phạm xã hội. Điểm chung của các quy phạm xã hội là đều nhằm mục đích điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội, đều được một nhóm người, một cộng đồng người hoặc toàn xã hội công nhận và thực hiện theo. Tuy nhiên, giữa các quy phạm này có sự khác biệt.

o Phân biệt pháp luật với đạo đức và tôn giáo. Cả pháp luật, đạo đức và tôn giáo đều là những hình thái ý thức xã hội được hình thành nhằm điều chỉnh xử sự của con người trong xã hội.

o Phân biệt pháp luật với tôn giáo

Khái niệm tôn giáo: là hệ thống tín ngưỡng và phong tục thể hiện mối liên hệ giữa con người với đấng sáng tạo hoặc thần thánh. Là hình thái ý thức xã hội phản ánh xã hội một cách hư ảo được một bộ phận quần chúng tin theo, tôn thờ theo những lễ nghi, lề luật chặt chẽ.

Tôn giáo bao gồm các quy tắc xử sự về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của những người theo tôn giáo đó, những nghi lễ, cách ứng xử cần thiết mà mỗi tín đồ cần thực hiện. Các quy tắc trong tôn giáo có tính bắt buộc đối với người theo tôn giáo đó (tính bắt buộc thể hiện thông qua các chế tài, hình phạt)

Các quy tắc này không do nhà nước ban hành mà do các tổ chức tôn giáo tự đề ra nhằm phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của tôn giáo đó.

o Phân biệt pháp luật với đạo đức

Khái niệm đạo đức: Là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau, đối với xã hội (Theo Từ điển Tiếng Việt). Cụ thể, đạo đức là hệ thống những quy tắc xử sự của con người, của tập thể, của cộng đồng được hình thành trên cơ sở quan

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

88 TGL101_Bai4_v1.0014103225

niệm về cái thiện, cái ác, về sự công bằng, về nghĩa vụ, lương tâm, danh dự, nhân phẩm và về những phạm trù khác thuộc đời sống tinh thần của xã hội. Các quy tắc đạo đức làm cho quan hệ giữa con người với con người được tốt đẹp.

Các quy tắc đạo đức không mang tính bắt buộc theo phương thức cưỡng chế nhà nước như pháp luật. Các quy tắc đạo đức được thực hiện bằng niềm tin, lương tâm, nhận thức của mỗi cá nhân hoặc do sức ép của dư luận xã hội chứ không được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh quyền lực của nhà nước. Do vậy, việc thực hiện đạo đức mang tính tự giác, tự nguyện, tự thân, thể hiện tính chủ quan của người thực hiện.

Đạo đức là hình thái ý thức xã hội xuất hiện trước pháp luật. Trong xã hội có giai cấp đối kháng thì đạo đức mang tính giai cấp và tồn tại cả hai hệ thống đạo đức của giai cấp thống trị của giai cấp bị trị. Giai cấp nào thống trị xã hội thì đạo đức biểu hiện đặc trưng cho xã hội ấy. Trong khi đó, chỉ có một hệ thống pháp luật chung thể hiện ý chí của giai cấp thống trị nhằm mục đích quản lý xã hội trong vòng trật tự.

Mối quan hệ giữa pháp luật với tôn giáo, đạo đức.

o Pháp luật với tôn giáo.

Ảnh hưởng qua lại giữa tôn giáo và pháp luật thể hiện ở điểm các quy tắc xử sự của tôn giáo có thể trở thành pháp luật. Nhưng pháp luật cũng có thể làm cản trở các quy tắc xử sự tôn giáo. Ví dụ: Pháp luật của Pháp cấm phụ nữ hồi giáo được che mạng trong trường học của Pháp.

Mức độ ảnh hưởng của tôn giáo đến pháp luật phụ thuộc vào mức độ phi tôn giáo của nhà nước. Ví dụ: Pháp luật của các quốc gia theo đạo Hồi sẽ chịu ảnh hưởng nhiều của Hồi giáo.

o Pháp luật với đạo đức.

Pháp luật và đạo đức có mối liên hệ khăng khít với nhau. Pháp luật sẽ bị vi phạm nếu xã hội có môi trường đạo đức tha hóa. Ngược lại, pháp luật không nghiêm cũng ảnh hưởng xấu đến đời sống môi trường đạo đức.

Dù pháp luật là công cụ quản lý của nhà nước, thể hiện quan điểm lợi ích của giai cấp thống trị, cầm quyền nhưng pháp luật cũng phản ánh, thể hiện những quan điểm, chuẩn mực ứng xử của các tầng lớp xã hội, các cộng đồng dân cư, đặc biệt là những quan điểm đạo đức mang tính truyền thống, sâu sắc. Trong xã hội càng phát triển thì những chuẩn mức càng được luật pháp hóa. Do vậy, mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức càng chặt chẽ hơn.

Đạo đức có vai trò quan trọng trong việc xác định nội dung của pháp luật. Trong pháp luật luôn chứa đựng, thể hiện các nội dung đạo đức. Đạo đức là cơ sở để hình thành các chuẩn mực pháp luật. Có thể thấy những giá trị cơ bản nhất của pháp luật là công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải, bác ái cũng là những giá trị đạo đức cao cả mà con người luôn hướng tới. Các quy tắc đạo đức phổ biến, phù hợp với sự phát triển và tiến bộ xã hội luôn được đưa vào trong các quy phạm pháp luật, nhất là pháp luật trong các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, văn hóa, xã hội, giáo dục. Ngay cả trong các quan hệ thương mại,

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 89

các quy tắc đạo đức có thể trở thành pháp luật như nguyên tắc giao kết hợp đồng trung thực, thiện chí. Chính các yếu tố đạo đức trong nội dung của pháp luật khiến pháp luật trở nên gần gũi, dễ được người dân chấp nhận và tuân thủ một cách tự nguyện. Do vậy, đạo đức là cơ sở, động lực thúc đẩy người dân thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật. Thực tế cho thấy, nếu đạo đức xuống cấp thì dù pháp luật có nghiêm đến mấy cũng trở nên vô nghĩa. Ngược lại pháp luật không nghiêm thì sẽ làm rối loạn kỷ cương, đạo đức xã hội.

Pháp luật cũng củng cố, bảo vệ các quy tắc đạo đức phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị, phù hợp với sự phát triển văn minh của xã hội. Ví dụ như việc quy định chế tài, hình phạt đối với hành vi trộm cắp, gian dối, lừa đảo giúp cho quan hệ giữa con người với con người được tốt đẹp hơn. Pháp luật củng cố quy tắc đạo đức của người con đối với người cha khi quy định nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ. Pháp luật cũng hạn chế, loại trừ những quy tắc đạo đức không phù hợp, đi ngược lại với lợi ích của giai cấp thống trị, với tiến bộ xã hội. Pháp luật góp phần hình thành những quan điểm, quy tắc đạo đức tiến bộ phù hợp với xã hội văn minh.

Thực tế cuộc sống cho thấy phải kết hợp giữa pháp luật và đạo đức để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật cần được xây dựng trên cơ sở và phù hợp với đạo đức tiến bộ.

4.1.2. Đặc điểm của pháp luật

Từ khái niệm của pháp luật suy ra đặc điểm của pháp luật. Đây là những điểm phân biệt pháp luật với những khái niệm khác.

o Pháp luật có ba đặc điểm.

Tính quy phạm phổ biến.

Tính được đảm bảo bằng nhà nước.

Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

Phân tích tính quy phạm phổ biến.

o Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung làm khuôn mẫu, chuẩn mức để hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hành vi, xử sử của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Đây chính là tính quy phạm của pháp luật. Tính quy phạm của pháp luật giúp phân biệt pháp luật với các mệnh lệnh cá biệt. Tuy nhiên, không chỉ pháp luật mới có tính quy phạm. Các quy phạm xã hội khác như đạo đức, tôn giáo, tập quán,... cũng có tính quy phạm.

o Đặc điểm giúp phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác là tính quy phạm phổ biến. Tính quy phạm phổ biến thể hiện ở điểm pháp luật có tính bao quát, rộng khắp. Hiệu lực của pháp luật có khả năng bao trùm trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia đối với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, địa vị xã hội, tôn giáo, vùng miền,...

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

90 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Pháp luật áp dụng đến tất cả các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật.Đối tượng áp dụng của pháp luật là các chủ thể thực hiện hành vi, tham gia vào các quan hệ xã hội mà các quy phạm pháp luật điều chỉnh. Chỉ những chủ thể thuộc đối tượng áp dụng của pháp luật mới phải thực hiện các quy phạm pháp luật. Phạm vi điều chỉnh của pháp luật là giới hạn các quan hệ xã hội mà pháp luật cụ thể điều chỉnh. Ví dụ: pháp luật thương mại điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong hoạt động thương mại. Nếu các chủ thể thuộc đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của pháp luật thì tất cả đều phải thực hiện pháp luật ở mọi nơi, mọi lúc. Pháp luật được thực hiện như nhau đối với các chủ thể.

Pháp luật không hướng tới một cá nhân cụ thể nào, dù có thể hướng tới một số nhóm đối tượng nhất định. Ví dụ: Luật cán bộ công chức có đối tượng áp dụng là các cán bộ công chức. Nếu như các chủ thể thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật thì dù người đó có giàu hay nghèo, có địa vị hay không có địa vị trong xã hội, có tôn giáo hay không có tôn giáo, là nam hay nữ đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật.

Tính quy phạm phổ biến của pháp luật còn thể hiện ở phạm vi điều chỉnh của pháp luật, pháp luật được thiết lập để điều chỉnh các quan hệ xã hội trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam, bao hàm cả phần lãnh thổ trên đất liền, phần hải đảo và phần lãnh thổ trên không trung. Ngoài ra, trong một số trường hợp nhất định, pháp luật còn điều chỉnh các các quan hệ ở ngoài lãnh thổ quốc gia.

o Tính quy phạm phổ biến của pháp luật xuất phát từ quyền lực nhà nước. Bởi quyền lực nhà nước là duy nhất và bao trùm toàn bộ lãnh thổ quốc gia. Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực nhà nước, do vậy, pháp luật có tính quy phạm phổ biến. Hệ quả là mọi cá nhân, tổ chức sống trên lãnh của nhà nước đều phải thực hiện pháp luật.

o Phân biệt pháp luật với tôn giáo, với các quy tắc xử sự khác

Tôn giáo: Các quy tắc tôn giáo chỉ áp dụng cho những người theo tôn giáo đó.

Tập quán về nguyên tắc chỉ có giá trị áp dụng bắt buộc trong từng vùng, từng địa phương nhất định.

Các quan niệm đạo đức của các giai cấp, của các tầng lới xã hội khác nhau cũng khác nhau.

Các quy tắc trong một ngành, nghề chỉ áp dụng cho những người làm trong ngành, nghề đó.

Phân tích tính được đảm bảo bằng nhà nước

o Chỉ Nhà nước là chủ thể ban hành pháp luật.

Đây là đặc điểm phân biệt pháp luật với hệ thống các quy phạm xã hội khác.

Nhà nước là chủ thể có thẩm quyền tự ban hành các quy phạm pháp luật hoặc thừa nhận các quy phạm xã hội là các quy phạm pháp luật thông qua các trình tự, thủ tục nhất định.

Các quy tắc xử sự không do Nhà nước hoặc không được Nhà nước thừa nhận sẽ không phải là các quy phạm pháp luật, không phải là pháp luật.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 91

o Thông qua bộ máy các cơ quan của mình, nhà nước tạo ra pháp luật, thừa nhận pháp luật .

Nhà nước thiết lập một hệ thống các cơ quan nhằm xây dựng, ban hành pháp luật. Chỉ những cơ quan được nhà nước trao quyền mới được quyền xây dựng, ban hành pháp luật.

Đối với những quy tắc xử sự không phải do Nhà nước ban hành, nhưng được Nhà nước thừa nhận là pháp luật cũng phải tuân thủ những quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức và nội dung ban hành của quy phạm pháp luật.

o Nhà nước cũng là chủ thể tổ chức thực hiện và bảo đảm thực hiện pháp luật.

Nhà nước thiết lập một hệ thống các cơ quan nhằm thực hiện và bảo đảm thực hiện pháp luật. Các cơ quan này được thiết lập từ trung ương đến địa phương một cách chặt chẽ, có hệ thống. Các cơ quan này có nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật, giám sát, kiểm tra việc thực hiện pháp luật cũng như cưỡng chế thực hiện. Nếu các chủ thể vi phạm pháp luật sẽ dẫn đến khả năng gánh chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý này được xác định trên cơ sở loại quan hệ xã hội được điều chỉnh, hành vi của chủ thể và mức độ thiệt hại xảy ra,... Trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính là những loại trách nhiệm thể hiện rõ nét nhất tính cưỡng chế nhà nước của pháp luật. Thiếu tính cưỡng chế, tính bắt buộc của pháp luật khó được đảm bảo. Tuy nhiên, pháp luật không đồng nghĩa với hình phạt, sự cưỡng chế.

Đây cũng là đặc điểm phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác. Các quy tắc đạo đức được đảm bảo thực hiện bởi chế tài "bên trong" là lương tâm của người thực hiện và "chế tài bên ngoài" là dư luận xã hội. Các quy tắc tôn giáo được đảm bảo thực hiện bằng niềm tin tôn giáo và sức mạnh của bản thân tôn giáo. Các quy tắc tập quán được đảm bảo thực hiện bằng thói quen hành vi, bằng sự tự nguyện của người thực hiện và bằng dư luận xã hội. Các quy tắc của tổ chức chính trị xã hội được đảm bảo thực hiện bởi chính tổ chức đó và trong khuôn khổ pháp luật cho phép.

Phân tích tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức

o Kết cấu của các quy phạm pháp luật được xác định rõ ràng, chặt chẽ và có tính chính xác cao.

Đây là đặc điểm phân biệt pháp luật với hệ thống các quy phạm xã hội khác.

Sự rõ ràng, chặt chẽ và có tính chính xác cao này nhằm đảm bảo việc thực hiện chức năng điều chỉnh của pháp luật. Theo đó, bất kỳ ai đặt trong hoàn cảnh, điều kiện được dự liệu trước sẽ không thể làm khác những khuôn mẫu, chuẩn mực được quy định. Sự rõ ràng, chặt chẽ, chính xác của pháp luật cũng giúp các chủ thể thực hiện hiểu rõ những gì được phép làm, những xử sự cần phải làm và những hành vi bị cấm thực hiện.

o Hình thức thể hiện của pháp luật cũng được xác định rõ ràng, chặt chẽ và với những dạng nhất định.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

92 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Pháp luật được quy định rõ ràng, chặt chẽ trong các khoản, các điều, các văn bản quy phạm pháp luật nhất định. Tên gọi, cách thức ban hành và giá trị pháp lý của các văn bản quy phạm pháp luật này là khác nhau. Ví dụ: Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư,...

Các quy phạm pháp luật được soạn thảo, ban hành hoặc thừa nhận thông qua các trình tự, thủ tục nhất định, được quy định rõ.

4.1.3. Bản chất của pháp luật

"Bản chất của pháp luật là những thuộc tính bền vững tạo nên nội dung, cốt lõi bên trong của pháp luật, quyết định sự tồn tại và phát triển của pháp luật" (PGS. TS. Nguyễn Văn Động (2010), Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, NXB Tư pháp, trang152).

o Pháp luật ra đời trên cơ sở ý chí của giai cấp thống trị, cầm quyền, của cộng đồng xã hội được nâng lên thành các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành.

Pháp luật là công cụ quản lý xã hội của nhà nước theo lợi ích của giai cấp cầm quyền.

o Mục đích của pháp luật là nhằm điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội, điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Để giảm bớt sự đối kháng giai cấp, nhằm thực hiện được mục tiêu quản lý xã hội của nhà nước và sâu xa hơn là nhằm phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, pháp luật cũng thể hiện sự thỏa hiệp giai cấp bằng việc thừa nhận, bảo vệ ở mức độ nhất định lợi ích của các thành viên trong xã hội.

Bản chất của pháp luật thể hiện ở: Tính giai cấp và tính xã hội.

o Pháp luật thể hiện tính giai cấp bởi pháp luật là công cụ quản lý của nhà nước. Mà nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp.

Tính giai cấp thể hiện qua quá trình tạo lập nên nhà nước. Trên cơ sở sự hình thành của nhà nước, pháp luật được hình thành. Do vậy, pháp luật cũng thể hiện tính giai cấp.

Nhu cầu hình thành pháp luật là nhằm thiết lập trật tự xã hội theo mục đích của giai cấp thống trị. Pháp luật phản ánh ý chí của giai cấp thống trị.

Nhờ nắm trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị đã thông qua nhà nước để thể hiện ý chí của giai cấp mình một cách tập trung, thống nhất thông qua hệ thống các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành và các hoạt động áp dụng pháp luật của nhà nước.

o Pháp luật được thiết lập nhằm mục đích phục vụ và bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, bảo vệ và phát triển những giá trị mà giai cấp thống trị theo đuổi.

Mục đích của pháp luật là tạo ra một trật tự xã hội ổn định, phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Như vậy, pháp luật thể hiện sự thống trị của giai cấp thống trị đối với các giai cấp khác, tầng lớp khác.

C.Mac và Ph. Anghen khi nghiên cứu về giai cấp tư sản đã khẳng định: "Pháp luật của các ông chỉ là ý chí của giai cấp của các ông đề lên thành luật pháp,

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 93

cái ý chí mà nội dung là do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp các ông quyết định".

Ví dụ, pháp luật của nhà nước tư sản luôn hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản. Pháp luật của nhà nước phong kiến luôn bảo vệ quyền lợi của vua chúa, của giai cấp địa chủ. Pháp luật xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, mà đại diện là nhà nước của nhân dân lao động. Mọi người đều được sống tự do, bình đẳng, bảo đảm thực sự dân chủ và công bằng xã hội…

o Pháp luật thể hiện tính xã hội.

Là sản phẩm của nhà nước, bên cạnh việc phục vụ lợi ích của giai cấp thống trị, pháp luật còn nhằm phục vụ nhu cầu của các thành viên trong xã hội. Thuộc tính xã hội là một thuộc tính khách quan, tất yếu và phổ biến của pháp luật.

Để duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội, nhà nước phải quan tâm đến ý chí và lợi ích của các giai cấp, các tầng lớp khác trong xã hội, phải giải quyết các vấn đề phát sinh trong xã hội như: tội phạm, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, môi trường…

Pháp luật được hình thành xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống chung giữa con người với con người. Pháp luật được thiết lập để xây dựng một cộng đồng xã hội văn minh. Do vậy, pháp luật phải bao quát tất cả nội dung của cuộc sống xã hội. Nó phải tuân thủ và giải quyết nhiều yêu cầu của xã hội con người và các yêu cầu đó về nguyên tắc có ảnh hưởng lẫn nhau, có khi loại trừ nhau. Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, phản ánh những nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp trong xã hội, được các cá nhân, các cộng đồng dân cư, các tầng lớp khác nhau trong xã hội chấp nhận, coi là chuẩn mực, là quy tắc xử sự chung. Các hành vi xử sự của cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư phù hợp với những quy định của pháp luật làm cho xã hội phát triển trong vòng trật tự, ổn định, quyền và lợi ích hợp pháp luật của mỗi người đều được tôn trọng. Sự vận hành của các quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng pháp luật và phù hợp với quy định của pháp luật tạo nên một trật tự xã hội đặc biệt, đó là trật tự pháp luật, cấu thành của trật tự xã hội.

Giá trị xã hội của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật là thước đo hành vi của con người, là công cụ để nhận thức xã hội và điều chỉnh các quan hệ xã hội phù hợp với quy luật phát triển khác quan. Thông qua pháp luật, những giá trị của xã hội, những giá trị mà cả cộng đồng xã hội thừa nhận, trân trọng được bảo vệ và phát triển. Ví dụ như quyền bình đằng giữa nam và nữ, sự trân trọng đối với người phụ nữ, …

Dựa vào pháp luật, có thể xác định được sự tiến bộ, mức độ phát triển của xã hội. Mức độ phát triển của pháp luật chịu ảnh hưởng vào mức độ phát triển của xã hội. Do vậy, giá trị xã hội của các kiểu pháp luật khác nhau rất khác nhau. Giá trị xã hội của pháp luật chủ nô khác với giá trị xã hội của pháp luật tư sản hoặc pháp luật xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, ở mức độ

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

94 TGL101_Bai4_v1.0014103225

nhất định, pháp luật chủ nô cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hóa của xã hội. Cùng với sự phát triển lịch sử của pháp luật giá trị xã hội của pháp luật ngày càng tăng lên, đặt biệt là đối với pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Trong thời đại hiện nay, tính xã hội của pháp luật không chỉ bó hẹp trong phạm vi một quốc gia, mà còn mở rộng, có quan hệ đến nhiều quốc gia trong khu vực và lan rộng ra toàn thế giới.

o Tóm lại, pháp luật là một hiện tượng vừa mang tính giai cấp vừa mang tính xã hội sâu sắc. Hai thuộc tính này có mối liên hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau. Do những điều kiện khách quan và chủ quan, sự thể hiện tính giai cấp và tính xã hội của pháp luật là khác nhau trong các kiểu nhà nước.

Ý nghĩa của việc hiểu bản chất của pháp luật.

o Hiểu được bản chất của pháp luật giúp xác định được nội dung của pháp luật cũng như mục tiêu của pháp luật:

Bản chất của pháp luật giúp xác định được nội dung các quy định của pháp luật. Chúng ta sẽ giải thích được tại sao các quan hệ xã hội này được điều chỉnh và tại sao được điều chỉnh như thế. Ví dụ, hiểu được bản chất của pháp luật tư sản giúp hiểu được việc ban hành các đạo luật về các công ty đa quốc gia, các đạo luật về chống quốc hữu hóa của nhà nước tư sản.

Bản chất của pháp luật giúp xác định được mục tiêu của pháp luật. Mục tiêu của pháp luật là những kết quả mà pháp luật hướng tới thông qua việc ban hành các quy tắc để điều chỉnh hành vi của các chủ thể, cũng như quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội. Ví dụ, hiểu được bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa giúp xác định được mục tiêu của pháp luật xã hội chủ nghĩa là xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người dân, mang lại lợi ích cho tất cả thành viên trong xã hội.

o Bản chất của pháp luật giúp chúng ta xác định được pháp luật đó là của ai, do ai và vì ai.

Việc xác định được nội dung, mục tiêu của pháp luật sẽ giúp ta xác định được pháp luật này thực chất là mang lại lợi ích cho ai, phục vụ quyền và lợi ích của ai. Nhất là trong xã hội có giai cấp.

Trong xã hội có giai cấp, pháp luật được coi như một công cụ để bảo vệ và phục vụ quyền lợi của giai cấp thống trị.

Bản chất của pháp luật giúp chúng ta phân biệt được các kiểu pháp luật. Bởi bản chất của pháp luật quyết định kiểu pháp luật. Giống như bản chất của nhà nước quyết định kiểu nhà nước.

4.2. Chức năng của pháp luật

Chức năng của pháp luật được hiểu là những tác động chủ yếu của pháp luật tới các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh. Chức năng của pháp luật cũng có thể được hiểu là những phương diện, mặt hoạt động chủ yếu của pháp luật thể hiện bản chất giai cấp và ý nghĩa xã hội của pháp luật.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 95

4.2.1. Chức năng điều chỉnh

Đây là chức năng đầu tiên của pháp luật. Chức năng điều chỉnh thể hiện sự tác động của pháp luật đến hành vi của con người, hướng dẫn hành vi của con người theo những khuôn mẫu nhất định nhằm thực hiện những mục tiêu mà nhà nước hướng tới.

o Pháp luật tác động đến hành vi của con người, hướng dẫn hành vi của con người.

Nhu cầu điều chỉnh hành vi của con người, điều chỉnh mối quan hệ giữa con người với con người chính là nguyên nhân và động cơ dẫn đến sự hình thành pháp luật ở mỗi quốc gia.

Pháp luật hướng hành vi của con người theo những khuôn mẫu nhất định. Chức năng điều chỉnh giúp cho hành vi của con người được tiết chế. Theo đó, những hành vi xấu đối với người khác, đối với xã hội bị kiểm soát. Chức năng điều chỉnh của pháp luật giúp tạo nên trật tự xã hội.

Về vấn đề điều chỉnh hành vi con người, có nhiều thuyết: Thuyết đức trị/nhân trị và Thuyết pháp trị. Thuyết đức trị/nhân trị (Khổng tử) chủ trường dùng đức để cai trị xã hội: Đề cao cái đức của kẻ cầm quyền. Mục đích là tạo ổn định trật tự xã hội, thuần hóa dân chúng. Mặt khác nhằm phản đối nền chính trị hà khắc, tàn bạo dễ làm đân chúng oán giận mà nổi dậy chống đối. Thuyết pháp trị (Hàn Phi) chủ trương dùng pháp luật để cai trị xã hội: Người theo phái pháp gia cho rằng bản tính con người là ác, con người thuộc tính ác, yếu, hèn, dễ phạm sai lầm, nên phải dùng hình phạt thật nghiêm khắc để sai khiến và giáo hóa được họ. Ở Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã xác định: "quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không phải bằng đạo lý". Quản lý đất nước bằng pháp luật đặt ra như một nhu cầu khách quan để thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội và cao hơn nữa là sự tồn tại vững mạnh của đất nước.

o Pháp luật tác động đến nhận thức của con người theo những mục tiêu mà nhà nước đặt ra.

Những quy định của pháp luật tạo nên các khuôn mẫu, chuẩn mực về hành vi cho các chủ thể trong xã hội. Qua hệ thống các quy phạm này các chủ thể nhận thức được tính đúng đắn trong xử sự, hành vi của mình, xác định được cách xử sự, hành vi cần phải được thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện tương tự. Pháp luật, trên cơ sở đưa ra những qui định nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định của nhà nước và giai cấp cầm quyền, sẽ tạo nên nhận thức chung của người dân và xã hội theo những mục tiêu mang tính chủ quan đó.

Việc áp dụng pháp luật của các cơ quan nhà nước nói riêng và thực hiện pháp luật của tất cả các chủ thể trong xã hội nói chung tạo nên nhận thức của các chủ thể về pháp luật, về các mục tiêu mà nhà nước đặt ra. Quá trình thực hiện pháp luật của các chủ thể một mặt nhằm thực hiện mục tiêu quản lý của nhà nước, nhưng mặt khác cũng có tác động trở lại tới nhà nước trong việc điều chỉnh mục tiêu của mình trong từng thời kỳ nhất định với những điều kiện cơ bản nhất định.

o Pháp luật tác động đến các quan hệ xã hội, giúp cho xã hội được ổn định, phát triển theo hướng, theo mục tiêu mà nhà nước xác định.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

96 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Pháp luật thay thế các quan hệ dựa trên sức mạnh của các chủ thể trong xã hội bằng các quan hệ pháp lý. Pháp luật bảo đảm cho các chủ thể trong xã hội là các chủ thể bình đẳng.

Những cách xử sự có lợi cho xã hội nhằm thiết lập trật tự xã hội và những cách xử sự có hại cho xã hội sẽ được pháp luật điều chỉnh nhằm mục đích thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội theo chiều hướng mà nhà nước mong muốn

Chức năng điều chỉnh của pháp luật giúp nhà nước thực hiện được các mục tiêu của mình. Với chức năng điều chỉnh, pháp luật trở thành một trong những công cụ quản lý của nhà nước nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước. Ví dụ, với mục tiêu bảo vệ môi trường, nhà nước xây dựng và ban hành pháp luật về bảo vệ môi trường qua đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể theo hướng bảo vệ môi trường.

Mức độ, nội dung điều chỉnh của pháp luật thay đổi phụ thuộc vào ý chí, thái độ của của nhà nước, của giai cấp thống trị đối với các quan hệ xã hội đó.

o Pháp luật không điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội mà chỉ điều chỉnh những quan hệ mà nhà nước cho là quan trọng, có tính chất điển hình và phổ biến có ảnh hưởng đến lợi ích của giai cấp thống trị hoặc/và của toàn xã hội.

Không phải mọi quan hệ xã hội đều được pháp luật điều chỉnh. Có những quan hệ xã hội sau một thời gian phát sinh mới được điều chỉnh. Ví dụ: quan hệ mang thai hộ. Sự điều chỉnh của pháp luật phụ thuộc không chỉ vào ý chí của giai cấp thống trị, của nhà nước mà còn vào trình độ nhận thức của xã hội, điều kiện vật chất của xã hội, truyền thống văn hóa, dân tộc,... Có những quan hệ xã hội chưa được pháp luật điều chỉnh dù đang ngày càng phổ biến trong xã hội như quan hệ hôn nhân đồng giới, vấn đề xác định lại giới tính cho người chuyển giới,...

Thông qua pháp luật, nhà nước thể hiện thái độ, sự quan tâm của mình đến các quan hệ xã hội phát sinh. Có những quan hệ xã hội nhà nước thấy cần thiết phải hạn chế phát triển, thậm chí loại bỏ hoặc ngược lại, có những quan hệ xã hội nhà nước lại muốn khuyến khích phát triển.

Sự điều chỉnh của pháp luật đến các quan hệ xã hội có thể thay đổi theo thời gian, tùy vào quan điểm của nhà nước, của giai cấp thống trị, của xã hội đối với quan hệ xã hội đó. Quay trở lại ví dụ về quan hệ mang thai hộ, hôn nhân đồng giới.

o Chức năng điều chỉnh của pháp luật thể hiện thông qua các hình thức ngăn cấm, bắt buộc, cho phép hoặc khuyến khích các chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Pháp luật ngăn cấm thực hiện những hành vi nhất định thông qua các quy phạm pháp luật ngăn cấm.

Pháp luật bắt buộc các chủ thể thực hiện những hành vi nhất định thông qua các quy phạm bắt buộc hoặc mệnh lệnh.

Pháp luật cho phép thực hiện các hành vi thông qua các quy phạm cho phép hoặc giao quyền.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 97

o Mức độ, nội dung điều chỉnh của pháp luật phụ thuộc vào thái độ, ý chí của nhà nước, sự nhận thức của các chủ thể xây dựng pháp luật, nhận thức của cộng đồng xã hội đối với các quan hệ xã hội đó.

Có những quan hệ xã hội nhà nước điều chỉnh chi tiết, cụ thể, nhưng lại có những quan hệ xã hội nhà nước lại cho rằng không cần thiết phải điều chỉnh.

Có những quan hệ xã hội pháp luật chỉ tạo ra cái khung pháp lý để cho các chủ thể được tự do thực hiện trong cái khung đó. Ví dụ trong quan hệ hợp đồng, có những loại hợp đồng pháp luật cho phép các chủ thể được tự do lựa chọn hình thức của hợp đồng và chỉ quy định những vấn đề liên quan đến hiệu lực của hợp đồng. Có những quan hệ xã hội pháp luật lại quy định một cách chi tiết nội dung các hành vi mà các chủ thể phải thực hiện. Ví dụ như quan hệ thừa kế, quan hệ về nhận nuôi con nuôi,…

Nếu nhà nước cho rằng các quan hệ xã hội đó là quan trọng, có ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng của nhà nước thì nhà nước sẽ can thiệp sâu đến hành vi của các chủ thể để hướng các hành vi đó thực hiện được đúng các mục tiêu mà nhà nước đặt ra.

Đối với những quan hệ xã hội không có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng xã hội, đến quyền và lợi ích của nhà nước, nhà nước có thể chỉ định ra khung pháp lý cho phép các chủ thể thực hiện hành vi nhằm đảm bảo cho các hành vi này không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của nhà nước.

Phụ thuộc vào sự nhận thức của các chủ thể xây dựng pháp luật mà mức độ điều chỉnh, nội dung điều chỉnh đến các quan hệ xã hội của pháp luật có sự khác nhau theo từng thời kỳ.

4.2.2. Chức năng phản ánh

Chức năng phản ánh của pháp luật thể hiện ở điểm thông qua pháp luật có thể nhận diện sự phát triển của xã hội, nhu cầu khách quan của đời sống xã hội, ý chí của giai cấp thống trị.

o Pháp luật phản ánh sự phát triển của cơ sở kinh tế – xã hội, nhu cầu khách quan của đời sống kinh tế – xã hội.

Pháp luật phản ánh trình độ phát triển của xã hội, của nền kinh tế. Thông qua các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh có thể nhận thấy được mức độ phát triển của nền kinh tế, của cơ sở hạ tầng xã hội. Ví dụ, thông qua pháp luật có thể phân biệt được một xã hội chậm phát triển với một xã hội phát triển, một nền kinh tế lạc hậu với một nền kinh tế hiện đại.

Pháp luật phản ánh nhu cầu khách quan của đời sống kinh tế. Ví dụ, thông qua pháp luật có thể thấy được nhu cầu của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, về vấn đề bảo đảm an toàn cho các giao dịch thương mại điện tử, vấn đề trao đổi thương mại quốc tế, …

o Sự phản ánh của pháp luật không mang tính thụ động mà có tính độc lập tương đối với các quan hệ kinh tế, xã hội.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

98 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Tính chất của các quan hệ kinh tế, của các quan hệ xã hội quyết định tính chất của các quan hệ pháp luật, mức độ và phương pháp điều chỉnh của pháp luật. Các tổ chức, thiết chế pháp lý chịu ảnh hưởng quyết định từ chế độ kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, pháp luật cũng tác động trở lại đối với nền kinh tế, xã hội. Nếu pháp luật được xây dựng phù hợp với các quy luật phát triển kinh tế – xã hội thì sẽ tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, đến cách tổ chức, vận hành toàn bộ nền kinh tế cũng như cơ cấu bên trong của nền kinh tế một cách có hiệu quả.

Nếu pháp luật được xây dựng không phù hợp với các quy luật kinh tế – xã hội thì nó sẽ kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, sự phát triển của xã hội nói chung.

o Pháp luật phản ánh khả năng nhận thức chủ quan của các chủ thể xây dựng pháp luật.

Sự tác động của pháp luật đến nền kinh tế, đến xã hội phụ thuộc không nhỏ vào yếu tố chủ quan, khả năng nhận thức của các chủ thể xây dựng pháp luật.

Thông qua các quy định của pháp luật, cách thức điều chỉnh của pháp luật, có thể nhận thấy được sự nhận thức của các chủ thể xây dựng pháp luật ở từng giai đoạn, ở từng thời kỳ là khác nhau.

o Pháp luật phản ánh ý chí của nhà nước, của giai cấp thống trị đối với các quan hệ xã hội phát sinh.

Thông qua pháp luật, có thể xác định được những quan hệ xã hội được cho là quan trọng, cần thiết đối với nhà nước, đối với xã hội.

Thông qua pháp luật, có thể xác định được những quan hệ xã hội được xác định là nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại của nhà nước, của giai cấp thống trị.

Thông qua pháp luật, có thể xác định được những quan hệ xã hội đang được nhà nước khuyến khích phát triển.

o Pháp luật cũng phản ánh được khả năng, mức độ quản lý của nhà nước đối với xã hội.

Thông qua mức độ, nội dung điều chỉnh của pháp luật đến các quan hệ xã hội có thể thấy được khả năng quản lý của nhà nước đối với xã hội. Có những quan hệ xã hội nhà nước cho rằng chỉ có thể cấm mà không thể cho phép thực hiện vì không thể kiểm soát được. Có những quan hệ xã hội nhà nước quy định khá chi tiết, cụ thể hành vi của con người thể hiện sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Ngược lại có những quan hệ xã hội, nhà nước lại để cho các chủ thể có một sự tự do nhất định để tự quyết định hành vi của mình.

4.2.3. Chức năng giáo dục

Chức năng giáo dục thể hiện sự tác động của pháp luật vào ý thức, tâm lý của con người trong xã hội, hướng hành vi của con người phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Khi thực hiện chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thiết lập một trật tự xã hội nhất định, pháp luật tác động lên ý thức của con người bằng các biện pháp khuyến khích các hành

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 99

vi có ích cho xã hội, trừng phạt các hành vi vi phạm pháp luật, qua đó pháp luật giáo dục con người thành công dân, cá nhân tốt trong xã hội.

Pháp luật giáo dục con người nhận thức được cái tốt, cái xấu, nhận thức được những giá trị mà cộng đồng xã hội đề cao, bảo vệ.

Ví dụ, pháp luật giúp con người nhận thức được những giá trị chung của cộng đồng thông qua các quy phạm pháp luật về bảo tồn di tích lịch sử, về bảo vệ bà mẹ và trẻ em, quy định về các giá trị của gia đình, của làng xóm, của văn hóa truyền thống,…

Pháp luật giáo dục con người về cách xử sự của mình trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định.

Từ giáo dục nhận thức, pháp luật hướng tới giáo dục hành vi của con người. Thông qua việc xây dựng những khuôn mẫu ứng xử, pháp luật giúp con người xác định được cách xử sự của mình để hành động cho phù hợp. Thông qua việc mô tả những hành vi được cho là sai trái và đưa ra các chế tài cụ thể, pháp luật giúp con người dự kiến được những hành vi không phù hợp để tránh thực hiện. Trên cơ sở nhận thức được nội dung, yêu cầu của pháp luật, con người sẽ có những hành vi phù hợp. Do vậy, pháp luật giáo dục hành vi của con người, hướng con người hành động hoặc không hành động vì lợi ích của cộng đồng, vì lợi ích của nhà nước.

4.2.4. Chức năng bảo vệ

Với tư cách là công cụ quản lý nhà nước, pháp luật có chức năng bảo vệ những quan hệ xã hội được cho là quan trọng, cần thiết cho trật tự xã hội, cho lợi ích của giai cấp thống trị, của nhà nước.

o Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội được cho là quan trọng, cần thiết cho trật tự xã hội.

Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội là nền tảng của xã hội: quan hệ hôn nhân gia đình, quan hệ dân sự,… Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội được quan trọng, cần thiết cho trật tự xã hội.

Quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh là các quan hệ xã hội được bảo vệ. Pháp luật quy định những quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định cho các bên chủ thể tham gia quan hệ. Với việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý này, lợi ích của các chủ thể tham gia quan hệ xã hội đó được bảo vệ. Những người xâm phạm các quyền hoặc không thực hiện các nghĩa vụ pháp lý này sẽ có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Một quan hệ xã hội không được pháp luật điều chỉnh thì các chủ thể tham gia quan hệ xã hội đó sẽ không có công cụ pháp lý để bảo vệ những lợi ích của họ phát sinh từ quan hệ xã hội đó.

o Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội được cho là quan trọng, cần thiết cho lợi ích của nhà nước, của giai cấp thống trị.

Pháp luật bảo vệ đường lối, chính sách của nhà nước, của giai cấp thống trị, cầm quyền.

Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội có mang lại lợi ích của giai cấp thống trị, cầm quyền.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

100 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Chức năng bảo vệ của pháp luật được thực hiện như thế nào?

Pháp luật xây dựng môi trường an toàn cho các quan hệ xã hội vận động, phát triển.

o Xây dựng các chế tài, hình phạt chống lại các hành vi phá vỡ trật tự xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến lợi ích của nhà nước, của giai cấp thống trị.

o Xây dựng cơ chế thực hiện các chế tài, hình phạt áp dụng đối với các chủ thể có hành vi xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể tham gia vào quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ.

Nghiên cứu tình huống: Đạo đức và pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh – Đức trị hay pháp trị *

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương pháp trị, hay Người chủ trương đức trị? Vấn đề này gần đây được nêu ra ở nhiều cuộc hội thảo, ở đâu, tranh luận cũng sôi nổi. Nhưng ở đâu, hai phe vẫn cứ “bất phân thắng phụ” ! Vì cả hai phe đều nói có đủ sách, đủ chứng. Lại có phe thứ ba chiết trung, dung hoà hai phe mà nói rằng, phương thức trị quốc an dân của Lãnh tụ kết hợp hài hoà đức trị và pháp trị. Đức trị của văn hiến á Đông, Pháp trị của khoa học quản lý Âu Mỹ.

I. Vài nét lịch sử Riêng tôi nghĩ, phải chăng cả ba ý kiến đều có tính chất cực đoan tuy mức độ có khác nhau. Họ đã nhìn tách bạch hai sự vật: đạo đức và pháp luật, đức trị và pháp trị, mà theo tôi, vốn chỉ là Một, cùng một căn nguyên, một bản chất. Trước khi đi thẳng vào vấn đề, tôi xin phép thử phác vài nét lịch sử, mặc dầu kiến thức lịch sử rất lõm bõm. Tôi nghĩ, nên xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của con người, con người xã hội, con người phần tử của xã hội, trong một xã hội nhất định sống chết với xã hội đó. Để tồn tại và phát triển, từng gia tộc, từng bộ tộc, liên minh bộ tộc, kế đó, từng dân tộc, mọi người sống trong cùng một cộng đồng tất yếu phải thương yêu nhau, đùm bọc nhau, bảo vệ nhau. Và làm được như vậy là nhờ – như thuở xưa, anh và tôi, ta hằng ê a: “Nhân chi sơ, tính bản thiện” con người sinh là có lương tâm, lương tri rồi. Thời đại nguyên thuỷ, cái Thiện bẩm sinh còn đơn sơ, chia đều cho mỗi thành viên cộng đồng, nên mọi người suy nghĩ, hành động dễ thống nhất: Nhưng qua phát triển, cộng đồng càng lớn lên, càng phân nhỏ thành nhiều đơn vị, dần dần sống xa nhau. Do đó “tập tương viễn”. Tuy vậy, dầu tập quán xa nhau thế nào, thì tính Người, tình Người vẫn làm cho các xã hội gần nhau: “Tính tương cận”. Đạo đức con người là mạch sống gắn họ lại với nhau. Rồi nhân loại đông lên gấp bội. Đời sống xã hội trong cộng đồng dân tộc trở nên phức tạp, cơ sở kinh tế phân hoá, giai cấp manh nha, khai triển làm rắc rối các quan hệ giữa người với người trong cùng một xã hội. II. Mặt khác, có yêu cầu về tổ chức. Ngay từ thời nguyên thuỷ, cuộc sống cộng đồng làm nảy nở phong tục tập quán. Thường là truyền miệng qua các thế hệ, có nơi được vẽ, viết một cách nguệch ngoặc trên vách hang động, có nơi ghi trên giấy tờ, đặc biệt có nơi đục khắc tinh vi trên bia đá. Đó là Lệ: “Lệ làng”, hình thành từ đức Thiện bẩm sinh. Khi giai cấp đã hình thành sắc nét, thì lớp người thống trị đặt ra Luật, chủ yếu để tự bảo vệ lợi ích sống còn của tầng lớp mình. Luật ấy tất nhiên xung đột với Lệ. Nhưng không thể phủ định hoàn toàn Lệ của dân chúng số nhiều. Vì lẽ đơn giản, tập đoàn thống trị nào thì cũng phải dựa vào dân chúng mới sống được, mặt khác, vì dân chúng không ngừng đấu tranh để tồn tại, nhân danh chính nghĩa của Chí Thiện, của Đạo Trời, cũng là Đạo Người mà thôi. Có thể ở đâu đó và lúc nào đó, Luật xoá “toẹt” Lệ – Chó sói muốn diệt đức của dân lành. Ở đâu đó, như ta biết, phái học gia “pháp gia” dựng lên thuyết pháp luật độc tôn, chủ trương

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 101

phát triển Luật rừng để giúp kẻ trị vì đàn áp dân chúng. Họ bịa ra nguyên lý “Nhân chi sơ, tính bản ác” làm cơ sở cho một thứ đạo lý phi nghĩa để biện luận cho chế độ pháp trị tàn bạo ấy. May thay cho thiên hạ: cả thầy lẫn tớ, chúng đều mệnh yểu. Bởi vì cả “đạo” lẫn “pháp” của họ đều “vô nhân đạo”, “vô pháp”, “vô thiên”. Một thực tế lịch sử nữa phổ biến hơn rất nên chú ý là ở đâu tập đoàn thống trị cũng tìm cách thoả hiệp với đạo lý nhân bản truyền thống và để cùng tồn tại được lâu dài với quần chúng, thì chúng cũng gắng uốn luật pháp của chúng cho phù hợp với đạo lý ấy. Nghĩa là nhìn chung có xu hướng nhất thể hoá hai nhân tố Đạo đức và Pháp luật cùng tác động đến đời sống xã hội. Có điều là xu hướng nhất thể hoá phải lành mạnh, làm cho cả Đạo đức lẫn Pháp luật đều bắt nguồn từ cái Thiện bẩm sinh, đều thể hiện tính nhân bản, nhân văn thì ý đồ nhất thể hoá mới phát huy tác dụng, có lợi cho sự phát triển xã hội. .... III. Ở Hồ chí Minh: Đạo đức là Gốc, Pháp luật là Chuẩn. Trong cái nhất thể “đạo đức – pháp luật”, xét về cội nguồn thì Thiện, Đức có trước và là gốc của Lệ, Luật; mà xét về công dụng đối với đời sống xã hội thì: Đạo đức gây men sống, còn Pháp luật là chuẩn, xác định mức độ phạm vi, phương pháp tác động của men sống ấy chỉ đạo hành động con người và bảo đảm cho hành động ấy có hiệu quả đối với xã hội. Pháp luật là tất yếu cần cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, làm hình thành mọi quan hệ xã hội hợp với chuẩn đã định. Không có pháp luật thì xã hội khó mà tồn tại được. Cho nên trước Cách mạng Tháng Tám và ngay sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến, đã tự thân lo việc soạn thảo Hiến pháp và Luật pháp. Nhưng, gốc có bền thì cây mới đứng được và tươi tốt lên. Cho nên đồng thời, Bác phải lo vun gốc. Không phải tình cờ mà liền với việc soạn thảo Hiến pháp, chưa có Hiến pháp, thì Bác ra lệnh giữ lại mọi luật lệ cũ còn thích hợp với chế độ mới. Rồi Hồ Chí Minh gửi ngay thư “khẩn cấp”; cho các Uỷ ban nhân dân, các bộ, tỉnh, huyện, làng (vào đầu tháng 12/1945) và gửi thư cho đồng bào Bắc Bộ (vào đầu năm 1947) để răn bảo cán bộ ngoài Đảng, trong Đảng sớm biết tu tỉnh, tẩy rửa mọi thói hư tật xấu, tư thù, tư oán, cậy thế, cậy thần, quân phiệt hà hiếp, kể cả hẹp hòi, chuộng hình thức, ích kỷ, hám lợi danh; nghĩa là những điều luân lý thông thường, những yêu cầu sơ đẳng của Đạo đức làm người, của cái Thiện bẩm sinh. Khi mở lớp đầu tiên huấn luyện cán bộ thanh niên Cách mạng, bài giảng đầu của Bác là cái luân lý ấy. Rồi giữa lúc kháng chiến ác liệt, Người đã viết sách dạy dỗ phải “sửa đổi lề lối làm việc”, đi thăm đồng bào, cán bộ khắp nơi, khuyên bảo nên rèn đức “trung với nước, hiếu với dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư...”. Nhiều người trong chúng ta ở đây hẳn còn in sâu trong ký ức bóng dáng người Cha, người Anh thân thiết ấy đã lên bục chỉnh huấn giảng bài khai tâm “Thiện và ác” trên thế giới, trong xã hội và trong bản thân mỗi người: làm sao cho Thiện đánh lùi được ác. Việc làm của Bác làm ta nhớ đến gương các vị danh thần, danh tướng Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo..., dạy dỗ con em, binh lính biết giữ lòng cho ngay thẳng, ý nghĩ trong sáng, làm tròn phận sự với gia đình, xóm giềng, đất nước, đồng bào. Có gì cao xa đâu! Nhưng làm được thế thì gia đình, làng xóm, xã hội yên vui, thái bình. Đạo đức làm người mà vững, thì phép nước, lệ làng, kỷ cương xã hội bảo đảm. Luật lệ không bao giờ đủ, ở đâu cũng thế. Chưa có luật nhưng giữ được tính Thiện, căm thù điều ác, thì đỡ nghĩ bậy, làm bậy. Đỡ nhiều lắm. Có luật đấy rồi, nhưng không có lương tâm thì sẽ bất chấp luật, sẽ xuyên tạc luật, bẻ queo luật như chơi. Có người phàn nàn là không đủ luật nên trật tự bát nháo; thậm chí nghĩ rằng nguyên nhân sâu xa là bởi vì Hồ Chủ tịch quá thiên Đức trị và coi nhẹ Pháp trị. Tôi cho nghĩ thế là một sai lầm về nhận thức tư tưởng. Tham nhũng lan tràn có phải vì do không đủ luật đâu có phải vì do cơ quan bảo vệ pháp luật không đủ người đâu? Kém đạo đức, vô giáo dục thì quả là “vô pháp, vô thiên”. Dột nát cả mái thì luật dùng vào đâu được."

Trích: Vũ Đình Hoè – Pháp quyền Nhân nghĩa Hồ Chí Minh, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 2001, tr. 327 – 338.

Trích nguồn từ <http://www.moj.gov.vn/65nam/News/Lists/TuLieu/View_Detail.aspx?ItemID=6>

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

102 TGL101_Bai4_v1.0014103225

4.3. Hình thức của pháp luật

4.3.1. Khái niệm, phân loại hình thức của pháp luật

Khái niệm: Hình thức của pháp luật là phương thức tồn tại thực tế của pháp luật.

Hình thức của pháp luật có thể được hiểu là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của mình thành pháp luật. Hình thức của pháp luật cũng có thể được hiểu là biểu hiện bên ngoài của pháp luật.

Phân loại hình thức của pháp luật.

Xét ở góc độ cấu trúc, pháp luật được chia thành hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.

o Hình thức bên trong là hệ thống cấu trúc bên trong của pháp luật bao gồm các hình thức sau: hệ thống pháp luật, ngành luật, chế định pháp luật và quy phạm pháp luật.

o Hình thức bên ngoài là hệ thống cấu trúc bên ngoài của pháp luật bao gồm tập hợp các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành, điều ước quốc tế, tập quán pháp, tiền lệ pháp.

4.3.2. Hình thức bên trong của pháp luật

Hệ thống pháp luật:

o Khái niệm: Là một tổng thể các quy phạm pháp luật, trong đó các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành một tập hợp lớn nhỏ khác nhau.

Là cấu trúc bên trong của pháp luật, biểu hiện ở sự thống nhất, liên kết nội tại của cá quy phạm pháp luật.

Được phân chia thành các bộ phận, đơn vị nhỏ hơn theo các tiêu chí nhất định: ngành luật, chế định pháp luật, quy phạm pháp luật.

Các bộ phận có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, có sự thống nhất với nhau. Xu hướng và yêu cầu về việc loại trừ những mâu thuẫn giữa các quy phạm pháp luật trong từng bộ phận, đơn vị nhỏ của hệ thống pháp luật và trong toàn bộ hệ thống pháp luật luôn được đặt ra trong mỗi hệ thống pháp luật.

o Hai đặc tính của hệ thống pháp luật: Tính liên kết và tính thứ bậc.

Tính liên kết: Thể hiện mối liên hệ giữa các quy phạm pháp luật. Mối liên hệ này đòi hỏi sự phù hợp, sự không mâu thuẫn và sự bổ sung cho nhau giữa các quy phạm pháp luật. Sự liên kết không chỉ thể hiện giữa các quy phạm trong cùng một chế định, hoặc giữa các chế định trong cùng một ngành luật mà cả giữa các ngành luật với nhau.

Tính thứ bậc: Thể hiện ở điểm các quy phạm pháp luật cấu thành nên hệ thống pháp luật không có hiệu lực pháp lý như nhau, không điều chỉnh cùng một vấn đề. Hệ thống pháp luật được hiểu như là một kim tự tháp được hình thành từ các quy phạm pháp luật phụ thuộc vào nhau, có giá trị hiệu lực cao thấp theo thứ tự nhất định. Một quy phạm pháp luật sẽ chỉ có hiệu lực khi nó phù hợp về nội dung và tuân thủ những điều kiện được nêu trong quy phạm có hiệu lực pháp lý cao hơn.

o Các loại hệ thống pháp luật.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 103

Hệ thống pháp luật quốc gia: Là tổng thể các quy phạm pháp luật do nhà nước của quốc gia đó ban hành hoặc thừa nhận.

Hệ thống pháp luật quốc tế: Là tổng thể các quy phạm pháp luật hình thành qua quá trình thỏa thuận và ký kết của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác để điều chỉnh quan hệ quốc tế, đặc biệt là quan hệ giữa các quốc gia.

o Yêu cầu đối với hệ thống pháp luật

Hệ thống pháp luật phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các quy phạm pháp luật về mặt nội dung và về mặt hình thức.

Hệ thống pháp luật phải chắc chắn, thống nhất.

o Ý nghĩa của việc sắp xếp một cách hệ thống các quy phạm pháp luật.

Nhằm phát hiện được sự thiếu sót.

Nhằm loại bỏ quy phạm không còn phù hợp.

Tránh sự chồng chéo giữa các quy phạm pháp luật.

Ngành luật:

o Khái niệm: Là một tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội nhất định có cùng tính chất, đặc điểm, nội dung với những phương pháp điều chỉnh đặc trưng.

Ngành luật hình sự: Tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội gắn liền với tội phạm và hình phạt.

Ngành luật dân sự: Tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân phi tài sản.

Ngành luật kinh tế, hành chính, …

o Đặc điểm của ngành luật là có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng.

Đối tượng điều chỉnh: Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, nội dung của quan hệ xã hội được các quy phạm pháp luật điều chỉnh mỗi ngành luật có đối tượng điều chỉnh xác định. Ví dụ, các quan hệ thương mại thuộc ngành luật kinh tế, quan hệ hành chính thuộc ngành luật hành chính.

Phương pháp điều chỉnh là cách thức mà nhà nước sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Mỗi ngành luật có các phương pháp điều chỉnh đặc trưng. Ví dụ, phương pháp thỏa thuận, phương pháp mệnh lệnh,…

o Căn cứ phân định các ngành luật. Mỗi ngành luật có các phương pháp điều chỉnh đặc trưng.

Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, có thể phân thành các ngành luật dân sự, hình sự, hành chính...

Sự phân định chỉ mang tính chất tương đối: Ranh giới giữa các ngành luật không thể được xác định một cách rõ ràng, cố định.

Chế định pháp luật.

o Là đơn vị cấu trúc bên trong của ngành luật

o Gồm một nhóm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính đồng nhất hơn về tính chất, đặc điểm, nội dung thuộc đối tượng điều chỉnh của một ngành luật.

o Một ngành luật bao gồm nhiều chế định pháp luật khác nhau.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

104 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Ví dụ ngành luật dân sự có các chế định như: chế định sở hữu, chế định hợp đồng, chế định thừa kế,….

Quy phạm pháp luật là đơn vị cấu trúc bên trong của chế định luật, ngành luật. Là quy tắc có tính bắt buộc chung được nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước.

4.3.3. Hình thức bên ngoài của pháp luật

Hình thức bên ngoài của pháp luật được coi là là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật. Hình thức bên ngoài của pháp luật có thể được thể hiện dưới các dạng sau: Văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, tập quán pháp, tiền lệ pháp hoặc có thể phân chia thành pháp luật thành văn và pháp luật không thành văn.

Văn bản quy phạm pháp luật.

o Là hình thức văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định, có chứa các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống.

Các dạng văn bản quy phạm pháp luật: Hiến pháp, đạo luật, nghị định, nghị quyết,…

Có các dạng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau do các cơ quản có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành.

Thủ tục, trình tự ban hành pháp luật: từ thủ tục, trình tự xây dựng chương trình pháp luật, soạn thảo pháp luật đến công bố pháp luật đều phải được tuân thủ.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Bao gồm tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật có mối liên hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp một cách thống nhất, phù hợp với nhau theo một trật tự nhất định.

o Về dạng văn bản quy phạm pháp luật, về cơ quan có thẩm quyền và cá nhân có thẩm quyên ban hành pháp luật, về thủ tục và trình tự ban hành pháp luật đều được quy định rõ trong Hiến pháp và các đạo luật có liên quan.

Điều ước quốc tế.

o Khái niệm: Điều ước quốc tế là những thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa các chủ thể của luật quốc tế nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quốc tế.

Theo quy định của pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế (ĐƯQT) có tính ràng buộc các chủ thể ký kết phải thực hiện. Trường hợp không thực hiện sẽ dẫn đến trách nhiệm pháp lý quốc tế.

Điều ước quốc tế sẽ trở thành một hình thức của pháp luật trong trường hợp được áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần để giải quyết một vụ việc cụ thể trên lãnh thổ quốc gia.

o Tùy vào quan điểm của mỗi quốc gia mà ĐƯQT có vị trí trong hệ thống pháp luật quốc gia.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 105

Theo học thuyết nhị nguyên, pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là hai hệ thống pháp luật riêng rẽ, độc lập và tồn tại song song với nhau do xuất phát từ đối tượng điều chỉnh cũng như nguồn luật của pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế là khác nhau. Do vậy, ĐƯQT sẽ chỉ có hiệu lực thi hành trên lãnh thổ quốc gia sau khi được chuyển hóa vào hệ thống pháp luật quốc gia. Pháp luật quốc gia sẽ quy định rõ các trình tự, thủ tục cũng như các công cụ để chuyển hóa ĐƯQT. ĐƯQT sau khi được chuyển hóa sẽ được coi là một phần của hệ thống pháp luật trong nước, hòa nhập vào hệ thống pháp luật trong nước.

Theo học thuyết nhất nguyên, pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia tạo thành một thể thống nhất. Trường hợp có sự khác biệt hoặc mâu thuẫn giữa các quy định của ĐƯQT và của luật trong nước, các quy định của ĐƯQT hoặc của luật trong nước sẽ được ưu tiên áp dụng tùy theo quan điểm của từng quốc gia.

o Mỗi quốc gia có những cách thức khác nhau để thực hiện ĐƯQT và chuyển hóa ĐƯQT vào hệ thống pháp luật quốc gia, trở thành một bộ phận của pháp luật quốc gia.

Áp dụng trực tiếp ĐƯQT là việc ĐƯQT sau khi ký kết sẽ có hiệu lực thi hành trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia ký kết mà không cần bất kỳ một hình thức chuyển hóa nào vào hệ thống pháp luật trong nước. Một ĐƯQT có thể được áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần.

Áp dụng gián tiếp ĐƯQT là việc ĐƯQT sau khi ký kết chỉ có thể được thực hiện trong lãnh thổ quốc gia ký kết thông qua cơ chế chuyển hóa vào hệ thống pháp luật nội địa. Cơ chế chuyển hóa này có thể được thực hiện thông qua việc cụ thể hóa các quy định của ĐƯQT vào văn bản quy phạm pháp luật trong nước hoặc bằng một tuyên bố của nguyên thủ quốc gia. Hệ quả là các quy phạm pháp luật quốc tế được chuyển thành các quy phạm pháp luật trong nước.

Tập quán pháp.

o Là những tập quán được nhà nước công nhận là pháp luật

Tập quán là những quy tắc xử sự do con người đặt ra nhằm điều chỉnh quan hệ giữa người với người được áp dụng lặp đi lặp lại hoặc lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong một không gian, một lĩnh vực ngành nghề nhất định và được con người thừa nhận sự ràng buộc với các quy tắc xử sự đó.

o Cách thức công nhận:

Khi tòa án hoặc cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào một tập quán nào đó để giải quyết một vụ việc cụ thể.

Khi nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền tuyên bố những tập quán cụ thể nào đó là tập quán pháp.

Tiền lệ pháp

o Là tập hợp các quyết định đã giải quyết ở từng vụ việc cụ thể của cơ quan xét xử và được cấp có thẩm quyền của nhà nước thừa nhận là khuôn mẫu để các cơ quan xét xử theo đó mà giải quyết các vụ việc cụ thể tương tự xảy ra sau này.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

106 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Ở nhiều nước trên thế giới, tiền lệ pháp là một hình thức pháp luật thông dụng. Trong hệ thống pháp luật Anh – Mỹ (hệ thống pháp luật Anglo – Sacxon hay hệ thống pháp luật Thông luật), hình thức pháp luật này chiếm vị trí quan trọng.

o Là pháp luật được hình thành từ thực tiễn áp dụng pháp luật và được nhà nước thừa nhận.

Các quy tắc xử sự được thẩm phán tạo ra trong quá trình giải quyết các vụ việc cụ thể bằng việc công nhận các nguyên tắc mới được hình thành trong quá trình xét xử những vụ việc tương tự xảy ra từ trước để áp dụng cho việc giải quyết những trường hợp và vấn đề tương tự.

Đây là hình thức pháp luật chủ yếu do các thẩm phán tạo ra. Ở Việt Nam và một số nước theo truyền thống pháp luật XHCN, khái niệm tiền lệ pháp còn chứa đựng các quyết định của cơ quan hành chính nhà nước bên cạnh các bản án, quyết định của tòa án.

o Phân biệt tiền lệ pháp và án lệ:

Tiền lệ pháp được hiểu là việc làm ra luật của tòa án thông qua việc công nhận và áp dụng các nguyên tắc mới trong quá trình xét xử trên cơ sở những vụ việc đã được quyết định trước đây cho những trường hợp và vấn đề tương tự.

Án lệ (Case Law) là tập hợp các vụ việc đã được xét xử của cơ quan tư pháp trong quá trình xét xử, hay chỉ đơn thuần là các phán quyết của Tòa án (bản án), được dùng làm cơ sở cho việc giải quyết các vụ việc tương tự trong tương lai.

4.4. Nguồn của pháp luật

4.4.1. Khái niệm

Có nhiều quan điểm khác nhau về nguồn của pháp luật

o Quan điểm thứ nhất coi nguồn của pháp luật là nơi chứa đựng quy phạm pháp luật được sử dụng để thực hiện pháp luật.

Quan điểm này nhằm trả lời câu hỏi: Để giải quyết một vụ việc cụ thể cần căn cứ vào những quy phạm pháp luật nào, ở đâu?

Với quan điểm này, nguồn bao gồm: các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, các điều ước quốc tế, tập quán pháp, tiền lệ pháp.

Pháp luật của Pháp chia thành 2 loại nguồn: nguồn thành văn (trong đó vai trò quan trọng của các đạo luật) và nguồn phái sinh (án lệ, tập quán, các học thuyết).

o Quan điểm thứ hai cho rằng nguồn của pháp luật là cơ sở hình thành nên nội dung pháp luật. Quan điểm này nhằm trả lời câu hỏi: Các quy phạm pháp luật được hình thành nên từ đâu?

Với khái niệm này nguồn của pháp luật rộng hơn khái niệm hình thức của pháp luật.

Bao gồm các phong tục tập quán, các bản án, quyết định của tòa án, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, các học thuyết chính trị – pháp luật, học thuyết về pháp luật, đường lối chính trị của đảng cầm quyền, truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc, các nguyên tắc cơ bản của công lý,…

Còn có quan điểm thứ ba cho rằng nguồn của pháp luật là "tất cả các căn cứ được các chủ thể có thẩm quyền sử dụng làm cơ sở để xây dựng, ban hành,

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 107

giải thích pháp luật cũng như để áp dụng vào việc giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế”. (Nguyễn Thị Hồi, "Các loại nguồn của pháp luật Việt Nam hiện nay", Tạp chí Luật học, số 2/2008) Theo quan điểm này thì nguồn của pháp luật được chia thành nguồn nội dung và nguồn hình thức; nguồn chủ yếu (nguồn cơ bản) và nguồn thứ yếu, tùy vào căn cứ phân biệt. Trong đó, nguồn nội dung của pháp luật là xuất xứ, là căn nguyên của pháp luật bởi vì nó được các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để xây dựng, ban hành và giải thích pháp luật. Với cách hiểu này, thì nguồn nội dung có thể được hiểu giống quan điểm số hai. Còn nguồn hình thức của pháp luật được hiểu là phương thức tồn tại của các quy phạm pháp luật trong thực tế hay là nơi chứa đựng, nơi có thể cung cấp các quy phạm pháp luật, tức là những căn cứ mà các chủ thể có thẩm quyền dựa vào đó để giải quyết các vụ việc pháp lý xảy ra trong thực tế, giống như quan điểm thứ nhất về nguồn của pháp luật.

4.4.2. Các loại nguồn

Căn cứ vào các khái niệm nêu trên, có thể phân loại nguồn của pháp luật thành nguồn theo nghĩa rộng và nguồn theo nghĩa hẹp.

Theo nghĩa rộng:

Nguồn của pháp luật là cơ sở hình thành, xây dựng nên nội dung pháp luật, bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, các điều ước quốc tế, các phong tục tập quán, án lệ, các học thuyết chính trị, các học thuyết pháp lý.

o Học thuyết chính trị là các quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách của giai cấp thống trị, của nhà cầm quyền. Các quan điểm, tư tưởng, đường lối, chính sách này sẽ được thể chế hóa thành pháp luật. Ở Việt Nam, đường lối, chính sách của Đảng được coi là nguồn của pháp luật bởi chúng định ra mục tiêu, phương hướng, phương pháp và cách thức để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và được cụ thể hóa thành pháp luật để thực hiện trong thực tiễn cuộc sống.

o Học thuyết pháp lý: là những quan điểm của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về những vấn đề của pháp luật. Các học thuyết pháp lý có vai trò quan trọng trong sự phát triển của pháp luật. Trong nhiều hệ thống pháp luật quốc gia, đặc biệt là hệ thống pháp luật Thông luật (Common law) hay còn gọi là hệ thống Anglo – saxon và ngay cả nhiều nước trong hệ thống pháp luật Dân luật các học thuyết lý thường được vận dụng để thực hiện pháp luật, đặc biệt là trong các trường hợp không có quy phạm pháp luật thành văn điều chỉnh.

o Phong tục tập quán là những quy tắc xử sự chung được hình thành một cách tự phát trong một cộng đồng dân cư nhất định, được bảo đảm thực hiện bằng thói quen, bằng sức thuyết phục của chúng, bằng dư luận xã hội và có thể bằng cả một số biện pháp cưỡng chế phi nhà nước. Các phong tục, tập quán này có thể trở thành nguồn của pháp luật, làm cơ sở để xây dựng nên pháp luật. Bởi đặc điểm của phong tục tập quán là những thói quen ứng xử của người dân nên được người dân tự giác thực hiện, gần gũi với người dân. Tuy nhiên, hiện nay, phong tục tập quán chỉ được coi là nguồn thứ yếu của pháp luật Việt Nam bởi hạn chế đặc trưng

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

108 TGL101_Bai4_v1.0014103225

của nguồn này là thường tồn tại dưới hình thức bất thành văn nên thiếu rõ ràng, cụ thể, khó bảo đảm cho việc hiểu và thực hiện thống nhất.

o Các quyết định, bản án của tòa án cũng có thể được coi là nguồn của pháp luật nếu nó chứa đựng lập luận, nguyên tắc hoặc sự giải thích pháp luật do toà án đưa ra khi giải quyết một vụ việc cụ thể được nhà nước thừa nhận làm mẫu hoặc làm cơ sở để toà án dựa vào đó đưa ra quyết định hoặc lập luận để giải quyết vụ việc khác xảy ra về sau có nội dung hoặc tình tiết tương tự.

Theo nghĩa hẹp:

o Nguồn của pháp luật được hiểu là nơi chứa đựng quy phạm pháp luật được sử dụng để thực hiện pháp luật, bao gồm: Văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, tập quán pháp, tiền lệ pháp.

o Vấn đề về thứ tự hiệu lực pháp lý giữa các loại nguồn sẽ do hệ thống pháp luật của từng quốc gia quy định.

Pháp luật của Bỉ: Hiến pháp, điều ước quốc tế, các đạo luật, tập quán, án lệ và công lý. Theo pháp luật Pháp, điều ước quốc tế sau khi được ký kết hoặc gia nhập cũng sẽ có vị trí pháp lý cao hơn các đạo luật quốc gia (sau Hiến pháp) trên cơ sở quan hệ có đi có lại giữa Pháp và quốc gia đối tác.

4.5. Kiểu pháp luật

Là tổng thể các dấu hiệu đặc trưng, thể hiện bản chất, đặc điểm, hình thức của pháp luật trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

Dựa trên lý thuyết Mac Lenin về việc phân chia các hình thái kinh tế – xã hội, tương ứng với bốn hình thái kinh tế xã hội có bốn kiểu pháp luật.

o Sự thay thế các hình thái kinh tế – xã hội dẫn đến sự thay đổi các kiểu pháp luật. Khi cơ sở hạ tầng thay đổi dẫn đến sự thay đổi của kiến trúc thượng tầng. Cùng với nhà nước, pháp luật cũ bị thay thế bằng pháp luật mới để thích ứng với cơ sở kinh tế – xã hội mới.

o Sự thay thế kiểu pháp luật diễn ra theo thứ tự từ thấp đến cao theo từng bậc phát triển: từ kiểu pháp luật chủ nô đến kiểu pháp luật phong kiến, đến kiểu pháp luật tư sản và cuối cùng là pháp luật xã hội chủ nghĩa hoặc không theo tuần tự, từ kiểu thấp có thể phát triển lên một kiểu cao hơn hẳn trong một số điều kiện nhất định.

o Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa là kiểu pháp luật cao nhất và cuối cùng của lịch sử, do nhà nước xã hội chủ nghĩa ban hành hoặc thừa nhận.

4.5.1. Kiểu pháp luật chủ nô

Bản chất của pháp luật chủ nô.

o Phục vụ, bảo vệ lợi ích của giai cấp chủ nô.

Xã hội chủ nô có hai giai cấp chính là chủ nô và nô lệ. Chủ nô là bộ phận thiểu số những nắm giữ trong tay toàn bộ tư liệu sản xuất của xã hội. Nô lệ là lực lượng chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất, nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào chủ nô.

Pháp luật chủ nô thể hiện ý chí của nhà nước chủ nô, là phương tiện để bảo vệ lợi ích của chủ nô, chống lại nô lệ và những người lao động khác.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 109

o Pháp luật chủ nô cũng mang tính xã hội bằng sự tác động của nó đến xã hội nhằm bảo vệ trật tự xã hội, phát triển kinh tế.

Pháp luật chủ nô bảo vệ trật tự xã hội, thống trị về mặt tư tưởng thông qua hệ tư tưởng tôn giáo.

Tổ chức các hoạt động kinh tế như quản lý đất đai, khai hoang, xây dựng và quản lý các công trình thủy nông.

Đặc điểm của pháp luật chủ nô.

o Pháp luật chủ nô bảo vệ, củng cố chế độ sở hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất và đối với người sản xuất, hợp pháp hóa sự bóc lột của chủ nô đối với nô lệ.

Pháp luật ghi nhận và củng cố quyền tư hữu của chủ nô đối với tư liệu sản xuất như đất đai, công cụ, phương tiện lao động, người sản xuất và nô lệ.

Pháp luật ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu của chủ nô bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, định đoạt đối với tài sản và nô lệ một cách tuyệt đối, được truyền từ đời này sang đời khác.

Pháp luật chủ nô coi tài sản có giá trị cao hơn tính mạng con người. Mọi hành vi xâm phạm đến tài sản của chủ nô đều bị coi là tội phạm và bị trừng phạt rất nặng.

o Pháp luật chủ nô ghi nhận và củng cố tình trạng không bình đẳng trong xã hội.

Pháp luật quy định đặc quyền cho giai cấp chủ nô. Pháp luật chỉ coi giai cấp chủ nô là công dân, có các quyền, tự do cá nhân, còn nô lệ không được coi là con người, không có một quyền nào cả.

Pháp luật phân chia giới chủ nô thành nhiều loại khác nhau, phụ thuộc vào số tài sản mà họ có. Mỗi loại có những quyền hạn và nghĩa vụ khác nhau. Loại người thuộc tầng lớp dưới phải tuân phục người thuộc tầng lớp trên, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt nghiêm khác.

Pháp luật chủ nô quy định sự thống trị tuyệt đối của người chồng, người cha trong gia đình. Pháp luật chủ nô coi vợ và các con của chủ nô như tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Do vậy, chủ nô được toàn quyền quyết định đối với số phận và cuộc sống của vợ, con. Pháp luật chủ nô cho phép người chồng, người cha có quyền đánh đập, hành hạ, bán, giết vợ, con.

o Pháp luật chủ quy định và bảo đảm thực hiện việc tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước chủ nô, bảo vệ nhà nước chủ nô.

Pháp luật chủ nô quy định cơ cấu tổ chức, hình thức và bộ máy nhà nước chủ nô. Ví dụ: nhà nước Athen thời Hy lạp cổ đại, nhà nước cộng hòa quý tộc Spac ở thời Hy lạp cổ đại.

Pháp luật chủ nô xử phạt nghiêm khắc những ai chống lại nhà nước.

o Pháp luật chủ nô mang đậm tính chất tôn giáo, bảo vệ các giá trị tôn giáo, phát triển các quy tắc đạo đức tôn giáo.

Pháp luật chủ nô chứa đựng các quy tắc đạo đức tôn giáo, hợp pháp hóa quyền lực của tôn giáo và tổ chức giáo hội.

Pháp luật chủ nô thừa nhận các tổ chức giáo hội là bộ phận quan trọng của bộ máy nhà nước.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

110 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Pháp luật chủ nô quy định những hình phạt nghiêm khắc đối với những ai chống lại đạo đức tôn giáo, tổ chức tôn giáo.

o Pháp luật chủ nô quy định những hình phạt dã man, tàn bạo nhất trong lịch sử loại người.

Các biện pháp thường được áp dụng là tử hình, cắt bỏ các bộ phận trên cơ thể.

Pháp luật cho phép tra tấn, nhục hình phạm nhân, giết tập thể cộng đồng trong đó có người phạm tội.

Hình thức của pháp luật chủ nô.

o Hình thức chủ yếu là pháp luật không thành văn: tập quán pháp, tiền lệ pháp.

o Cùng với sự phát triển của văn hóa, xã hội, pháp luật chủ nô đã ban hành nhiều văn bản pháp luật ở các dạng khác nhau, chủ yếu là sao chép lại một cách có hệ thống tập quán pháp.

Bộ luật Hammurabi của Nhà nước chủ nô Babilon: Là bộ luật được soạn thảo vào thời vua Hammurabi (1793 – 1750 trước Công nguyên), người sáng lập vương triều Amôrite (Amorite) đầu tiên của vương quốc cổ Babilon. Nguồn chính của bộ luật Hammurabi là những pháp điển của người Xume, những phán quyết của vua Hammurabi và của tòa án thời đó. Bộ luật Hammurabi có 282 điều với các nhóm chế định: Chế định dân luật, chế định gia đình, chế định về quyền thừa kế, chế định hình sự.

Bộ luật Manu của nhà nước chủ nô Ân độ: Là một trong những bộ luật cổ nhất của phương Đông. Bộ luật Manu là tập hợp những điều quy định, điều răn vừa mang tính pháp quyền vừa chứa đựng màu sắc tôn giáo. Bộ luật có 12 chương gồm 2685 điều. Bộ luật tập trung vào các chủ đề chính: Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của Nhà nước quân chủ chuyên chế Ấn độ cổ đại và các đẳng cấp trên; đề cao tính giai cấp và uy quyền của thần học trong xã hội; quy định về các giao dịch: hợp đồng mua bán, vay mượn, cầm cố; quy định về hôn nhân, gia đình,... Bộ luật này được coi như một kho tàng văn học, sử học, cho các thế hệ sau hiểu biết về những hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa của con người xa xưa.

Bộ luật Mười hai bản của nhà nước chủ nô La mã: Bộ luật này được nhà nước La Mã ban hành và được khắc trên 12 tấm bảng bằng đồng được đặt ở những nơi công cộng cho mọi người xem và thi hành, nên được gọi là Bộ luật 12 bảng. Về nội dung, Luật 12 bảng chứa đựng nhiều qui phạm tiến bộ về tố tụng, về luật tư và luật hình sự. Nội dung chủ yếu của bộ luật là bảo vệ quyền tư hữu tài sản bằng nhiều biện pháp, kẻ nào xâm phạm đến tài sản của người khác như trộm cắp, phá hoại hoa màu, đốt nhà,... sẽ bị xử tử. Bộ luật dành nhiều điều khoản quy định chủ nợ có quyền dùng những hình phạt dã man đối với người không trả được nợ. Bộ luật phản ánh tình hình xã hội phức tạp ở La Mã trong thời gian nhà nước chiếm hữu nô lệ đã ra đời, nhưng những tàn dư của chế độ thị tộc vẫn còn tồn tại đậm nét. Điều đó thể hiện qua các điều khoản về quan hệ gia đình, thừa kế tài sản và hôn nhân. Bộ luật xác nhận những đặc quyền của qúy tộc chủ nô, là công cụ để bảo vệ Nhà nước chiếm hữu nô lệ La Mã.

4.5.2. Kiểu pháp luật phong kiến

Bản chất của pháp luật phong kiến.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 111

o Là công cụ để phục vụ, bảo vệ lợi ích của giai cấp địa chủ.

Xã hội phong kiến có kết cấu giai cấp phức tạp, trong đó có hai giai cấp chính là địa chủ và nông dân.

Pháp luật phong kiến là công cụ của giai cấp địa chủ nhằm thực hiện chuyên chính đối với giai cấp nông dân, thợ thủ côngvà các tầng lớp người lao động khác.

Pháp luật phong kiến là công cụ để giai cấp thống trị bảo vệ sự thống trị của giai cấp địa chủ.

o Là công cụ để quản lý xã hội, duy trì trật tự xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục.

Pháp luật phong kiến duy trì sự ổn định của xã hội, điều tiết các mối quan hệ giữa các giai cấp với nhau.

Pháp luật phong kiến tạo nền tảng cho sự lưu thông, phát triển hàng hóa, tiền tệ, tạo nên sự tiến bộ phát triển về kinh tế.

Pháp luật phong kiến điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục.

Đặc điểm của pháp luật phong kiến.

o Pháp luật phong kiến có tính đẳng cấp và đặc quyền, đặc lợi.

Pháp luật phong kiến chia giai cấp địa chủ thành nhiều đẳng cấp, thứ bậc khác nhau. Mỗi đẳng cấp, thứ bậc có đặc quyền, đặc lợi riêng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Pháp luật phong kiến hợp pháp hóa sự chuyên quyền, tùy tiện sử dụng bạo lực của địa chủ, phong kiến.

Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công có một số quyền còn người nông dân thì hầu như không có quyền đáng kể.

o Pháp luật phong kiến có tính hà khắc, tàn bạo.

Pháp luật phong kiến quy định những hình phạt dã man, tàn bạo đối với người xâm phạm trật tự nhà nước phong kiến và trật tự xã hội phong kiến.

Pháp luật phong kiến hợp pháp hóa việc sử dụng bạo lực để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cá nhân, dòng họ, nhóm xã hội và giữa các quốc gia.

Pháp luật phong kiến cho phép áp dụng trách nhiệm hình sự liên đới đối với những người có quan hệ nhất định đối với phạm nhân, dù không có sự liên quan đến việc thực hiện tội phạm. Ví dụ hình phạt chu di tam tộc.

o Pháp luật phong kiến có tính tôn giáo.

Nội dung của pháp luật phong kiến chứa đựng luân lý, đạo đức tôn giáo. Ví dụ: Nho giáo, Phật giáo ở Trung Quốc, Việt Nam.

Pháp luật phong kiến ghi nhận nhiều quy định của lễ giáo, đạo đức phong kiến thành những quy định của pháp luật.

Tất cả những hành vi trái phong tục, tập quán, lễ giáo và đạo đức phong kiến đều bị trừng trị.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

112 TGL101_Bai4_v1.0014103225

Hình thức của pháp luật phong kiến.

o Bao gồm pháp luật thành văn và pháp luật không thành văn.

Giai đoạn đầu của chế độ phong kiến: chủ yếu là tập quán pháp, tiền lệ pháp.

Giai đoạn giữa và cuối chế độ phong kiến: xuất hiện nhiều hơn các văn bản pháp luật.

Vua, chúa phong kiến thường ban hành pháp luật chú yếu dưới dạng chiếu chỉ, lệnh, …

o Các văn bản pháp luật còn mang tính tổng hợp, chưa được chuyên môn hóa, chưa có tính hệ thống.

Một văn bản có thể quy định nhiều vấn đề từ tổ chức bộ máy nhà nước đến các lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình,...

Ví dụ: Bộ luật Hồng đức ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng đức (1470 – 1497), nên gọi là Bộ luật Hồng đức, còn gọi tên khác là Quốc triều hình luật. Đây là bộ luật tổng hợp, thành văn quy định về các hành vi vi phạm pháp luật khác nhau thuộc các lĩnh vực hình luật, dân luật, hành chính, hôn nhân – gia đình và cả luật tố tụng,...Bộ luật Napoleon là bộ luật dân sự của Cộng hòa Pháp được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của vua Napoleon Đệ nhất và được thông qua vào năm 1804. Bộ luật này gồm 2283 điều chia thành các Thiên, quyển, chương, phần và điều. Bộ luật được đánh giá là có cấu trúc chặt chẽ, logic. Bộ luật vẫn còn hiệu lực cho đến nay.

4.5.3. Kiểu pháp luật tư sản

Bản chất của pháp luật tư sản.

o Là công cụ để phục vụ, bảo vệ lợi ích chủ yếu của giai cấp tư sản, chứa đựng ý chí của giai cấp tư sản.

Pháp luật là công cụ để giai cấp tư sản sử dụng nhằm bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản về kinh tế, chính trị, xã hội.

Giai cấp tư sản sử dụng pháp luật để đàn áp giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

o Pháp luật mang tính xã hội rõ nét.

Pháp luật đã có sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội: từ kinh tế, đến y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, đến hòa bình quốc tế,…

Hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật đã có sự tham gia tích cực của các tầng lớp trong xã hội.

Pháp luật giúp xã hội phát triển hơn, văn minh hơn.

Đặc điểm của pháp luật tư sản.

o Pháp luật đề cao quyền sở hữu tư nhân.

Với cơ sở kinh tế là các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, chủ yếu dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất nên quyền sở hữu tư nhân là một trong những chế định cơ bản của pháp luật tư sản .

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 113

Pháp luật tư sản ghi nhận quyền sở hữu tư nhân là thiêng liêng và bất khả xâm phạm và quy định cụ thể, chi tiết những vấn đề liên quan đến việc xác định, chuyên giao quyền sở hữu.

Pháp luật tư sản trừng phạt nghiêm các hành vi xâm phạm quyền sở hữu.

o Pháp luật tư sản chỉ quy định mang tính hình thức đối với các quyền và tự do của con người.

Pháp luật tư sản quy định địa vị pháp lý của công dân thông qua việc quy định các quyền tự do, dân chủ cho mỗi cá nhân.

Tuy nhiên các quy định này còn mang tính hình thức, ít được thực hiện trong thực tế.

o Pháp luật thực chất củng cố, bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản.

Tất cả những quy định của pháp luật tư sản đều thực chất nhằm phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản: quy định về tự do giao kết, về quyền sở hữu tư nhân, về quyền tự do cạnh tranh,….

Pháp luật tư sản thực chất bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản thông qua các quy định về bộ máy tổ chức của bộ máy nhà nước, quy định về điều kiện tham gia bộ máy nhà nước, ….

Hình thức của pháp luật tư sản.

o Bao gồm cả pháp luật thành văn và pháp luật không thành văn.

Tập quán pháp và tiền lệ pháp vẫn được tồn tại và phát triển, nhất là ở hệ thống pháp luật thông luật (Common law).

Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức phổ biến và phát triển nhất. Văn bản pháp luật được thể hiện dưới nhiều hình thức: Hiến pháp, luật, các văn bản dưới luật,…

o Pháp luật thể hiện dưới dạng hệ thống cấu trúc phức tạp.

Mỗi quốc gia đều có hệ thống pháp luật phức tạp điều chỉnh hầu hết các quan hệ xã hội. Rất nhiều đạo luật mang tính chuyên môn hóa ra đời.

Sự phân chia thành hai hệ thống pháp luật lớn: Hệ thống pháp luật thông luật (Common law) hay còn gọi là hệ thống pháp luật Anglo – Saxon và hệ thống pháp luật lục địa châu Âu (continental) hay còn gọi là hệ thống dân luật (Civil law). Hệ thống pháp luật thông luật là hệ thống pháp luật sử dụng án lệ như hình thức pháp luật thông dụng bên cạnh luật do nghị viện làm ra. Hệ thống pháp luật này tồn tại ở Anh, Mỹ và các nước chịu ảnh hưởng của pháp luật Anh. Hệ thống pháp luật lục địa châu Âu là hệ thống pháp luật tồn tại ở các nước lục địa châu Âu và một số nước ngoài châu Âu. Đây là hệ thống pháp luật thành văn, không coi trọng pháp luật án lệ, không coi nó là hình thức thông dụng và chỉ sử dụng một cách hạn chế. Hệ thống pháp luật này không chỉ tồn tại ở các nước lục địa châu Âu mà còn ở nhiều nước châu Phi, châu Á,...

4.5.4. Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa

Bản chất của pháp luật XHCN.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

114 TGL101_Bai4_v1.0014103225

o Là công cụ để phục vụ, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Dựa trên cơ sở kinh tế – xã hội của nhà nước xã hội chủ nghĩa: Chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và sự thống nhất về lợi ích và địa vị xã hội của các giai cấp.

Pháp luật là công cụ để thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đấu tranh nhằm giải phóng người lao động khỏi áp bức, bóc lột.

Pháp luật là công cụ của số đông chống lại số ít các lực lượng thù địch của nhân dân.

o Là công cụ để quản lý xã hội, duy trì trật tự xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ.

Điều tiết các quan hệ kinh tế, dân sự.

Giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách như việc làm, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, …

Phát triển các quan hệ văn hóa, giáo dục nhằm mục tiêu tiến bộ xã hội.

Đặc điểm của pháp luật XHCN:

o Pháp luật XHCN ghi nhận và củng cố chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và với mục tiêu xóa bỏ nạn áp bức, bóc lột người, tạo sự ngang bằng trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất giữa những người lao động.

Pháp luật XNCH dần xóa bỏ chế độ tư hữu đối với tư liệu sản xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nhà nước XHCN. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa cộng sản, sở hữu tư nhân vẫn được thừa nhận và bảo vệ phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động.

o Pháp luật XHCN mang tính nhân dân rộng lớn, vì lợi ích của nhân dân.

Pháp luật XHCN thể hiện ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân và người dân lao động nói chung, phục vụ lợi ích của đa số người dân trong xã hội.

Quá trình xây dựng pháp luật xã hội chủ nghĩa có sự tham gia tích cực của nhân dân. Pháp luật xã hội chủ nghĩa ghi nhận, củng cố và phát triển các quyền và tự do dân chủ của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào công việc của nhà nước, của xã hội.

o Pháp luật XHCN có tính thống nhất nội tại cao.

Trên cơ sở sự thống nhất về lợi ích giữa các giai cấp trong xã hội XHCN và nhằm mục tiêu tạo nên sự thống nhất của xã hội XHCN.

Tính thống nhất thể hiện ở bản chất, nội dung, chức năng của pháp luật XHCN.

Tính thống nhất thể hiện ở mối quan hệ giữa các quy phạm pháp luật. Các quy phạm pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất.

Hình thức của pháp luật XHCN.

o Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức chủ yếu và quan trọng nhất.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 115

Văn bản quy phạm pháp luật có những ưu điểm hơn so với các loại hình thức pháp luật khác.

Văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật XHCN.

o Mức độ sử dụng tiền lệ pháp và tập quán pháp phụ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mỗi nhà nước XHCN.

Chỉ sử dụng những tập quán phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Sử dụng tiền lệ pháp trong chừng mực nhất định phù hợp với bản chất của nhà nước XHCN.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

116 TGL101_Bai4_v1.0014103225

TÓM LƯỢC CUỐI BÀI

Pháp luật là công cụ quản lý của nhà nước, ra đời phụ thuộc vào nhu cầu khách quan của cuộc sống xã hội cũng như nhu cầu chủ quan của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp.

Pháp luật có bản chất và đặc điểm khác nhau phụ thuộc vào các kiểu nhà nước.

Với tư cách là công cụ quản lý của nhà nước, pháp luật có các chức năng nhất định.

Pháp luật có những biểu hiện tồn tại khác nhau và được hình thành từ các nguồn khác nhau.

Tùy theo sự phát triển của mỗi nhà nước sẽ dẫn đến sự hình thành các kiểu pháp luật khác nhau.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

TGL101_Bai4_v1.0014103225 117

CÂU HỎI ÔN TẬP

1. Trình bày khái niệm, bản chất của pháp luật?

2. Pháp luật có các đặc điểm nào? Hãy phân tích và đưa ví dụ

3. Nêu các hình thức của pháp luật?

4. Hãy nêu các loại nguồn của pháp luật?

5. Pháp luật có những chức năng nào?

6. Có những kiểu pháp luật nào? Hãy nêu những nét đặc trưng của các kiểu pháp luật này.

BÀI TẬP

Bài 1.1: Hãy bình luận về tính xã hội của pháp luật, tính giai cấp của pháp luật.

Bài 1.2:

Nêu mối quan hệ giữa kiểu nhà nước và kiểu pháp luật.

Bài 1.4:

Phân biệt pháp luật với các hệ thống quy tắc khác trong xã hội.

Bài 1.5: So sánh các kiểu pháp luật trong lịch sử.

Bài 1.6: Phân tích mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật.

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản về pháp luật

118 TGL101_Bai4_v1.0014103225

THUẬT NGỮ

A

Áp dụng trực tiếp điều ước quốc tế

Là việc ĐƯQT sau khi ký kết sẽ có hiệu lực thi hành trực tiếp trên lãnh thổ của quốc gia ký kết mà không cần bất kỳ một hình thức chuyển hóa nào vào hệ thống pháp luật trong nước.

Áp dụng gián tiếp điều ước quốc tế

Là việc ĐƯQT sau khi ký kết chỉ có thể được thực hiện trong lãnh thổ quốc gia ký kết thông qua cơ chế chuyển hóa vào hệ thống pháp luật nội địa.

B

Bản chất của pháp luật

Là những thuộc tính bền vững tạo nên nội dung, cốt lõi bên trong của pháp luật quyết định sự tồn tại và phát triển của pháp luật.

C

Chế định pháp luật

Là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có tính đồng nhất hơn về tính chất, đặc điểm, nội dung thuộc đối tượng điều chỉnh của một ngành luật.

Chức năng của pháp luật

Là những tác động chủ yếu của pháp luật tới các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh.

Là những phương diện, mặt hoạt động chủ yếu của pháp luật thể hiện bản chất giai cấp và ý nghĩa xã hội của pháp luật.

Đ

Đặc điểm của pháp luật

Là những điểm riêng có của pháp luật, giúp phân biệt pháp luật với các hệ thống quy tắc khác.

Điều ước quốc tế

Là những thỏa thuận bằng văn bản được ký kết giữa các chủ thể của luật quốc tế nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ quốc tế.

H

Hình thức của pháp luật

Là cách thức mà giai cấp thống trị sử dụng để thể hiện ý chí của mình thành pháp luật.

Là phương thức tồn tại thực tế của pháp luật

Hệ thống của pháp luật

Là một tổng thể các quy phạm pháp luật, trong đó các quy phạm pháp luật được sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành một tập hợp lớn nhỏ khác nhau.

K

Kiểu pháp luật

Là tổng thể các dấu hiệu đặc trưng, thể hiện bản chất, đặc điểm, hình thức của pháp luật trong một hình thái kinh tế – xã hội nhất định.

N

Ngành luật

Là một tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ xã hội nhất định có cùng tính chất, đặc điểm, nội dung với những phương pháp điều chỉnh đặc trưng.

P

Pháp luật

Pháp luật là hệ thống các quy tắc mang tính bắt buộc chung do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã

Bài 4: Một số vấn đề cơ bản của pháp luật

TGL101_Bai1_v1.0014102208 119

hội vì lợi ích, mục đích của giai cấp thống trị và vì sự tồn tại và phát triển của xã hội.

T

Tập quán pháp

Là những tập quán được nhà nước công nhận là pháp luật.

Tiền lệ pháp

Là tập hợp các quyết định có trước giải quyết từng vụ việc cụ thể của cơ quan xét xử và được cấp có thẩm quyền của nhà nước thừa nhận là khuôn mẫu để các cơ quan xét

xử khác theo đó mà giải quyết các vụ việc cụ thể tương tự xảy ra sau này.

V

Văn bản quy phạm pháp luật

Là hình thức văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền ban hành theo thủ tục, trình tự do pháp luật quy định, có chứa các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội và được thực hiện nhiều lần trong cuộc sống.