VÌ SAO TÔI ĐI TU -...

24
PL : 2558 DL : 2014 HỒI KÝ VÌ SAO TÔI ĐI TU HUYỀN TÔNG THI TẬP TKN. Thích Nữ Huyền Tông

Transcript of VÌ SAO TÔI ĐI TU -...

1

PL : 2558 – DL : 2014

HỒI KÝ

VÌ SAO TÔI ĐI TU

HUYỀN TÔNG THI TẬP

TKN. Thích Nữ Huyền Tông

2

HỒI KÝ

VÌ SAO TÔI ĐI TU

3

VÌ SAO TÔI ĐI TU

Tôi đi tu, tôi đi tu, làm cho anh chị em phần đông tại xứ “ Phan Thành” dư luận trong

thời gian khá lâu. Tôi đã nghe nói, lại lắm người bàn luận với nhau : Vì sao tôi đi tu? Có

phải thất vọng vì tình hay vì hoàn cảnh khổ tâm nào khó giải nỗi, mà chán đời nên mới đi

tu.

Dư luận xấu nhiều hơn tốt ít, tùy trình độ hiểu biết của mỗi người, những người

cho tôi thất vọng vì tình yêu mà đi tu là nhiều nhất, đó là sự hiểu biết tầm thường của

những người tầm thường thôi.

Đây! Tôi chân thành kể lại tâm trạng quá khứ của tôi cho các bạn biết, bạn nào có

tin hay không, tùy bạn.

Tôi hoàn toàn không thất vọng vì tình yêu, chẳng khổ tâm với hoàn cảnh tầm

thường nào khó giải, mà phải chán đời đi tu. Nhưng tôi rất chán! và buồn thật! Với một

tư tưởng nghịch lưu phần đông bạn gái thời gian ấy, nên tôi mới có sự sống thoát ly khác

cảnh các bạn là “Đi tu”.

Đời tôi lúc còn thơ ấu vẫn như phần đông các bạn, là ngày hai buổi cắp sách đến

trường học, cũng chơi, cũng buồn, cũng giận, cũng vui, gặp cảnh nào theo cảnh ấy, vì

tuổi thơ là tuổi vô tư lự kia mà.

Đến mùa xuân năm tôi 15 tuổi, tư tương non nớt của tôi đã nảy ra sự suy nghĩ. Khi

biết suy nghĩ nhiều, thì đời tôi bắt đầu thay đổi từ chuyện một, mỗi việc gì mắt tôi thấy,

tai tôi nghe, tôi không thể cho qua được như thời quá khứ. Khi biết suy nghĩ, tôi nhận

định lại trong gia đình tôi, chưa có ai nghĩ đến,và đồng tuổi tôi phần đông các bạn gái

thật vô tư với những điều tôi hoài vọng đến. Càng suy nghĩ, tôi càng thấy lắm chuyện

đáng buồn, đáng giận, đáng thương tâm cho mọi tầng lớp người và lắm cảnh giữa xã hội.

Nhưng rồi tôi cũng nực cười tự trách rằng : “ Ôi sao! Cái tuổi 15 nên vô tư là hơn,

sao lại nong cạn, vội đem vào tâm tư những suy nghĩ vẩn vơ làm chi rồi phải buồn phải

chán. Vậy hãy xua mau sự buồn ấy đi, và lúc nào cũng luôn luôn vui vẻ, sẽ thấy hạnh

phúc tốt đẹp rực rỡ của một người con gái sắp đến tuổi trưởng thành, như buổi bình

minh tươi sáng, mà ta được dạo chơi trong vườn hoa lạ, cỏ xinh, dưới ánh nắng mặt trời

vừa lên đầy êm dịu của toàn thân, còn chi sung sướng bằng…”. Nhiều khi tôi tự nhũ lấy

tôi như thế, để khỏa lấp hay vơi được nỗi buồn đầu tiên đã chớm nở lòng tôi.

Nhưng sao tôi vẫn say sưa để nghĩ ngợi, và ưa tư càng ngày càng thêm lên! Lòng

tôi hằng mơ ước, tôi phải là người con gái theo gương bậc nữ anh hùng hào kiệt ngày xưa

như Hai Bà Trưng, Bà Triệu v.v….người có tâm hồn yêu nước nhà, thương nòi giống

Việt thiết tha. Tất nhiên, tôi phải có những tư tưởng mạnh mẽ cương quyết với những

hành vi phản động chống trả, tất cả những cảnh gì đã áp bức nô lệ, hiện thời người Việt

phải chịu cảnh ngu dân mất nước v.v…

Trong khi đã buồn như thế, tôi còn thấy chán nản thêm, khi thấy các ông quan

người Việt, hành vi lắm bất công, chỉ vì tiền mà chuộng quý kẻ giàu sang, coi thường

những người dân nghèo khổ, trên thì luồn cúi, giữa thì cầu thân, dưới thì hình phạt áp

4

bức. Thật là quan lại tham ô, hay một hạng người chứa đầy tham vọng, xấu xa ! Thế mà

cũng : “Phụ mẫu chi dân” (cha mẹ của dân). Họ không muốn thấy quyền của dân và ý của

dân là ý trời, nếu mà bằng ngược lại theo phần đồng thường nói : Như thế mới biết

thương dân, quý dân, và lo cho dân.

Thêm nữa là phần đông nhà giàu, ỷ thế lực, có của nhiều, ăn trên ngồi trước sung

sướng, đủ đầy về vật chất mà thiếu hẳn tình người, ít ai biết nghĩ đến những người

nghèo, làm công dưới tay mình, nhất là trong khi người ta lỡ lầm hay rủi ro làm một việc

gì bất như ý, hư hao chút ít tài sản không đáng kể, mà cũng nhẫn tâm hiếp đáp bằng vũ

lực, hay không thiếu một lời nói nặng, còn đủ mưu mô và hành vi đối xử rất độc ác, rất

tàn nhẫn! Thật nhẫn tâm! Chẳng biết thương nghĩ, cùng một màu da, một giống người,

cũng một người tóc đen máu đỏ, có đủ cảm giác, biết đau, buồn, vui sướng, vinh, nhục

như mình vậy.

Ngao ngán thay! Lớn hiếp nhỏ, giàu hiếp nghèo, mạnh hiếp yếu. Ấy là những bức

tranh đời, xót mắt đau lòng mà tôi sớm mục kích giữa xã hội này. Mỗi khi mắt thấy, tai

nghe những sự việc như thế, tôi rất đau thương, não nề làm sao! Trong khi tôi buồn và

xót thương, tôi chỉ biết âm thầm lặng lẽ với lòng tôi như ngục tối ấy thôi. Bởi tôi không

thể làm gì để phá tan những cuộc phim đời trái ngang ấy được, vì chung quanh tôi, biết ai

là bạn đồng chí hướng, để đoàn kết dũng sĩ cứu nước cứu dân.

Phần tôi tuổi quá nhỏ, với thân thường đau bệnh, yếu đuối sống trong cảnh mà ai

tin, ai biết cho tôi có tâm chí nhi nữ không thường tình ấy. Mặc dù không thực hành được

môt chút gì như ý muốn, nhưng những tư tưởng cao xa ấy luôn tăng trưởng và gắng bó

trầm lặng trong tâm tôi mãi

Khi biết suy nghĩ, tâm trí tôi chỉ theo dõi với những trang sách nói về các bậc vĩ

nhân, hào kiệt đã qua trong lịch sử và hiện tại các vị bị tù đày, và lưu vong với những

người dân nghèo khổ trước mắt hơn là: Sự suy nghĩ buồn khổ của tôi”. Vì hằng ngày tôi

trầm lặng, nhưng hẳn cũng lộ ra đôi mắt của tôi phần nào.

Ngày lại ngày qua tuổi tôi 16, tôi càng buồn, càng chán, càng trách móc mọi điều

với một mình tôi. Lúc ấy tôi đã xoay chí hướng của mình theo chiều khác, là cuộc đời tôi

phải sống vui vẽ, đem một tình yêu thương cho đất Việt, và từng lớp người dân Việt, khổ

đau cùng cực dưới ách nô lệ của thực dân Pháp.

Đời tôi đã sớm vạch sẵn đường lối sống thanh cao quảng đại hơn một tình yêu

thường tình ích kỷ ấy.

(Tự phê bình)

Huyền Tông

Tôi tự biết tánh mình ngang bướn như thế, lập gia đình khó tìm hạnh phúc, rồi chỉ

uổng kiếp người vợ thủy không chung trọn tình, vì một phút bất bình đau khổ khó nhẫn,

sẽ gây ra tai họa thảm khốc, tàn ác đau thương cho mình và tủi khổ cho các con thôi.

Nghĩ suy nhiều, đời tôi dù chính nghĩa, lòng tôi ước muốn thành hay không thành, tôi nên

5

sống độc thân. Chỉ có sống độc thân, đời tôi mới đầy ý nghĩa của cuộc sống tốt đẹp hơn

tất cả.

Nghĩ suy nhiều nẽo lắm, cho nên dù ai có thương yêu tôi, rốt cuộc lòng tôi vẫn

thấy lạnh lùng, từ chối tất cả tình yêu thương đến với tôi nên tôi không vấp ngã với tình

thương nào tầm thường hèn hạ, cũng không âm thầm đau khổ với tình yêu thương nào

cao thượng về tinh thần. Tôi rất mừng, khi tuổi trẻ tôi đã thoát được hai phương diện của

tình ái mà một nhà văn hào pháp đã nói : “Nếu yêu nhau bằng ái tình tầm thường là hạng

người chỉ biết dục tình, những giờ phút ham muốn quá độ con người gần như thú tánh

thật là một thứ tình ái hèn hạ không nên chuộng lấy làm chi”.

“Còn yêu nhau bằng tình ái cao thượng, muốn giữ mãi cho cao thượng, thì thật là

một trò chơi nguy hiểm vô cùng. Không khác nào tự cầm lấy súng lục lảy cò chơi, thà

không biết bên trong họng súng, đã nạp đạn sẵn tất nhiên khó tránh tai họa nguy thân

mất mạng”

Xem hai điều trên đây tôi thấy rất thích hợp với ý nghĩ tôi lúc ấy lắm và tôi đã

nghĩ:

Thoát tình yêu sung sướng nhất

Vướng tình yêu kẻ rất khổ đau

Hai con đường ấy khác nhau

Vậy ta nên chọn đường nào ta đi ?

Lẽ tất nhiên, tôi phải chọn con đường sung sướng cuộc đời để tôi đi, nhưng tôi

luôn lo ngại. Má tôi rất khó vì tôi còn nhỏ quá! Ý định thì nhất quyết, mà điều kiện chưa

đến. Với ái tình vô hình, mà muôn mặt khác nhau, tôi có đầy đủ kinh nghiệm để tránh

khỏi cả hai không? Vì người đời thường nói: “ Khôn ba năm dại một giờ” nên tôi không

dám tự hào mà lòng tôi vẫn cố quyết làm sao tự chủ, để thắng tất cả tình yêu, để cuộc đời

tôi như ý tôi là niềm vui trọn vẹn vậy.

Hẳn các bạn cũng nóng lòng biết vì sao tôi đi tu, mà không thấy nói, cứ mãi dài

dòng lắm chuyện chi chi, chỉ phí thì giờ các bạn mà cũng tốn giấy mực.

Tôi xin kể tiếp theo ý muốn tôi như trên, bạn đã biết qua, nhưng chỉ là một hy vọng

để rồi thất vọng thôi, đến nổi một chuyện nhỏ giữa xã hội, tôi rất thích đi làm việc, nhưng

rồi cũng không được như ý, tôi muốn học và làm nữ điều dưỡng (y tá) tại bệnh viện,

nhưng vì từ nhỏ đến lớn tôi cứ đau yếu mãi, khi biết suy nghĩ nhiều tôi lại càng đau yếu

thêm. Khi đau ốm, tôi thấy tôi qúa đầy đủ từ thuốc men đến người săn sóc bao chung

quanh, tình thương của cha mẹ lo cho tôi thật là chu đáo, tôi lại suy nghĩ và rất thương

tâm cho những người đau bệnh mà bị thiếu thốn người chăm sóc, bất cứ mọi phương

tiện… khi người đã nghèo khổ mà còn gặp tai họa, bệnh tật đau ốm.

Các bạn đừng vội cười mà nói: Đau yếu luôn mà đòi làm nữ điều dưỡng (y tá) chỉ

là muốn nói thì được. Các bạn ạ! Với tôi đã đau yếu nhiều nê tôi dễ dàng thông cảm

những hoàn cảnh người đau yếu, sự làm việc của tôi là một sự tận tâm, tận lực, tất nhiên

có nhiều điều an ủi bệnh nhân và sống gần người đau yếu sẽ thấy quên đi ít nhiều sự đau

yếu của tôi vậy. Trong lúc mình khổ mà thấy nhiều người khốn khổ hơn, lòng tôi vơi đi ít

nhiều đau khổ, vì giờ phút ấy thấy cái khổ của người khác lại còn khổ hơn mình!

6

Tôi hằng nuôi nấng một tâm hồn yêu nước, yêu nhà, yêu nhân loại mà không thực

hành được một việc gì vĩ đại để san bằng những cảnh bất công giữa xã hội, thì ít nữa con

người nhỏ bé yếu đau của tôi, cũng phải có một hành vi đầy từ thiện giúp đỡ phần nào

giữa xã hội, gần với những người nghèo khổ, đau bệnh, thì đời sống tôi mới thấy một ít

thú vị. Nhưng tôi cũng hoàn toàn thất vọng vì Ba má tôi không bao giờ cho, bởi sức tôi

yếu đuối, Người không nghĩ đến, đó là một nghề nghiệp rất thiện và cao quý trong các

nghề nghiệp giữa xã hội. Ba Má tôi chỉ muốn sự sống của tôi phải ở cảnh làm vợ, làm

dâu, làm mẹ và làm ăn có tiền của nhiều như Ba má tôi vậy. Như thế là trái hẳn với sở

thích của tôi rồi. Tôi rất biết những bổn phận ấy, không phải là tôi vô dụng trong gia

đình, xã hội quốc gia, nhưng tôi đã nói hoàn toàn tôi quyết tránh xa mà bảo tôi sống trong

những cảnh ấy, tức là giết chết đời tôi vậy.

Thế là tôi âm thầm buồn mãi mãi và buồn hơn nữa là phần đông anh chị em tại

Phan Thành thời gian ấy ăn học ít, ăn chơi rất nhiều, chẳng thấy một hành vi, một lý

tưởng gì cho tôi đáng kính phục được. Trai thì gần như trụy lạc của tứ đổ tường. Gái thì

như cái máy của bề trên định đoạt, im lặng như dòng nước chảy xuôi. Nhìn thấy đời sống

của các anh chị càng buồn tẻ cả lòng tôi. Trong lòng tôi mang đầy máu năng nổ, hăng say

và đau buồn vì nước vì dân, vì tất cả những bức tường thành kiên cố của thời phong kiến

tầm thường chung quanh, nặng nề ép ngặt cả tâm can tôi, bầu không khí kia chẳng chảy

tràn đâu được, càng ngày dường như đóng cứng lại giữa thân yếu đuối của tôi, một tâm

hồn cô quạnh, rồi cũng nhờ cơm áo cha, áo mẹ ăn ở sống dật dờ, rồi cũng thành vô dụng

trong nhóm người vô dụng không lợi ích cho xã hội và đất nước.

Lúc ấy tôi buồn, buồn thật là buồn nên thường đọc bài thơ : “NHẮN THANH

NIÊN PHAN THÀNH” này của Bạch Hoa thôn nữ :

Tơ sầu vương vấn lòng hoa

Nín đi cũng ngặt, nói ra nghẹn lời

Ngày xuân phỏng được mấy mươi?

Nỡ gì vật chất quên đời thiếu niên

Phan Thành mấy mặt?

Xứng cùng em vất nhắc gánh non sông

Đã nghiễm nhiên con Lạc cháu Hồng

Non nước nở hửng hờ không điểm xiết

Thân thể trót mang bầu nhiệt huyết

Mà lạnh lùng như tuyết, cũng thanh niên

Cửu trà đình tửu điếm mãi đua chen

Ưu thời thế đã hoài phen sầu quấn ruột

Một gánh tan bồng toan tránh trút

Năm cánh hoa nguyệt mãi liên miên

Bá lạc đình nườm nượp suốt ngày đêm

Trí niên thiếu như điên vì vật chất

7

Sách thư viện chồng cao chất ngất

Chỉ móc meo để đó thôi mà

Thanh niên hy vọng nước nhà

Thời gian ấy tôi rất buồn , buồn cả một bấu trời ảm đạm! Tôi muốn sao có trận đau

bệnh thật nặng chết cho rồi vì theo tôi nghĩ:

Sống đời vô dụng sống làm chi?

Sống chẳng làm chi sống ích gì?

Thà sớm chết đi cho khẻo thân

Còn hơn sống mãi chỉ sầu bi!

Lúc ấy tôi thấy sống vô vị quá! Muốn chết mà sự thật chưa có can đảm tự tử.

Muốn chết mà không dám tự tử, sống thì lại buồn rầu ai oán đủ mọi thứ, thật đáng thương

hại mà cũng chán nản thay cho đời tôi! Cái gì cũng muốn mà chung quanh toàn nghịch

cảnh, dù cho hy vọng quả quyết can đảm bao nhiêu, rồi cũng trở thành thất vọng, khiếp

nhược bấy nhiêu.

Ngày lại tháng qua, đến năm tôi 17 tuổi, càng buồn thêm nhìều hơn vì nữa chừng

giữa tuổi tươi trẻ của người con gái. Tôi sanh ra tư tưởng chán chốn thị thành muốn tìm

nơi yên tĩnh núi rừng, ở một mình thôi. Rồi chẳng bao lâu chúng tôi bốn người bà con, và

hai người bạn gái đồng xứ, đồng tư tưởng chán chốn phồn hoa đô hội, muốn đi tu núi,

bàn luận quyết cùng nhau tìm cách xa lánh gia đình, tìm nơi thanh tịnh núi rừng, sống

qua ngày tháng vui cùng cây cỏ, bạn cùng kinh kệ mõ chuông.

Tính ra đi mà chẳng biết đi đâu? núi nào? Chùa nào? thật nghĩ lại chẳng khác nào mơ

màng. Vì sắp ra đi chúng tôi ước muốn toàn những chuyện thần tiên không! Lúc ấy có

một bạn làm một bài thơ rất hay, bạn ấy đưa ra cho chúng tôi xem như dưới đây thật là

thích hợp với sự sống sắp đến với chúng tôi lắm.

SỐNG

Sống, ta sống không bờ không bến

Sống cuộc đời không mến việc chi

Sống cùng cây cỏ vô tri

Sống nơi sơn cốc không chi sánh bằng

Sống với đêm chị Hằng lấp ló

Sống với ngày ta khỏ mõ chuông

Sống cùng một mảnh tình suông

Sống lòng lạnh lẽo chẳng tuôn mạch sầu

Sống, ta sống không cần chi cả

Sống một mình bỏ cả vinh hoa

Sống không thấy cảnh não nề

8

Sống cùng non nước thỏa thê tấm lòng

Sống, ta sống bụi hồng rửa sạch

Sống để tìm những cảnh lịch xinh

Sống cùng cây cỏ anh linh

Sống yên, sống tịnh, thỏa tình ta thôi!

Mỗi khi đọc bài thơ ấy lên, tôi thấy thân tâm tôi thật nhẹ nhàng quá! Tôi muốn

mau mau sống trong cảnh ấy liền. Đồng thời lúc ấy có một cư sĩ nam chỉ cho chúng tôi

một cảnh núi ở gần Phan Rí hay Phan Rang gì đó, tả cảnh như chúng tôi đã mơ ước,

chẳng biết có hay không mà nghe ông ta nói là tin liền, nên nhất định ra đi. Thế là chúng

tôi quyết định trốn nhà ra đi. Cô út tôi cùng trong số người đi (đồng tuổi tôi) chịu cho một

ít vải, may 6 cái áo tràng nhuộm đà, 6 cái mũ Quán Âm. Vì chúng tôi thường cứ nghĩ

rằng: Lên núi cạo đầu xong là mặc áo tràng đội mũ Quán Âm ngồi trên những tảng đá to,

để ngắm trời trăng mây, núi suối rừng và sống cuộc đời đạo sĩ như tiên, chắc chắn không

bao giờ hạ san nơi phàm trần nữa!

Sắp đặt mọi việc đều hoàn tất, chỉ còn một ngày nữa là ra đi, thì mọi việc bị đổ vỡ

(sau này tôi mới biết nơi mà chúng tôi dự định đến, có lẽ Chùa ấy là Chùa Hang ở La –

Gàn hay là Chùa Trà Bang ở Phan Rang không biết rõ lắm).

Chúng tôi đành một phen thất bại ê chề! Tôi càng bị gia đình ràng buộc chặt chẽ

cẩn mật quá ! Nghiêm cấm không cho tôi đi chơi với các chị em bạn trong số người cùng

trốn đi và gần như bị tù không cho ăn cơm, đánh đòn thôi. Cũng trong ngày ấy bị bại lộ

chuyện đi tu. Ba má tôi gây cải một trận kịch liệt vì tôi, từ xưa đến bây giờ tôi chưa từng

thấy. Ông thì đổ lỗi cho bà đi chùa dẫn tôi đi và cho tôi quy y làm chi ( vì trong khi 17

tuổi tôi được đi chùa với Má tôi và quy y với thầy Nam là ngài Thanh Nguyên cho tôi

pháp danh là Trừng Tấn và tôi ăn chay một tháng 6 ngày trong gia đình tôi chỉ có một

mình tôi ăn thôi). Bà thì đổ lỗi cho ông. Ông là cha mà tại sao con cái làm gì, toan tính gì,

cũng không biết quan tâm, để ý đến con cái. Lúc ấy tôi như một người lì và liều, tôi đã

xin Ba má tôi đừng gây cãi gì nữa, có giận thì cứ đánh tôi chết đi để tôi được yên thân

cho khỏe.

Rốt cuộc trận cải nhau của Ba má tôi, tôi bị bắt buộc tránh xa các bạn cùng đi tu,

và đồ ăn chay bị đập đổ ném bỏ hết. Không cho ăn chay nữa!

Tôi lặng lẽ không thuận tình, cũng không cãi lý vẫn âm thầm tin tức qua lại các

bạn. Đến ngày ăn chay, tôi nhịn đói uống nước trừ cơm. Có khi đói quá, tôi phải lén trốn

ra ngoài đường, mua khoai, xôi ngồi bên ngoài ăn một lần xong về uống nước cho no cả

ngày. Thời gian trôi qua lâu ngày rồi, Ba má tôi sợ tôi bệnh không có sức trong những

ngày chay, ăn thiếu chất dinh dưỡng qúa, hoặc nhịn đói, nên đành sắm đồ cho tôi dùng

chay lại và tôi cũng tiếp tục ăn chay 6 ngày như thường tôi nhất định bền chí kiên trì,

cuối cùng tôi thành công và đã thắng Ba má tôi. Thật đáng vui mừng!

Khi cho ăn chay trở lại, thỉnh thoảng cho phép tôi đi chùa, nhưng không quên lời

hăm dọa rằng : “Ăn chay thì ăn, đi chùa thì đi, nếu mà trốn đi tu, Ba má bắt được, về

nhất định chặt con làm 3 khúc thả trôi sông, và đốt luôn chùa nào đã chứa con”.

9

Trong thời gian ấy thâm tâm tôi chất chứa cả mối sầu lo vô cùng, não nề hết tất cả

những gì xung quanh đã ràng buộc những điều như ý muốn của tôi, có khi tôi muốn xô

ngã cái nhà lầu mà tôi đang ở hay làm một chuyện gì đó cho hung dữ, nghê tợn, rồi bị tù

đày đi Côn Sơn xa xứ Phan Thành cho rồi, nghĩ lại cũng tức cười và thương hại, cho con

người như điên, như dại của tôi lúc ấy.

Mặc dù bao nhiêu trở lực trói buộc tôi, nhưng tôi vẫn nhất quyết sống đem tình

thương bao la cho tất cả.Từ việc lớn đến việc nhỏ ở đời không ai làm được và rất khó tìm

được người nào, bằng lòng thích ý định của tôi, họ hy vọng biết đâu một thời gian lâu trôi

qua, tôi sẽ bị chi trí bởi hoàn cảnh đưa đến, không còn tự chủ, rồi sẽ xa ngã, làm nô lệ cho

những điều mà tôi cố tránh từ lâu và lại mắc vào, chỉ là cuộc sống khổ não, ê chề của kiếp

người thôi. Suy nghĩ rất nhiều, tôi chỉ thấy tôi nên hướng về đạo Phật may ra có lối sống

cao cả thích hợp cho đời tôi.

Ban đầu tôi chán đời phồn hoa náo nhiệt, muốn tìm nơi xa vắng hay núi rừng thẳm

sâu chân như chôn vùi kiếp sống cho rồi. Nhưng khi đổ vỡ ra, tôi không còn tư tưởng đi

núi ở hang nữa, mà tôi chỉ muốn tìm chùa tu học để hiểu đạo Phật thế nào thôi.

Bắt đầu từ đó, tôi để ý đến các nhà sư tu hành, và tìm kinh sách đạo phật để xem,

nhưng lúc ấy rất hiếm kinh sách chữ việt. Thời gian khá lâu gần đến ngày đi tu tôi mới

được xem mấy quyển tạp chí Từ - Bi – Âm tôi cũng chẳng hiểu gì lắm, còn về Kinh thì

xem được quyển A Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Vu Lan Nghĩa của Từ Bi Âm, nhưng

rất khó cảm thông nghĩa lý. Còn để ý đến các nhà sư tu hành ư ? Tôi chẳng thấy một đặc

điểm nào làm cho tôi phải đặc biệt quan tâm cả, mà còn làm cho tôi đi từ ngạc nhiên này

đến ngạc nhiên khác và sự thắc mắc nghi ngờ, bao dấu hỏi gợi lên trong tâm trí tôi. Có

đôi khi đi chùa tôi nghe tiếng mõ chuông hòa với giọng tụng kinh các nhà sư trầm bổng

mà tâm hồn tôi như nhẹ nhàng làm vơi đi cả nỗi buồn xa xôi vướng vào, dường như nhắc

nhở cho tôi nghĩ lại có lẽ cũng một kiếp xa xưa nào đó tôi sống trong thiền môn tu học thì

phải!Tâm tôi thanh thoát, nhẹ như thoi đưa an lạc thật là an lạc không thể diễn tả được.

Trong giờ phút cảm giác vui buồn lẫn lộn ấy, tôi không còn tự nhiên đứng dựa cột,

khoanh tay nghe kinh nữa mà nhẹ nhàng từng bước đến trước bàn Phật chấp tay thành

kính cuối đầu lạy xuống vừa thì thầm khấn nguyện: “Lạy Đức Phật từ bi gia hộ cho con,

đầy đủ duyên lành, sớm sống được trong cảnh thiền môn tu hành, để đời con được tươi

sáng khỏi khổ và luân hồi trong kiếp này, con tự nguyện đem sự sáng suốt trọn lành, đời

con học hiểu đạo phật để độ người được sáng suốt khỏi khổ, khi con đã nhận thấy cái khổ

của kiếp người ngay trong cuộc đời và thời gian này”.

Sau khi lạy Phật tự nguyện như thế, dường như tôi trút được phần nào buồn khổ

nặng nề mà lòng tôi từ lâu đã âm thầm chịu đựng, tôi tin tưởng Đức Phật đã chứng minh

cho một chúng sinh vừa sanh chánh tín hướng về Phật đạo. Tất nhiên, người tôi có một sứ

mạng để đi tìm đến với đạo Phật. Thường thường tôi muốn sống nghịch cảnh, tôi luôn

luôn tìm cho tôi lối thoát, chí hướng của tôi lúc nào cũng muốn sống nghịch cảnh, khác

thường với mọi người hơn tất cả.

Với Thiên Chúa Giáo, tôi không nghĩ đến, mặc dù tôi luôn so sánh đạo Phật và đạo

Thiên Chúa Giáo theo sự thấy nghe hiểu cạn cợt của tôi lúc ấy, tôi rất bằng lòng về mặt

hình thức tổ chức bên Thiên Chúa Giáo lắm, nhất là trong các việc làm của cơ quan từ

10

thiện, đâu đâu cũng thấy hình dáng người Nữ tu sĩ Thiên Chúa. Tôi hằng ao ước bên đạo

Phật đoàn Nữ tu sĩ cũng như thế, có đạo đức, dễ thông cảm cho quần chúng và dễ gần gũi

những người bệnh đau khổ, buồn tủi, cô quạnh. Bất luận già trẻ, gái trai nơi nào càng

nhiều tối tăm đau khổ, ánh sáng đạo vàng liền được chiếu đến, hình ảnh tu sĩ nên hiện

thân đến nơi ấy, mới đúng ý nghĩa một phần nào tu là cứu khổ mọi người đang chìm lặn

trong biển khổ, tôi tự hiểu như vậy, cho nên tôi nguyện, tôi muốn đi tu, nhưng vẫn tiếp

xúc với xã hội, những cảnh từ thiện ấy là tất cả những hiện thân nữ tu sĩ Phật Giáo tôi

mong các nữ tu sĩ đừng thấy bổn phận đó là thừa thải và đừng lánh xa những bổn phận ấy

giữa quần chúng. Như vậy người tu của đạo Phật mới khỏi khuyết đi một điều lợi tha và

mất đi ít nhiều đức hạnh từ bi vậy.

Mặc dù các nữ tu sĩ Thiên Chúa Giáo khi làm việc có lương nhiều hay bên trong

như thế nào cũng mặc người, nhưng cảnh bệnh khổ giữa xã hội, mồ côi thiếu thốn, các nữ

tu sĩ là hình ảnh đẹp có những việc làm đáng quý và có những trường học, các tu sĩ dạy

dỗ giáo dục các con em. Riêng các nam tu sĩ Thiên Chúa, khi ra đường tùy cấp bậc mà

mặc sắc phục và giữ đàng hoàng nghiêm chỉnh nhưng tôi vẫn không thích tu bên Thiên

Chúa. Vì tôi có thành kiến rằng người Pháp mang tôn giáo này qua Việt Nam truyền bá

trước và sau đó đô hộ dân tộc ta đem ách nô lệ vào cho dân tộc. Khi đã học và hiểu giáo

lý Phật tôi thấy rõ tôi không có chủng tử của Thiên Chúa Giáo.

Về bên Sư Nam của đạo Phật ư? Thật là bất định và chướng mắt lắm.Vì có khi đi

đường quần trắng áo dài đà, có khi mặc toàn bộ đồ màu đà và cầm dù bước đi khoan thai,

trông như trang nghiêm thật, nhưng bên trong không nhất định là như vậy, có khi xốc

xếch luộm thuộm, lắm lúc trau chuốt quá phạm vi của người tu đạo Phật, có lúc cả cái

khăn lông trắng to trùm trên đầu, vấn xung quanh cổ, vác luôn cả dù và gói đồ trên vai.

Nói năng lớn tiếng vát tháo lung tung, đùa cợt với Phật tử… Thật là đủ hình thức quái lạ,

đó là trong lúc ra đường. Còn đến chùa ư! Tôi lại càng thấy lắm cử chỉ thiếu hạnh kiểm

của người thoát tục tu hành. Chỉ trừ một phần nhỏ qúy thầy già cao tuổi, thì có hạnh nghi

và phẩm chất mà cũng là một số ít người hiếm hoi. Dưới tầm mắt tôi, các nhà sư nam bên

Phật Giáo, tôi thấy thiếu hẳn thiện cảm với các vị ấy toàn là các nhà sư trẻ tuổi (lúc ấy chỉ

trừ thầy Chí Tâm có hạnh thôi) còn bao nhiêu nhà sư khác mà tôi gặp khi chưa đi tu là tôi

không thích và đầy hoài nghi là họ chỉ tu cho có hình thức thôi, chứ đối với đạo rất tầm

thường bên ngoài thì chẳng tu hành gì cả. Các ni cô lúc ấy tôi chưa từng thấy, nên không

có cảm giác gì cả, chỉ khi gần đi tu, tôi mới gặp được Cô Quảng Hảo người Bình Định

trong ít ngày thôi!

Với thầy mà tôi đã quy y, thầy già và chất phát nhưng lúc ấy tôi cũng chưa biết bổn

phận đệ tử đối với thầy ra sao vì giữa thầy và tôi còn xa cách quá, nhưng đến khi nghe

chúng tôi đi tu (Sư Bà Huyền Học và tôi đều cùng một Thầy) Thầy chúng tôi rất vui

mừng. Thầy cầu nguyện cho chúng tôi đi trọn đường tu. Khi về nghe nói lại, tôi rất cảm

động sự mật hạnh chơn tu của Thầy tôi. Tôi được 19 tuổi Thầy tịch tại chùa Thầy, chùa

Hố Dầu gần núi Cú. Mặc dù xa xôi và sức yếu, tôi và sư huynh Huyền Học vẫn lên đến

nơi đảnh lễ di thể của Ngài và ở lại khi tống táng mọi việc hoàn mãn chúng tôi giã từ về.

chúng tôi luôn nhớ đến bậc Thầy già hiền lành, đạo đức của chúng tôi ( Chùa Hố Dầu gần

núi Cú. Sau này có 3 chùa, mà chùa của Thầy tôi xây dựng là chùa chính giữa, hiệu gì tôi

không nhớ rõ).

11

Trong lúc này lòng tôi nảy nở một niềm tin tha thiết đến với đạo Phật, tôi lại thấy

và nghe lắm điều bất kính của những nhà sư tu hành, mà tôi đã mục kích đôi nhà sư được

thí chủ mời đi tụng cầu an và cầu siêu, khi tụng thời kinh xong rồi, thí chủ tạ tiền lại chê

ít không đủ? !... ( Tôi nghĩ vì lúc ấy các chùa còn thiếu thốn, chưa có kế sinh nhai tự túc,

hoặc có chăng nữa là việc trồng rau cải, khoai sắn trong vườn chùa, hoặc chùa nào có

ruộng thì mỗi năm cũng tùy nơi làng xã họ thu hoạt, chứ chùa cũng không được quản lý

trọn vẹn).

Thấy thế tôi ngạc nhiên vô cùng, vì đáng lẽ cầu nguyện giúp cho Phật Tử tùy tâm

Phật tử cúng dường không cần tạ lễ ít hay nhiều thì phải, nhưng người thí chủ quá thiết

tha với sự cúng dường, mới an lòng nghĩ đến công đức của nhà sư giúp cho, nên cúng

dường dẫu ít hay nhiều cũng được, sao lại chê ít đòi nhiều. Người tu hành làm gì ra tiền?

quanh năm cũng nhờ nơi tâm thành tín thí cúng dường ?…Đạo Phật có như thế không ?

Mà sao có người đã học Phật lại hành động như vậy? Làm tôi phải suy nghĩ nhiều về việc

ấy. Lại thêm trong thời gian đó, báo chí đăng tải nhiều tin xấu trong chùa, nào ni cô này

tự tử vì mang thai! Ông sư nọ bị bắt vô làng vì lấy vợ người ta! Rồi lại thêm chuyện sư

Nguyễn Kim Muôn không biết thật giả thế nào mà báo Tân Văn đăng luôn hằng

tháng.Trên báo chí chỉ trích và phô bày lắm chuyện tồi tệ ghê gớm… lúc ấy mỗi khi thấy

những tin tức đó. Ba má và các em đưa báo cho tôi xem, là nhanh chóng chỉ vào những

điều ấy trước nhất, và cũng lắm lời mỉa mai thêm!

Lúc ấy con đường và lẽ sống của tôi đã nhất định tìm đến mà sao thấy và nghe toàn

chuyện xấu xa ghê sợ quá! Tôi rất khó chịu và ngại ngùng xen lẫn sự buồn buồn. Nhưng

tôi lại nghĩ: Phải chăng đó là những điều không hay trong đạo Phật, nên hiểu biết phải

đưa ra ánh sáng cho mọi người hiểu rõ, để tránh khỏi bị lầm lạc, chứ đạo Phật từ xưa nay

không chánh đáng thì làm sao tồn tại đến ngày nay???

Bao dấu hỏi, bao nghi ngờ, càng lúc như thúc giục tôi cần phải sớm xuất gia tầm

thầy học đạo, để hiểu thế nào là thật và thế nào là giả dối, từ dạo ấy tâm tôi luôn nghĩ đến

sự tìm chùa và vị minh sư mà nhất là vị Sư Nữ. Vì tôi biết Má tôi rất khó khăn, nếu chùa

nam tu là hoàn toàn bà không bằng lòng và ngôi chùa ấy cùng với vị sư ấy phải chịu họa

lây, tôi càng mang thêm trọng tội.

Phải chăng Đức Phật đã không phụ lòng thành tha thiết thành cẩn của tôi tưởng

niệm và chí quyết xuất gia nên gặp ngay cô Quảng Hảo ở Chùa Thiền Tôn ngoài Bình

Định đi vào Sài gòn đến Chùa Sư Nữ Hải Ấn để tu học, tiện đường cô ghé lại Phan Thiết

vài ngày trong một nhà đạo hữu gần nhà chúng tôi.

Tất cả chúng tôi đều lén nhà đến thăm cô, hỏi việc tu hành, nhờ cô vào giới thiệu

Thầy Nữ cho tôi được xuất gia. Được biết ý định xuất gia của chúng tôi, cô nhận lời và

hứa gởi sẽ tin về. Một sự vui mừng vô hạn nơi lòng chúng tôi, ấy là năm tôi được 18 tuổi

và lần đầu tiên tôi mới thấy một Ni cô và cả xứ Phan Thành đầu tiên có một Ni Cô đến.

(năm đó cô Quảng Hảo 23 tuổi).

Thầy Nữ nhận được thư của tôi gởi xin đi tu, Thầy cũng ái ngại mà cũng vui mừng,

và nghĩ rất thương đến sự mong muốn xuất gia của chúng tôi, nhưng lại khuyên chúng tôi

nên ở nhà tu, nếu hoàn cảnh xuất gia rất khó khăn nhiều nan giải, nhưng chúng tôi quyết

12

tâm thao thức được xuất gia tu học và chỉ có xuất gia tôi mới thấy cuộc sống tươi vui

được thôi.

Thế là mọi việc ra đi được chuẩn bị lần thứ hai, lần này tôi không còn mơ mộng

viễn vong nữa, hy vọng ra đi có mục đích. Đi lần thứ hai này, tôi nguyện đem cả thân tâm

chân thành tìm hiểu đạo Phật. Nếu đạo Phật là một chân lý sáng suốt lợi ích cho đời

người thiết thực, thì suốt đời tôi nguyện tận tụy trung thành hiến thân vì đạo và đem sự tu

học chân chánh truyền bá khắp nơi để cho mọi người khỏi lạc đường khi muốn đến với

đạo Phật và những sự hoài nghi thắc mắc kia của tôi nhất định được sáng tỏ.

Lần thứ hai, chùa Sư Nữ, Thầy Nữ, bạn Nữ đã sẵn sàng rồi, chỉ còn chờ có dịp

thuận tiện thoát ly thôi.

Trong năm 15 đến 18 tuổi, tôi sống trong gia đình như cái máy, mặc dù tôi rất chu

đáo việc nhà và tận tình chăm sóc đàn em nhưng thật là một sự sống quá cách biệt với gia

đình, dù ở chung một nhà nhưng chí hướng của tôi cách xa gia đình tôi vạn dặm, tôi

tưởng chừng như tôi đang ở phương nao, nay mọi việc ra đi đã chuẩn bị sẵn rồi, đầu óc,

tâm trí tôi nhẹ nhàng phần nào nên nhìn kỹ lại gia đình lần chót để sống vui vẽ rồi từ biệt.

Khi vui vẽ sống lại với gia đình lần cuối, tôi lại thấy một sự buồn lo, thương mến

lẫn lộn bao la man mác mới lạ tràn ngập lòng tôi. Sao tôi cảm thấy ba má tôi thương lo

cho tôi từng việc nhỏ, mặc dù thời gian ấy Hàm hộ nước mắm phần nhiều bị thất bại

trong công việc làm ăn nhiều nhà bị phá sản, gia đình chúng tôi cũng chẳng giàu hơn ai,

nhưng tình cha mẹ thương con như trời biển, lúc nào cũng hy sinh cho con tất cả về vật

chất no ấm đầy đủ tôi là con gái lớn mà lại thường đau yếu bệnh hoạn hoài, đã không

giúp đỡ cha mẹ được những gì chứ… mà trái lại người còn lo lắng và thương tôi nhiều

hơn 5 em nhỏ, đời tôi rất hạnh phúc tình thương ăn mặc, nơi ở nhà cửa đầy đủ lắm rồi,

khi tôi còn ở trong gia đình.

Lần đầu tiên, lòng tôi mới biết cảm động tình cha mẹ thương con và còn xót xa

thương người hơn nữa là khi nghĩ đến. Ba má tôi đâu có ngờ đứa con lớn trong nhà được

cưng nhất và nuông chìu nhất và lo cho nhiều nhất trong gia đình. Hiện thời, nó lại sắp

làm một chuyện trái ngược, đau thương khổ sở, chua xót cho người lắm…

Hằng ngày tôi thấy Ba má tôi thương và lo lắng cho tôi tha thiết, bảo các em trìu

mến vui đùa quanh quẩn bên tôi, làm mọi việc cho vui lòng, tôi thì phải âm thầm rơi

nước mắt khóc trong những lúc đêm khuya khi mọi người đang an giấc.

Lúc ấy thật lòng, tôi cảm thấy thương cha mẹ và các em nặng trĩu lòng tôi hơn lúc

nào cả. Lắm lúc nghĩ thật não nề không nỡ ra đi, nhưng rồi tôi cũng phải cương quyết giữ

vững chí hướng ra đi tìm Phật đạo. Hơn nữa, tôi đã nghĩ, theo ý tôi đi tu mà đến già mới

tu, thì đời người ấy cũng lăn lộn khổ sướng vui buồn nhiều rồi, cuộc đời đã chồn chân

mỏi gối và biết đâu cũng đã làm lắm việc ác rồi mới tìm đến chùa làm công quả, tu niệm

kiếm chút phước lành với những ngày tàn của kiếp người vậy. Đó cũng là một nhân tốt,

nhưng tôi thấy đợi đến già mới đi tu cũng thường thôi không lợi ích gì cho đời và đạo (và

cũng hơi muộn hoặc rất muộn). Còn tuổi 12 – 10 sắp xuống đi tu sớm qúa chẳng qua là

sự ham muốn cạn cợt nhất thời, hay đời trước người đã có nhiều thiện căn, nên mới đi tu

sớm như thế, nhưng theo tôi với chừng tuổi ấy, khi căn bản đạo đức còn non nớt quá,

thấy cảnh đời vui hơn cảnh đạo, cũng dễ dàng xa ngã và khi sập bẩy càng đắm lụy say

13

sưa với cuộc đời tầm thường, thì cũng chẳng hay gì lắm cho tuổi gây thơ sớm vào đường

đạo (nếu lúc nhỏ mà tu được cho đến trọn đời và được đặc sắc cả cuộc đời đạo hạnh, còn

gì quý hơn). Với tuổi đang độ trưởng thành xuân xanh, chung quanh chuyện đời lắm việc

dễ mến dễ yêu, mà quyết chí dứt bỏ để tìm cảnh khổ hạnh tu hành. Xuất gia đương tuổi

ấy rất khó nếu tu được là vững vàng, đi trọn đường lành với cuộc sống đầy ý nghĩa, mới

là có chí khí trượng phu, hướng mạnh thân tâm vào đường đạo, mặc dù là nam hay nữ.

Tôi rất biết, trước khi tôi đi tu không phải chi khó khăn về mặt gia đình và xung

quanh ngăn cản và đe dọa bằng mọi cách, nhưng gian nan khó giải hơn nữa là lứa tuổi

tôi, đối với tôi mà nói chẳng có gì vui sướng hân hạnh bằng thoát tục và đây tôi rất là

thành thật kể thêm một đoạn này:

Trong thời gian chờ đợi để có dịp thoát ly, tôi vẫn có người thương yêu nghĩ đến

tôi luôn và rất muốn nhờ người mai mối đến hỏi tôi cho việc thành lập gia đình, nhưng

khi 15 – 16 tuổi, biết ai yêu thương tôi, tôi không quan tâm đến. Lòng tôi lúc nào cũng

chứa chan vì một chánh nghĩa nên tôi không thể chứa một tình yêu nào nhỏ hẹp ích kỷ

nào cả, mà tôi cũng chẳng dại gì bàytỏ thật ý mình cho mang họa vào thân, tôi chỉ tự tiện

trả lời rằng: “Tôi tuổi còn nhỏ, sức trí dại khờ, chưa nghĩ gì khi tình yêu thương đến với

aii”.

Đến năm 17 nữa chừng 18 tuổi, khi sự đi tu vỡ lỡ ra, mấy người trai để ý đến tôi

càng biết tin tức về tôi nhanh nhất, nhưng người ta vẫn cố gắng đeo đuổi, và vẫn tìm cách

gửi thư cho tôi để lý luận đủ điều để kéo tôi về với lối sống thật tế giữa cuộc đời: là gái

lớn phải có gia đình là hơn. Nhưng ý tôi đã quyết chí đi tu, thì tình yêu thương đối với

tôi càng lạnh như băng giá! Tôi dễ dàng trả lời là tôi xin cảm ơn ai, người có lòng yêu

thương tôi…nhưng…đời tôi chỉ quyết tâm “đi tu thôi” giờ phút ấy tôi rất thích câu thơ

trong Truyện Kiều “tu là cội phúc, tình là dây oan”. Vì “cội phúc” kia nên tôi sớm đi tìm,

mà dây oan này tôi phải mau chặt đứt. Tôi cũng biết rất khó tìm, và khó chặt lắm. Nhưng

có chí thì nên, hay có công mài sắt có ngày nên kim. Bởi tất cả mọi việc thành công nào

lại không từ chỗ khó khăn. Những sự thành công ấy mới xứng đáng.

Dự định xuất gia của tôi Ngọc Kim ở Sóc Trăng biêt nên khuyên tôi đừng xuất gia

giữa mùa hạ năm 1936:

“ Tuổi trẻ vội gì lại xuất gia

Rồi ai hôm sớm mẹ cha già

Đàn em vắng chị lòng đau khổ

Nổi mẹ tìm con dạ thiết tha

Dưỡng tánh tu tâm lời Phật Tổ

Ở nhân, ở thiện, ý Di Đà

Chùa chiền kinh kệ là ngoài mặt

Hạnh phúc gia đình chớ kiếm xa.”

14

Ngày ra đi, chúng tôi chỉ còn lại hai người là tôi và sư huynh Huyền Học. Ngày

gần đi cách một tháng chúng tôi phải đóng kịch gây với nhau một trận thật kịch liệt, để

khi đi hai bên gia đình không đỗ thừa con ai dụ dỗ con ai cả.

Với hoàn cảnh thuận tiện nên Sư Huynh Huyền Học ra đi trước nữa tháng, ra Bình

Định ở chùa Thiền Tôn Gò Bồi, còn tôi nữa tháng sau đi Sài Gòn đến chùa Hải Ấn Ni Tự

tại Bà Quẹo.

Ngày Sư Huynh Huyền Học đi tu rồi, tôi càng bị nghiêm cấm như tù nhân bị lên án

nặng. Má tôi khóc kể dỗ dành, hăm dọa đủ điều, tôi thấy thật là cả một sự khó khăn ra đi

lần thứ hai nhưng khi con người mà bị ràng buộc quá, thì người ấy lại càng nghĩ nhiều về

sự thoát ly, tôi làm đủ cách phải làm thế nào để cho gia đình tôi quên và tin tưởng tôi

không còn muốn đi tu nữa. Tôi trở lại vui thật vui, nét mặt tươi tỉnh hơn lên và trao dồi

chưng diện từng bộ áo quần tốt, đeo đồ nữ trang ra vẻ thích thú yêu đời, quý vật chất lắm,

và biết nghe lời cha mẹ để sống với lối sống mà cha mẹ hằng mong muốn cho con. Ba má

tôi rất hài lòng và an tâm lắm với mọi người xung quanh tôi. Họ đã lầm nhiều, đến nỗi họ

lên án tôi “ con Cúc nó gạt con Phụng đi tu, để rồi nó ở nhà sửa soạn lấy chồng” phần

đông đã lầm và đã giúp tôi hoàn thành ý nguyện và hành động của tôi.

Ngày 12 tháng 7 âm lịch (1936) 10 giờ trưa tôi ra đi. Sự xuất gia tôi cũng như các

bạn, xuất gia nào là phải trốn cha mẹ đi tu, trong lòng cả một sự khổ sở, lo lắng sợ sệt.

Trong người tôi giờ phút ấy man mát…không làm sao diễn tả được. Nhưng tôi đã can

đảm và quả quyết với định hướng xuất gia rồi, dù sự khổ sở của buổi sơ tâm nhiều bao

nhiêu đi nữa, là những kỷ niệm vàng son, đầy nghị lực để mình đi trọn con đường tu đầy

trợ lực bấy nhiêu. Nỗi khổ gian nan của buổi ban đầu đi xuất gia. Xuất gia là giải thoát

của nhiều sự khổ sở đau thương ràng buộc một kiếp người, khi chưa xuất gia thì cái khổ

ấy là vui mới đúng hơn.

Tôi thành thật mà kể luôn buổi xuất gia cho các bạn nghe vui!

Ngày gần đi rồi mà tôi không có một cắc, một xu nào trong túi vì tôi cứ nghĩ tôi đi

tu nên không cần tiền bạc gì cả và cũng không làm gì có tư lợi cho ra một số vốn riêng tư

như các cô gái khác trong gia đình. Đến nỗi không tiền để may bộ đồ vải để mặc (vì tôi

mặc toàn đồ hàng lụa) có lần tôi thích mặc bộ đồ dài vải xiêm đen lắm, mà đành phải bán

một thùng nước mắm của Ba má tôi, rồi lấy số tiền ấy để may mặc, tuy bị la rầy nhưng

tôi thấy có một sự gì hân hoan sung sướng khi tôi được mặc bộ đồ thô sơ giản dị ấy. Gần

đi tu tôi cũng lén bán 2 thùng nước mắm để may thêm 2 bộ đồ nữa, may xong lại giấu kỹ

để sáng đi. Tối tôi phải nhét vào bụng đem đến nhà người quen. Ba lần đi mới gởi hết

luôn cả cái áo tràng , vì thời gian ấy ở Sài Gòn quý vị tu sĩ Phật Giáo thường mặc đồ màu

đen, màu trắng hơn mặc đồ đà (màu nâu ) đồ lam ( màu xám ).

Vậy là ngày đi đã đến cũng gặp dịp may là ngày 11 là ngày giỗ của Bà Nội tôi, tôi

biết thế nào sáng 12 cũng đem trái cây cho ông nội ở riêng, đem trái cây đi nhất định là

tôi được đi, thông thường dành phần đem đi là tôi. Lý do chính đáng nhân duyên điều

kiện dễ dàng cho tôi, Má tôi không nghi ngờ được và hơn nữa là Sư Huynh Huyền Học

đã đi rồi.

Đêm 11 giờ tôi trằn trọc mãi không tài nào ngủ được, vì ngày mai tôi sẽ đi không

biết kết quả ra sao đây?

15

Đêm ấy, tôi niệm đức Long Thần, Hộ Pháp và Đức Đại Bi Quán Thế Âm thật

nhiều để lòng tôi thật bình tĩnh trước giờ phút ra đi và nhờ oai lực của hai vị ấy gia hộ

cho tôi ra đi được như ý nguyện.

Vì Thầy Nữ tôi gửi thư khuyên tôi nên ở nhà tu và bảo tôi luôn luôn niệm 2 danh

hiệu ấy, nếu tôi quyết chí xuất gia thì hai Ngài ấy sẽ ủng hộ cho tôi được mọi sự an lành

và được như ý.

Tôi càng tin tưởng lời chỉ dạy mà chí thành tưởng niệm. Đêm hôm đó, tôi không

tài nào ngủ được hết niệm Phật lại nhè nhẹ rón rén đi nhìn cha mẹ ngủ say rồi lại nhìn các

em đang ngon giấc, khi nhìn đến các em còn nhỏ hằng ngày dưới đôi bàn tay săn sóc tận

tình chu đáo và trao cả tấm lòng thương mến của người chị cả, nhìn nét mặt gây thơ vô

tư say ngủ, không ngờ rằng ngày mai đây đã vắng bóng người chị thân yêu. Giờ phút ấy,

tôi đã lặng lẽ khóc nhiều và đã hôn các em nhỏ tôi thật nhiều và nhiều lắm lắm! Thật là

giây phút rất đau lòng của tình cốt nhục sắp phải chia ly.

Sáng dậy, trong người tôi thật mệt nhọc và bơ phờ như sắp bệnh nặng đến nơi

nhưng tôi cố gắng để tươi tỉnh cả nhà khỏi để ý. Buổi sáng ấy là ngày tôi nhất quyết ra đi,

nên định ăn chay luôn, nhưng có cách thuận tiện nào để tránh khỏi sự nghi ngờ vì không

phải ngày trai giới mà nhịn đói là cả nhà nghĩ tôi bệnh thì nguy nên đến giờ ăn sang.Má

tôi gọi vào bàn ngồi ăn, tôi ngồi vào bàn ăn định ăn cơm lạt mà lúc ấy tôi thấy thâm tâm

tôi có một sự gì khổ quá.

Vì sáng nay buổi cơm sáng còn ngồi với mẹ, rồi trưa và chiều mẹ đã vắng con!

Chắc là quang cảnh nhà tôi như đảo lộn tất cả, cơm trưa và chiều nhất định là chẳng ai ăn

được, nhất là Má tôi sẽ điên cuồng lên! Nghĩ đến quang cảnh ấy tôi ứa nước mắt, tôi

bưng vội chén cơm đặt vào miệng để cho Má tôi khỏi thấy và không nghi ngờ hỏi vì sao

tôi khóc.

Thật đau lòng cảm động làm sao! Khi Má tôi thấy tôi ăn cơm lạt vào miệng không

gắp thức ăn, Má tôi tự gắp thức ăn (miếng thịt kho) đưa lên bỏ vào chén cơm tôi và nói:

“Thịt kho hôm nay thấm mền ngon quá con ăn thật nhiều đi” tôi biết thịt heo ở nhà kho

ngon lắm, nhưng giờ phút ấy, lòng tôi đầy nghẹn ngào vì nuốt vào chỉ thấy hương vị đắng

cay chua xót lắm thôi!

Lúc ấy nếu tôi không đủ can đảm để trấn tỉnh, tôi sẽ bật lên tiếng khóc và ôm lấy

Má tôi để thú tội: “ Là con sắp bỏ Ba má và các em để ra đi, xin phép Ba má cho con cạo

đầu, và con sẽ đi tu ở nhà, không đi xa nữa!” Nhưng tôi đã quả quyết phải đi, vì tôi biết

rằng tôi không chết thì chẳng bao giờ tránh được cảnh Má tôi bắt tôi phải thành lập gia

đình theo ý Má tôi đâu, tôi vội ăn cho hết chén cơm ra khỏi bàn ăn để tránh khỏi cảnh âu

yếm của mẹ đối với con, lập tức tôi thưa với Má tôi rằng: “Lúc 8-9 giờ sáng nay con sẽ

đem trái cây cho ông nội” và Má tôi bằng lòng. Tôi mừng rỡ nhẹ lòng.

10 giờ xe chạy, gần 9h30 tôi đi, khi ra đi Ba tôi nằm trên võng, Má tôi lên phố đổi

vàng lấy tiền để muối cá (vì hôm ấy cá rất nhiều).

Trước khi ra đi, việc làm sau cùng của tôi tại gia đình là đem hộp thiếc bánh Tây,

đầy những bức thư tỏ tình ra đốt, vì tôi nghĩ giờ phút ấy tôi không được lưu giữ một vật

gì của ai với lòng tôi cả. Lòng tôi càng lạnh ngắt như đám tro tàn với những bức thư khi

đã đốt xong. Sở dĩ ba năm trời tôi vẫn để từng lá thư một là tôi luôn sợ nếu trong một

16

phút tôi không giữ được lòng tôi, và không thể tránh được sự ép bức của gia đình, là tôi

phải lập gia đình cùng ai thì những bức thư xin tình yêu kia là một bằng cớ chứng minh

cho đời tôi trong sạch, để tránh khỏi sự nghi ngờ đen tối ám ảnh vào đầu óc trí não của

người bạn đời chung sống cùng tôi. Vì tôi đã sớm nghĩ về sự sống chung, khi người đàn

bà ghen và ngờ vực, thì phần đông người đàn ông còn tìm được hạnh phúc. Nhưng khi

người đàn ông ghen tuông và ngờ vực ư? Lúc ấy người đàn bà luôn đau khổ và không

còn tìm ra được hạnh phúc, khi cuộc đời đã sống chung, nếu không ly dị thì cũng chết

sớm thôi (các bạn chớ vội phê bình là tôi nghĩ quá xa về vấn đề này mà sẽ sai sự thật.

Chính đó cũng là một sự thật, trong trăm ngàn sự thật mà tôi đã thấy, nghe và thêm nhiều

nhận xét vậy).

Sau khi đốt thư xong, tôi vào thưa Ba Má tôi để đi lên ông nội, lúc ấy thật với một

tâm trạng rất đau lòng khi nhìn Ba tôi lần sau cùng. Lúc xoay lưng ra đi, đôi mắt tôi đã

mờ và ướt vì tràn đầy nước mắt, nhưng cũng vội vàng lau chùi cho ráo ra căn dặn chị bếp

mọi điều chu đáo cho buổi cơm trưa của Ba Má tôi và các em tôi, sau buổi tan học về

xong mới ra đi.

Từ nhà ra đi, tôi luôn tưởng niệm Đức Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát và Đức Long

Thần Hộ Pháp gia hộ cho tôi mọi sự an lành. Nhưng chưa đi đầy trăm thước lại gặp Má

tôi trên phố về. Má tôi xâm xâm đến tôi toàn thân tôi run lên, tim gần như ngừng đập. Tôi

càng thầm cầu nguyện! Tôi bưng rỗ trái cây những trái cây ấy chỉ chất một lớp trên thôi,

dưới thì những món thuốc và vật dụng lặt vặt rất cần cho tôi với một quyển kinh Di Đà,

Hồng Danh v.v…(mà tôi đã xin thầy Chí Tâm). Má tôi chặn đón tôi lại, tay để vào rổ và

cầm trái mãng cầu lên xem, tôi điếng cả người vì nếu Má tôi kéo miếng giấy lót trái cây

lên chắc là tôi xỉu và chết ngất ngay! Nhưng lạ lùng làm sao? Má tôi lựa chọn mấy trái

mãng cầu xem xong lại để vào rỗ và bảo tôi: “Con lên ông Nội đưa trái cây rồi lên ông

Bình lấy tiền về cho Má vì Má đem vàng lên đổi mà không có ông ở nhà”.

Tôi bấn loạn cả người! Vì tôi nghĩ lấy tiền về rồi làm sao đi cho kịp trễ xe rồi, lúc

ấy tôi lại lanh trí trả lời: “Thưa Má con lên không có ông ấy con ngồi chờ một chút được

không?” Má tôi trả lời “được” xong Má tôi đi, thật là hú hồn tôi mừng quá. Đến nhà ông

nội tôi, đưa trái cây xong tôi mới chào từ giã ông bà và các cô tôi rồi mới ra đi. Cả nhà

đều khóc ngất vì thương tôi. Vì còn một ngày nữa tôi ra đi thì bị lộ chuyện, nhà tôi đều

hay cả, nhưng tôi năn nỉ và dọa rằng: “nếu ai cho Má tôi hay nhất định tôi tự tử chết, nhất

định sẽ chết”.

Lời tôi cương quyết quá, nên không ai dám cho má tôi hay. Tôi không thể lại nhà

ông Bình, đàng long đi thẳng ra ga xe lửa, gặp những ai quen thấy tôi đi qua cầu là cũng

biết tôi trốn đi, nên tôi đều hăm dọa tất cả, nếu Má tôi bắt về tôi nhất định nhảy xuống

cầu Sông Phan Thiết chết nghe thế ai cũng sợ nên cùng nhau im lặng để tôi đi.

Bước ra đi đầy sợ hãi và cũng đấy cực nhọc, tôi không dám đi ngay trước cửa ga

và chun lòn qua hàng rào kẽm gai rất cực, lên toa hạng nhì đóng cửa trốn vào trong với

người bạn gái thân thiết nhất đời tôi, đã chịu khó đưa tôi từ Phan Thiết đến Mường Mán

gởi tôi vào nhà người quen rồi bạn đi về. Và nhờ người khác đưa tôi vào Sài Gòn đến tận

chùa Hải Ấn.

17

Người ấy hẹn tôi là 3 giờ chiều sẽ có mặt tại Mường Mán. Tôi ở lại ga không được

phải vào nhà người quen ở nhờ, nhà người ấy cũng sợ nhà đông khách ra vào, đưa tôi đến

một căn nhà tranh có cửa đóng khóa ngoài, vì chủ đi vắng nên nhờ cô ấy giữ dùm. Cô mở

cửa cho tôi vào, nhìn thấy gian nhà dơ dáy và lạnh lùng quá, trong nhà độc chiếc có một

cái bàn cũ chiếu rách tả tơi! Cô ấy bảo tôi có mệt nằm đây mà nghỉ, vì cô thấy người tôi

bơ phờ và mệt nhọc lắm, xong cô ra ngoài đóng cửa lại.

Lần đầu tiên thân tôi bị lạc vào nơi cảnh thấy ớn lạnh quá? Nhưng còn biết trốn

vào đâu cho thuận tiện khi cảnh lạ với người hết ngồi lại đứng, rồi cũng đi loanh quanh

trong gian nhà chật hẹp và thiếu ánh sáng ấy. Chờ một ngày trôi qua sao lúc đó thời gian

lâu đến với tôi quá! Trưa hôm ấy cô tạm chứa tôi, quên cho tôi ăn cơm nhưng tôi vẫn

không thấy đói, chỉ thấy lòng đầy lo sợ gia đình bắt lại thôi! Đến 3 giờ, nhưng vẫn không

thấy người dưới Phan Thiết lên cho tôi biết tin để tôi an lòng khuya tôi đi xe suốt, vì

người ấy đưa tôi vào Sài Gòn với chuyến xe suốt vào lúc 4 giờ khuya. Quá mỏi mệt tôi

lấy giấy đem theo lót sẵn trên giường nằm tạm để nghỉ ngơi vì toàn thân tôi thấy đau khó

chịu rồi! Đến 5 giờ đang nằm chờ tin bỗng một tiếng “quát” to đùng đồng với tiếng lắc

cửa mạnh là: Nhà của tôi đóng cửa có người coi nhà dùm mà ai dám cả gan vào nhà tôi

nằm? giật mình hoảng hốt ngồi dậy ngó ra thấy một ông già lực lưỡng nét mặc ít hiền tay

cầm cây mác đôi mắt trừng trợn ngó vào tôi.Tôi vội bước đến gần cửa thì mùi rượu nặc

nồng của ông và Ông xông vào làm tôi sợ quá! Nhưng vẫn điềm tỉnh nói: “Thưa ông

cháu lên ở nhà cô ấy nhưng trong nhà có trẻ em nên cô sợ ồn ào, nhà ông không có ai

yên tĩnh hơn, vì vậy cô đưa cháu đến đây nghĩ tạm, chiều tối cháu vào nhà cô!” Nhưng

ông vẫn không nghe gì cả. Ông vẫn la hét mắng nhiếc tôi đủ điều và dọa kêu làng xã đến

bắt tôi, ông còn nói toạc ra nào vợ ông ho lao mới chết nên ông buồn, sáng đi chiều về

nhà ấy, giường ấy của vợ chồng ông, mà sao tôi dám cả gan đến ở và nằm.

Trời ơi! Tôi điếng cả người và cũng rùng rợn cả óc, vì nghĩ đến sức khỏe tôi đương

mệt nhọc lại phải vào nhà dơ dáy, bụi bẩn, thiếu nhiều ánh sáng của người ho lao mới

chết, vì tôi là người giữ vệ sinh kia mà. Cũng may đang lúc nổi cơn thịnh nộ và hành

hung của ông đang nổi lên, thì cô ấy đến nói với ông nhiều lời và nhận lỗi về cô tất cả,

ông mới dịu lòng ông xuống, Cô vội mở cửa cho tôi ra, xong rồi cô trao chìa khóa nhà

cho ông ấy, đưa tôi về nhà cô.

Ra khỏi nhà ông, tôi cảm thấy như ra khỏi ngục tối trần gian, mà lần đầu tiên tôi

mới lọt vào! Lúc ấy cả than thể lẫn tinh thần tôi đầy u ám và nỗi buồn lo tràn ngập lòng

tôi vì đã 6 giờ rồi nhưng vẫn chưa thấy người ở Phan Thiết lên.

Chiều ấy tôi ăn được nữa chén cơm với vài miếng đu đủ luộc chấm chao, ăn vào

cho đỡ đói chứ sự thật cả cổ họng bị đắng muốn bệnh đau nặng.

Cô ấy sợ tôi buồn vì ông đó mà ăn ít nên có lời an ủi tôi, nào ông ấy hiền và tốt

nhưng tại vợ ông mới chết quá buồn, lại uống rượu say nên mới có cử chỉ vừa rồi, nhưng

than ôi! Lòng tôi nào có nghĩ gì đến chuyện đó nữa. Chỉ sợ người nhà lên bắt lại thôi và

cũng không biết việc gì đã xảy ra ở nhà tôi từ trưa cho đến chiều, sau khi tôi ra đi.

Đêm ấy từ 7 giờ đến 3 giờ 30 khuya tôi sống trong cảnh hải hùng lo sợ nặng nề. Vả

lại không hiểu vì sao chó cứ sủa từng hồi xung quanh nhà, lúc đầu tôi yên trí vì ở nông

thôn, chó thường hay sủa về đêm, nhưng đêm càng khuya chó lại càng sủa nhiều, cô chủ

18

nhà lại càng lộ vẻ sợ ra mặt, làm tôi phải ngại ngùng và hỏi ra mới biết, cô ấy bảo ít có

đêm nào chó sủa nhiều như đêm nay, cho nên cô cũng không yên lòng, vì cô dư biết nếu

người nhà tôi tìm thấy tôi trong nhà cô, cô cũng bị liên can nặng, nhất là tính nóng lòng

vì con của Ba Ma tôi qúa mức.

Thế rồi mỗi lần chó sủa, tôi phải chun xuống giường cô để trốn cho cô và tôi được

an lòng, mỗi một lần chun xuống giường là tôi lại cười ra nước mắt, vì ở nông thôn thiếu

nhà vệ sinh, mà lại giường có em nhỏ nằm đầy nước tiểu mùi hôi xông lên, và ẩm ướt,

dưới đất lại không lót gạch, mỗi lần chun xuống giường lại không ngồi được phải bò cả

chân và tay, khum lưng xuống để chịu, người tôi lúc ấy không khác nào như con chó con

heo! Thật là một cực hình của xác thân lẫn cả tinh thần trong những ngày đầu tôi bỏ nhà

trốn đi xuất gia.

Xa gần vẫn vang tiếng chó sủa từng giờ từng phút lại càng to thêm lên. Người tôi

như không còn sức để bò ra chun vào nữa, nên tôi phải nằm bẹp luôn dưới giường, để

chịu cả hơi đất lạnh và mùi hôi cả nước tiểu trẻ em lâu ngày không rửa quét, nếu chẳng đi

tu, thì ở tù mới gặp cảnh ấy trong xà lim…..mới có thế thôi! Tôi chắc gần như vậy.

Gần 3 giờ 30 mà ông đưa tôi đi vẫn chưa lên, mà 4 giờ xe chạy, tôi đau khổ nặng

nề quá lòng. Mặc dù ở dưới giường dơ, nhưng tôi vẫn niệm Hồng danh cả hai vị Bồ Tát

mà nước mắt tuôn trào không thể dìễn tả được cảnh khổ cả thâm tâm tôi lúc ấy!

Vì tôi có cảm tưởng nếu tôi lưu lại một đêm hay một ngày gì nữa, thì thế nào tôi

cũng bị bắt lại hay bệnh năng và chết hận mà thôi.

Đúng 3 giờ 30 nghe có tiếng chân người đi càng lúc càng gần và đến trước cửa ngỏ

nhà gõ cửa. Tôi và cô chủ nhà đầy lo sợ và vẫn hy vọng khi cô nghe tiếng và nhận rõ

tiếng của ông hứa đưa tôi đi, lúc ấy cô mới mở cửa còn tôi vẫn nằm im dưới giường, khi

chỉ thấy có một mình ông, cô chủ nhà gài cửa cẩn thận lúc ấy tôi mới chui ra, ông và tôi

nhìn nhau cả hai đều nhận thấy có một sự lo và khổ to lớn. Ông cũng biết đêm nay tôi

khổ và khóc vì nằm dưới giường trốn. Ông lại càng thương xót và tội nghiệp cho tôi. Còn

tôi nhìn ông tôi đã linh cảm, thấy bao sự thảm khốc, khó khăn đã xảy ra trong gia đình tôi

vảo lúc trưa cho đến giờ rồi, vì mặt ông đầy hốc hác tái xanh, tuy trời chưa lạnh khuya

lạnh mà ông vẫn đổ mồ hôi ướt trán. Với cả một sự chán nản ông kể: “Nói thật với cháu,

chú đã hứa đưa cháu đi, đêm nay chú không lên là sợ cháu chết mà chú phải ráng lên đây,

chứ chú hết can đảm và thiếu tinh thần đưa cháu đi rồi,vì từ trưa đến giờ quang cảnh nhà

cháu ai cũng phải đau lòng! Vì Má cháu qúa đau khổ, cầm dao đâm họng chết, may sao

nhờ bao nhiều người chung quanh lanh lẹ liền cản bà, mới cứu bà sống được và cái thơ

cháu để lại 4 - 5 người đọc cũng không chịu nỗi khóc như gào thét lên và hiện giờ Ba

cháu đã bảo tài xé lái xe hơi đi Nha Trang kiếm rồi! và một chú của cháu nhắn lên, nếu

cháu quyết chí tu hành, khi vào chùa nên cắt tóc liền gởi về nhà lập tức, như thế mới

mong ở chùa được thôi, và phải cho biết chỗ ở của cháu ngay không được để lâu. Má

cháu sẽ nổi điên lên và sẽ tự tử. Hiện giờ cả nhà đều điên đảo khổ quá, Cháu còn tóc nhất

định khi tìm được cháu. Má cháu sẽ bắt về tức khắc, như vậy khó tu được với Má cháu

lắm đó”. Chính chú khi trưa tới giờ cũng hối hận nhiều là đã nhận lời đưa cháu đi. Sở dĩ

chú lên trễ là vì Má cháu níu chú nói vì chú biết chùa ngoài Bình Định (chỗ Sư Huynh

Huyền Học đi tu) nên nhờ chú đưa Ba cháu ra đó tìm dùm. Chú phải nói vợ chú vừa sanh

19

còn yếu lắm đang ở tại Ma Lâm, tối nay chú phải về thăm và ở lại vài ngày mới được. Má

cháu giận chú và nói chú đủ điều, chú không dám lên chuyến xe 3 giờ chiều như chú đã

hứa với cháu, mà cũng không đám đi chuyến xe lửa suốt vì sợ Má cháu biết được thì chết

chú, nên chú lo thuê xe ngựa trước vào lúc chiều. Đến khuya chú mới ra đi nhưng phải đi

đường Ma Lâm rồi quay về Mướng Mán nên mới trễ như vầy. Chú lên ngồi kể chuyện

một hơi rồi uống hớp nước, hối tôi đem đồ ra xe kẻo trễ. Nghe chú thuật lại mọi chuyện,

tôi đau khổ tâm can như đứt từng đoạn, lòng cũng muốn trở về nhà, nhưng suy nghĩ quay

trở về chắc chắn tôi lại càng khổ nhiều hơn, nên khi nghe chú bảo đi, lòng tôi đầy ưa tư

và cương quyết đi, vội vàng ôm gói đồ cảm ơn và chào cô chủ ra đi lòng xót thương Cha

mẹ và các em còn nhỏ.

Hành lý ra đi của tôi chỉ vỏn vẹn có hai bộ đồ vải trắng và cái áo tràng (ông chú ấy

đã đem lên, gởi tại nhà cô chủ đó) và một quyển kinh, chút ít thuốc cần dùng và 1 khăn

lông. Ra đi tôi chỉ có 6 đồng tất cả là: một chú đã bằng lòng cho tôi đi tu nên cho tôi một

đồng còn 5 đồng tôi bán chiếc ngọc thạch mà tôi đã tự sắm lấy.

Vì tôi nghĩ với số tiền ấy đi xe đến chùa cũng dư vào chùa không phải cần tiền gì

cả, nên đời tôi đi tu không có chuẩn bị một số tiền nào để sống trong cảnh tu hành. Và rất

lạ lùng thay! trong 2 lần đi xe của tôi, từ Phan Thiết đến Mường Mán buổi trưa và buổi

khuya từ Mường Mán đến Dĩ An, tôi đều gặp các anh chị bà con bên ngoại cô cậu ruột,

bạn dì ruột đi Sài Gòn về, tôi thấy người, mà người chẳng thấy tôi, nếu những người ấy

thấy tôi là nhất định la lên cho mọi người bắt tôi và luôn ông chú dắt dẫn tôi là người rất

quen cũng chết. Vì nếu gặp các anh chị ấy hoàn toàn không dễ dàng để tôi đi suôn sẻ

được đâu. Phải chăng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, và ngài Long Thần Hộ Pháp đã che mắt

họ lại?

Tôi không dám đi xe lửa đến Sài Gòn vì sợ ngoài nhà đánh dây thép cho anh và

chú bà con học tại Sài Gòn sẽ chặn đường bắt lại. Khi xe đến Dĩ An là tôi xuống, đi xe

hơi lên Sài Gòn với ông chú đã dẫn tôi đi xe đến bến Sài Gòn tôi cùng ông đi xe ngựa

(thổ mộ) thuê nguyên một chiếc để hai người đi cho nhanh. Từ Sài Gòn đến chùa Hải Ấn

8 cây số xe ngựa chạy lâu cả gần nửa giờ mới đến, lúc ngồi trên xe tôi lấy khăn trùm đầu

và mặt ngồi gục xuống, để dễ tránh người quen khi gặp .

Đến chùa ngày 13 tháng 7 âm lịch năm 1936 lúc quá trưa tôi quên không nhớ là

mấy giờ ( hình như gần 3 giờ chiều thì phải ).

Tôi vào chùa gặp ngay Thầy tôi ngồi tại bàn viết (Bureau) giữa nhà khách, tôi đến

và tự giới thiệu: ‘‘Bạch Thầy em là Cúc ở Phan Thiết đã có cô Quảng Hảo giới thiệu với

thầy cho em được xuất gia.’’

Thầy tôi vừa ngạc nhiên mà lộ vẻ vui, bảo tôi ôm đồ xuống nhà thiền nghỉ vì mới

đến chắc còn mệt. Ông chú ngồi ghế nói chuyện với Thầy tôi . Sau khi cất đồ xong , tôi

trở lên thưa với Thầy cho tôi mượn cây kéo để cắt tóc ngay, lúc ấy Thầy tôi vẫn biết hoàn

cảnh của tôi rất khó khăn, nhưng không sợ má tôi làm khó, nên bảo một cô lấy kéo cho

tôi mượn, vì Thầy tôi cảm thông sự quyết chí tầm Sư nhanh chóng học đạo của tôi. Tôi tự

cắt sát tóc tôi, rồi vội gói lại gọn gàng và viết luôn một bức thư đánh gấp một điện tín là

tôi đã đến chùa Sư Nữ, tóc và thư sẽ gởi về đồng thời xin Ba má tôi vào để gửi tôi được ở

lại chùa.

20

Ông chú đã thấy tôi cắt tóc xong, và mọi việc đã an lành, chú liền đi về, cùng một

lúc với cô trong chùa đem thư và tóc của tôi để gửi bưu điện về Phan Thiết, để sáng hôm

sau có mặt chú, Má tôi khỏi nghi, thật là chú rất mệt nhọc vì tôi!

Tôi vào chùa Hải Ấn đúng vào lúc Khánh Thành Chánh Điện Chùa vừa mới làm

hoàn mãn. Khánh Thành vào ngày 14 – 15 tháng 7 âm lịch ( tức rằm tháng 7 ). Trong

chùa lớn nhỏ cũng có hơn 20 cô và nhiều bổn đạo tới lui làm việc nhộn nhịp. Trông

quang cảnh thật vui thanh thoát cả tâm hồn tôi, nên tôi quên cả sự mệt mỏi trong hai ngày

mà tôi đã thiếu ăn mất ngủ, tôi ra vào làm việc với mọi người.

Sáng ngày 14 vào lúc 6 giờ Thầy tôi bảo lên chùa lễ Phật, xong cạo sạch đầu ngay

chiều hôm ấy. Tôi cảm thấy sung sướng quá! Cũng ngay chiều hôm ấy, có ông Còm Mi

Chấn lên thăm và đi lễ và hỏi Thầy tôi rằng: “Có một cô ở Phan Thiết mới vào xin xuất

gia việc ấy có không?” Thầy tôi trả lời: “Có và đã cạo đầu khi sáng”, Ông ta hoảng hốt

nói: “Sao cô gan vậy không sợ ở tù sao”

Thầy tôi cười trả lời: “Tôi độ cô ấy tu mà bị ở tù tôi cũng rất vui lòng, vì tôi thấy

cô ấy tu được lắm”. Lúc ấy tôi đứng sau vách ván nghe thầy tôi nói như thế, tôi cảm động

vô cùng và thầm khen thầy tôi nhận xét người rất mau.

Tuy đã đến chùa vui nhẹ phần nào mà Ba má tôi chưa đến, tôi cảm thấy mình như

tù giam lỏng để chờ kêu án, luôn luôn có một trạng thái lo sợ hồi hộp, khi nghe tiếng xe

nào ngừng, là tim tôi đập mạnh.

Đến 7 giờ tối rằm sau khi cúng lễ hoàn mãn đã xong, Thầy trò đã mệt nhừ lúc ấy

Ba má tôi đến. Trong quang cảnh yên tĩnh của chùa, bỗng trở nên náo động cả mọi người,

vì trong 3 ngày ai cũng biết tôi đang trông Ba má tôi vào để gởi gấm mà không biết ra sao

đây! Có thỏa thuận hay khó khăn? Ba má tôi vào cùng với người chị bà con bạn dì.

Thầy tôi dịu dàng tươi tỉnh ra chào hỏi Ba má tôi và mời ngồi. Thầy tôi ngồi ghế

giữa, Ba má tôi và chị tôi ngồi ghế hai bên.

Tôi đang nằm dưới nhà thiền, nghe tin Ba má tôi vào, mừng lo rộn lên, và run cả

người, đến nỗi tới bậc cửa bước lên nhà khách chỉ 2 tấc thôi mà tôi bước lên không được

phải vịn vào 2 cô, cố gắng lắm mới bước nổi, tôi lên thấy Thầy tôi ngồi giữa với nét mặt

tươi tỉnh và nghiêm trang.

Tôi thấy Ba má tôi thật là cả một hiện thân của sự đau khổ trong mấy ngày vì mất

con. Tôi bước lại chào Ba má tôi mới vô, Má tôi thấy tôi ốm và xanh, trong bộ đồ vải

trắng với cái đầu trọc, Má tôi rú khóc lên những tiếng não nùng khó tả, Ba tôi thời nước

mắt chảy dài quanh má. Đây là lần thứ hai tôi mới thấy Ba tôi khóc (vì thấy lần nhất Bà

Nội tôi chết), tứ bề yên lặng trang nghiêm của cảnh chùa, tiếng khóc của Má tôi nghe thật

não ruột thê thảm làm sao! Trong chùa thầy trò trên 20 người đều im lặng cả, chị tôi cũng

vậy.

Tôi không đứng vững nỗi trước cảnh đau lòng, phải lui ra gần cây cột để tựa thân

vào và nước mắt đã ướt cả mặt.

Má tôi khóc kể quá! Ba tôi cũng ngại ngùng nên vừa lau nước mắt vừa nói nho

nhỏ: “mình khóc nhỏ nhỏ chùa của người ta” Tôi nghe Ba tôi nói mà tôi cảm động làm

sao!

21

Cũng vừa lúc ấy đúng giờ Tịnh độ (thời khóa tụng kinh buổi tối) tiếng chuông

ngân lên, kế đến tiếng các Su cô tụng kinh, chuông mõ hòa nhau thâm trầm thiền vị. Má

tôi như dịu lòng lại được phần nào, nên dứt tiếng khóc lớn. Lúc ấy tôi mới bước lại gần

chắp tay thưa: “ Ba má tha tội cho con đã làm Ba má đau khổ buồn nhiều, nhưng đời con

chỉ muốn đi tu thôi, mà xin hoài Ba má không cho nên con mới trốn. Khi trốn đi mà

không cạo đầu ngay thì sợ Ba má bắt con về, nên con tự tiện cắt tóc để Ba má hiểu con ra

đi là chỉ quyết chí tu hành! “Nghe tôi nói, Má tôi khóc thêm hồi nữa, xong đứng dậy xin

thầy tôi đi rửa mặt để lên chùa lạy Phật và xuống thưa Thầy tôi để gởi tôi lại chùa, và nhờ

Thầy tôi chỉ sự tu hành, thật là không ngờ được sự dễ dàng của Ba má tôi như thế! Nên cả

thầy trò và các vị cư sĩ còn lại trong chùa đều thở một hơi dài nhẹ nhàng, nhất là Thầy tôi

và tôi.

Phải chăng Chư phật đã thầm hóa độ Ba má tôi, người đã nhận thấy chung quanh

tôi, thầy trò đều là nữ, lớn hơn tôi và nhỏ hơn tôi, hoặc bằng tôi, không riêng gì một mình

con mình đi tu, Má tôi cảm động và dịu lòng giận hờn, chỉ còn lại một niềm thương xó t

con ở trong cảnh tu hành khổ cực từ đây có chịu nổi không?

Chính người chị tôi đi theo cũng rất đổi ngạc nhiên mà nói nhỏ với tôi: “Thật lạ,

chị không ngờ Dì vô đây lại dễ dàng như thế, chớ Dì không nhận tóc, Dì đã chết giấc và

khi đọc thư của em, mặc dù nói chùa Nữ ở yên đó rồi, thì Dì bảo mua trái cây đem vô

cúng chùa,cương quyết nhất định bằng mọi cách xin dẫn em về, nếu em không đồng ý về

lại. Dì sẽ đốt chùa rồi ra sao thì ra”.

Tuy đã gởi con rồi, nhưng suốt đêm ấy Ba má tôi rất buồn, Má tôi khóc rấm rức

thâu đêm . Sáng nay xin Thầy tôi cho phép tôi được đi chợ để mua sắm những gì mà tôi

cần dùng, luôn cả thuốc Hi-di-ni thần hoàn Võ Văn Vân cho tôi uống để ngủ được.

Như thế, tôi rất mừng vì từ đây tôi đã yên phận tu hành. Khi từ giã để về Phan

Thiết, Má tôi đã khóc buồn nhiều quá! Và khi nghe hay nghĩ ai giúp tôi xuất gia thì Má

tôi giận vô cùng, trách mắng người quá, bất kể là bà con dòng họ! Và đã níu xé cả một

cái áo dài khi người bạn gái thân của tôi đến thăm.

Má tôi buồn và nhớ tôi nhiều nên sức khỏe đã giảm, từ 68 ký mà tụt dần còn 41 ký!

Và đã yêu cầu Thầy tôi về Phan Thiết lãnh chùa cho tôi ở, để tiện bề Má tôi tới lui thăm

viếng! Thầy tôi đã cảm thông cho Má tôi vì thương nhớ tôi nên về lãnh chùa và làm lễ

nhập tự chùa Bình Quang ngày mùng 8 tháng 4 năm 1937.

Lúc ấy tôi 19 tuổi…. nên tôi xuất gia không đầy năm đã về ở lại xứ Phan Thành

cho tròn hiếu đạo đời tôi tu.

Tuy nhiên, gần 2 năm sống cảnh tu hành, mặc dù sức khỏe kém, sống cách xa thầy

nhiều, không học hỏi được bao nhiêu, nhưng đạo Phật tôi đã hiểu được ít nhiều đời sống

của Đức Phật đã qua, giáo lý của Ngài và hành vi của tu sĩ Tăng ni, vì đạo Phật là con

đường sáng suốt. Tôn chỉ là Từ Bi và mục đích là Giải Thoát.

Đức Phật là bậc Giác ngộ hoàn toàn không ai sánh bằng. Tất nhiên giáo lý của

Ngài là toàn thiện, một đạo giáo đáng cho tất cả chúng ta cẩn phải nương về để làm một

người Phật tử, dù tại gia hay xuất gia nếu người chánh tín tu hành đều có sự tự lợi và lợi

tha. Đạo Phật là một đạo đem lại hạnh phúc giải thoát và an vui đến với con người, từ cá

nhân đến gia đình, Quốc gia đến Xã hội…v v…

22

Còn về hành động của những Sư Nam hay Sư Nữ tốt đẹp hay là xấu mà tôi và các

bạn từng nghe và thấy từ xưa và hiện bây giờ, không ngoài những hạng người ở đời họ đã

thiếu căn bản của con người tốt, để khi vào Đạo lại không biết cải tạo lại thành người tốt

nên thiếu căn bản “Đạo đức”. Tất nhiên là con người xấu đến nơi tốt cũng không ảnh

hưởng được một việc cao quý sáng suốt nào của đạo Phật cả. Đời sống của họ như bãi sa

mạc, dù có gieo giống xuống nhưng khi nứt mộng lên nhánh lá cũng xấu và cằn cỗi thôi!

Những người ấy mới thật là thợ chuyên tụng đám để sinh sống, chứ không phải Sư

nam hay Sư nữ hoặc Tăng ni chi cả, mà đạo Phật cũng vì hành vi của nhóm người này,

mà đối với những người tri thức nào đó không chịu tìm hiểu rõ đạo Phật là đạo thế nào!

lại vội lên án những người tu đạo Phật là ký sinh trùng giữa xã hội, lý thuyết của đạo Phật

là mơ hồ vô dụng cho đời, nào là đạo chán đời, yếm thế, tiêu cực, hay giáo lý Phật là món

thuốc độc làm tê liệt sinh lực của con người để ru người ngủ, thật là một sự hiểu biết sai

lầm, rất sai lầm.

Còn đối với những người mê tín, thì cứ tưởng đó là một đạo thường cầu nguyện để

được Đức Phật thí “phước” ban “tiền” cho người. Càng mê tín để cầu nguyện an lành

giàu sang mà trong khi làm biết bao tội ác. Cũng vì quá ư mê tín, mà đã lắm bà, lắm cô bị

những người gạt gẫm mang lớp Tăng, Ni giả dối ấy lợi dụng đến nổi phải ruộng mất nhà

tan, dối chồng gạt con cũng vì mê tín. Thật là cả một sự tai hại và đáng thương cho nhóm

người bị mê tín, cho nên xuất gia lần thứ hai là mục đích của tôi muốn tìm hiểu đạo Phật

để rõ chánh, tà và tìm một đời sống đầy ý nghĩa cao quý sáng suốt của một kiếp người

xứng đáng với con người.

Khi cảm thông và vô cùng kính quý tôn chỉ của đạo Phật là đạo từ bi và bình đẳng

với tất cả chúng sinh. Đức Phật là bậc hoàn toàn giác ngộ, người đến với đạo, ngài là bậc

xuất gia tu hành trọn vẹn, bậc chân tu, luôn thực hành chánh tín và cải tạo cho mình là

người có đức từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, thanh tịnh, hy sinh cứu cánh, là giải thoát theo

gương Đức Từ Phụ, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Khi được hiểu đạo phật, Đức Phật, Pháp Phật và đoàn thể tu hành chân chánh của

đạo Phật, tôi vô cùng hoan hỷ là thấy mình đã tìm được một lối sống không còn gì cao

quý và trọn lành bằng, tôi nguyện đời tôi một Thích tử xuất gia dù thời gian nào, hoàn

cảnh nào, tôi vẫn thấy đấng cao thượng tôi hằng tôn kính là Đức Phật.

Với lối sống cao cả của đời tôi là đạo phật.

Đời tôi quý trọng nhất là suốt đời hình thức cũng như tinh thần bất diệt của một

Thích tử trong hàng Thích tử Cung Kính Trung Thành, tận tụy phục vụ Chánh pháp để

khuyến khích hướng dẫn đưa mọi người hướng về đạo Phật để thoát bao sự khổ khi

người đời đã khổ đến sự rốt ráo bằng đạo Phật .

Mục đích xuất gia lần thứ 2 của tôi là thế. Đời tôi chỉ muốn tìm hiểu đạo Phật nên

hy sinh hoan hỷ đến với đạo Phật là một đạo vô cùng vô thích ứng với đời tôi, là Đức

Phật đem tình thương cao quý tuyệt đối ban cho tất cả muôn loài, chúng sinh.

KẾT LUẬN: Ở đời ái tình mạnh thật, vật chất mạnh nhất, tình yêu thương trìu

mến của cốt nhục tình thâm mạnh hơn hết, tài sắc danh lợi mạnh không gì sánh bằng,

nhưng so với chí hướng của con người mới mạnh hơn tất cả.

23

Vì thế nên bao nhiêu thứ mạnh mẽ trên kia, không có một mãnh lực nào lay chuyển

nổi lòng tôi được, khi tôi đã nghĩ đến 2 chữ “ĐI TU”.

Đoạn đầu tôi nói không chán đời, không tâm sự riêng, mà cũng chán thật, buồn

thật, là vì sự buồn chán của tôi một nơi mà gá cho tôi một nẻo, bởi phần đông cứ nghĩ cho

tôi là thất vọng vì tình yêu không được mà đi tu thôi. Sự thật tôi chưa yêu ai nên chưa

thất vọng vì ai mà những người yêu tôi thì thất vọng vì tôi, lúc tôi đi rồi họ ùa nhau lên

tiếng rằng: “ Cúc thất vọng vì tình mà đi tu” người này nói, người kia nói đồn đãi ra lắm

chuyện thật lớn, và cũng chỉ làm trò cười cho con người của tôi thôi.

Tôi nhận xét càng thấy rõ những người nam tử quá ư tầm thường dưới trí não, tai

mắt người nhi nữ không tầm thường của tôi vậy.

Và cũng lắm người phân vân, lo nghĩ, ngại ngùng, là tôi còn trẻ quá mà đi tu, e

rằng khó tu trọn đời, khi gặp cảnh gì rồi đâm chán trường , hoàn tục ( trở lại đời) chăng?

Tôi thành thật rất biết ơn những ai, đã có lòng cho tôi trên bước đường tu hành và

cũng thành thật kính tặng người bài thơ dưới đây :

Hạnh phúc của tôi chính cửa thiền

Vui cùng chánh pháp thú hơn tiên

Tâm không vương vấn đầy tình ái

Trí chẳng ràng buộc mối nợ duyên

Vật chất nữ lưu càng tiến tới

Tinh thần Thích Nữ lại thêm lên

Bao nhiêu mong ước đều đầy đủ

Hạnh phúc đời tôi thấy nhãn tiền.

Câu văn tuy non nớt với lý tưởng chân thành của tôi, đó là một khoảng đời của tuổi

trẻ trung, chẳng kịp suy cùng nên vội viết ra, để lưu lại kỷ niệm với dòng thời gian “VÌ

SAO TÔI ĐI TU”.

Câu chuyện “ Tôi đi tu” đến đây là hết.

Tại Bình Quang Ni Tự Phan Thiết

Thích Nữ Huyền Tông

Mùa Đông Năm 1938

24