SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

27

Transcript of SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Page 1: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling
Page 2: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊBài giảng của Tôn sư Tenzin Khenrab Rinpoche

Ngày 20, 21, 22 tháng 1 năm 2015 tại TP. Hồ Chí Minh

Page 3: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

1

Hôm nay tôi sẽ dạy về Sáu pháp tu chuẩn bị, phần này không khó, nhưng có những điểm quan trọng chúng ta cần phải hiểu.

1. Dọn dẹp phòng ốc và tôn trí các biểu tượng thân, khẩu, ý của chư Phật gồm hai phần:

Dọn dẹp phòng ốc: việc này có liên quan đến phong tục tập quán của Ấn Độ. Ngày xưa người Ấn muốn thỉnh mời Quốc vương đến nơi nào thì phải dọn dẹp, trang hoàng nơi đó cho thật đẹp, vì lý do đó chúng ta phải dọn dẹp phòng ốc trước khi thỉnh mời chư Phật, chư Bổn Tôn và chư vị Hộ Pháp giáng lâm chỗ thờ cúng. Khi dọn dẹp xong, chúng ta dâng cúng bảy chi phần trong Bảy Hạnh Nguyện Phổ Hiền để thỉnh mời các Ngài đến. Khi quét dọn bụi bặm trong phòng thờ, chúng ta vừa tụng niệm vừa quán tưởng: bụi bặm này không phải là bụi bặm bên ngoài mà chính là nhiễm ô, những tâm niệm tiêu cực trong dòng tâm thức của ta, những tội lỗi ta đã tạo, nên phải quét dọn đi. Khi quét dọn bàn thờ hãy tụng: “xin tẩy bụi bặm, xin tẩy nhiễm ô”, chỉ nói nhỏ, không cần nói lớn cho người xung quanh nghe.

Tôn trí các biểu tượng thân khẩu ý của chư Phật:

Thân: là tôn tượng, thangka, hình ảnh Đức Phật biểu tượng cho Phật thân.

Pháp: là kinh luận, những lời dạy của Đức Phật. Để tôn trí Pháp Bảo ta phải có quyển kinh hay quyển luận nào đó.

Ý: là tháp hoặc kim cang chùy, linh là những biểu tượng cho ý Phật.

Khi nhìn tôn tượng Đức Phật,chúng ta phải quán tưởng đó là Đức Phật thật sự, tuy ta không có nghiệp tịnh để thấy được Đức Phật thật, nhưng tôn tượng Đức Phật chính là đại diện cho Đức Phật, nên phải tin tưởng và tôn kính như là Phật thật. Cho nên khi ngủ dậy chúng ta phải dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, phải đến phòng thờ chiêm ngưỡng các tôn tượng trước vì ta sẽ nhìn các tôn tượng đó như là nhìn Đức Phật thật. Sáng sớm mới thức dậy phải đến

Page 4: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

2

chiêm ngưỡng ngay, chứ đừng nghĩ rằng, đó chỉ là bàn thờ thôi mà không nhìn là không tốt, chúng ta phải xem như Phật thật đang ở trong nhà mình nên mới sáng thức dậy liền đến chắp tay chiêm ngưỡng tôn tượng của Ngài, viếng thăm Ngài trước tiên trong ngày.

Tôi không thích tiếp xúc với nhiều người, chỉ thích ở một mình, khi ở một mình tôi cảm thấy rất an lạc, xung quanh tôi là các tôn tượng của chư Phật, lúc nào tôi cũng nhìn các Ngài, khi nhìn các Ngài tự nhiên tôi sẽ nhớ đến công đức của các Ngài, trong lòng cảm thấy rất an bình, hạnh phúc. Những người bạn thật sự của chúng ta chính là chư Phật, chư Bồ Tát vì những người bạn này không bao giờ dối gạt ta bất cứ điều gì, đó là những người bạn trung thành nhất. Bạn bè thế gian thường rất hời hợt, lúc chúng ta không gặp khó khăn, đang thành đạt thì có rất nhiều bạn bè, nhưng khi gặp khó khăn thì bạn bè biến dần, còn lại rất ít. Bạn bè thế gian chỉ là bạn tức thời, còn chư Phật thì không phải như vậy, dù hoàn cảnh như thế nào, ta có khó khăn hay thịnh vượng tới đâu thì lúc nào các Ngài cũng là những người ở bên cạnh, bất cứ lúc nào, không bao giờ thay đổi, là đối tượng thân gần không bao giờ lừa dối ta, nên lúc nào tôi cũng thích ở một mình và chiêm ngưỡng tôn tượng của Đức Phật, lòng cảm thấy rất an bình, đây chính là những người bạn thật sự trợ giúp ta.

Lời dạy của Đức Phật: tuy không đủ phước duyên và cơ hội để được nghe trực tiếp Pháp âm của Ngài giảng dạy, bây giờ chỉ tiếp xúc được với kinh điển, với lời dạy của Đức Phật, từ những lời dạy đó chúng ta học hỏi và cảm nhận được trong nội dung kinh điển đó có chuyển tải ý nghĩa rất thâm sâu, nếu thấy ý nghĩa đó thật sự hữu ích thì hãy đem ra thực hành và ta sẽ thấy có lợi lạc rất lớn. Vì lý do đó chúng ta phải tôn trọng kinh điển, vì những lời dạy đó có thể giúp ta thay đổi, sống theo lời dạy của Ngài. Nếu ai không tôn trọng kinh điển, vứt linh tinh thì nội dung trong đó làm sao đem vào thực hành, vì vậy phải tôn trọng lời dạy của Đức Phật vì trong đó chứa đựng những tinh hoa giúp ta có một cuộc sống hoàn thiện và lợi ích thật sự. Chúng ta rất nhiệt tình thực hành pháp, nhưng cũng có rất nhiều sơ sót nhỏ nhặt. Chúng ta có tâm tốt lành, nhiệt tình với pháp tu của mình, nhưng hãy cẩn thận, vì những sơ suất đó cũng làm tiêu mòn công đức, nên hãy cẩn thận từng li từng tí một. Chúng ta vẫn than phiền mình ngu si, không có trí

Page 5: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

3

tuệ, trí nhớ không tốt mà không biết sơ suất nào dẫn tới kết quả là trí nhớ kém, không có trí tuệ. Đó chính là vì chúng ta không tôn trọng kinh điển, vứt linh tinh, không đặt ở nơi cao, chính những sơ suất đó dẫn đến không có trí tuệ. Cho nên không nên sơ suất từ những việc nhỏ nhặt, phải tôn kính kinh điển, vì tôn kính nội dung trong kinh điển mới thấy quan trọng, từ thấy quan trọng mới đem áp dụng thực hành thì mới có trí tuệ. Cả những điều ghi chép lại cũng vậy, chúng ta cứ nghĩ cái này do mình ghi chép nên không tôn trọng, vứt linh tinh, nhưng thật ra không phải như vậy, vấn đề ở chỗ là nội dung ghi chép quan trọng nên ta phải tôn trọng như lời dạy của Đức Phật. Lời dạy của Đức Phật là âm thanh, nhưng âm thanh đó được chuyển thành chữ viết, nên chữ viết cũng là biểu tượng của lời dạy của Ngài. Bước đầu tiên cho những người mới thực hành như chúng ta bắt đầu từ đâu, chính là từ những lời dạy của Đức Phật.

Biểu tượng của ý Phật: ý là toàn tri, nhất thiết chủng trí của Đức Phật, nên ta phải tôn thờ bằng tháp hoặc kim cương chuỳ hoặc linh (chuông). Kim cương chuỳ hoặc linh biểu trưng cho ý của Phật vì chuỳ kim cương biểu tượng cho phương tiện, tâm bồ đề, còn linh biểu tượng cho trí tuệ, nên phải tôn kính. Các vị hành Mật thừa thường quán tưởng kim cương chuỳ và linh bất phân, cùng một bản thể.

2. Sửa soạn đồ cúng dường một cách thanh nhã, không lộn xộn:

Tiếng Tạng là bất động nghĩa là thuần khiết, không bị dao động bởi những động cơ bất chính. Động cơ không thuần tịnh được chia làm hai:

• Nhân không thuần tịnh: do trộm cắp hay làm điều bất chính để có phẩm vật cúng dường.

• Động cơ khởi ý sai lạc, rơi vào tám pháp thế gian: được mất, khen chê,….

Nếu tâm ta rơi vào tám pháp thế gian hay phẩm vật cúng dường do trộm cắp mà có thì không nên. Cho nên những đồ cúng dường không được lộn xộn nghĩa là không nhiễm ô.

Page 6: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

4

Bày biện phẩm vật cúng dường đẹp mắt, vì chúng ta cúng dường không phải cho bản thân mình, mà cúng dường lên đối tượng tối thượng là Tam Bảo nên phải bày biện rất đẹp đẽ, tôn nghiêm để dâng lên.

Cúng dường nước: 7 chén nước biểu trưng cho 7 phẩm vật cúng dường mà ngày xưa theo truyền thống khi các vị vua Ấn Độ đến thì phải cúng như vậy: nước rửa chân, nước uống, hoa, hương, đèn (ánh sáng), thức ăn, nhạc. Phải chuẩn bị chén sạch, không để chén trống không đặt thẳng lên bàn thờ mà lau chén cho sạch, rót một chút nước rồi mới đặt lên bàn thờ. Khoảng cách giữa các chén không cách xa lắm, chỉ cách nhau bằng một hạt lúa mạch, cũng không để sát nhau quá. Nếu để chén xa quá thì sẽ bị xa bậc thầy, gần quá thì bị ngu si. Khi rót nước cũng vậy, rót nước thành hình lúa mạch, hạt lúa mạch chính giữa lớn, hai đầu nhỏ nên ta rót từ từ, lúc đầu rót cho chảy nhỏ, sau đó rót nhiều, sau đó rót nhỏ lại rồi ngưng. Nghĩa là rót nước rất cẩn trọng và tôn kính. Nước không nên quá tràn chén cũng không nên quá ít, nước nên cách mép chén bằng khoảng 1 hạt lúa mạch.

Lần nhập thất trước, các vị rót nước quá chậm, không gây tiếng ồn nhưng như vậy thì mất quá nhiều thời gian, không cần thiết phải như vậy. Phải làm sao cho nhanh gọn nhưng đúng theo quy tắc cúng nước. Nếu cúng như vậy với chén nước lớn thì việc cúng nước sẽ mất rất nhiều thời gian. Nếu rót chén nước mà mất 5 phút thì người đứng sau phụ có thể ngủ gật mất (thầy cười). Với chén lớn ta có thể rót nước nhanh hơn, không nên chậm quá. Khi rót nước, đứng tư thế trang nghiêm, dâng bằng cả hai tay, hai chân xếp gọn, thẳng, không đứng dạng chân hay chân thẳng chân cong. Đứng cong chân là thể hiện không tôn kính đối tượng mình dâng cúng. Rót đầy nước xong dùng hoa hoặc lá nhúng vào bình nước trên tay rồi rảy vào các chén nước ba lượt, miệng tụng OM AH HUM.

Cúng dường đèn: rất quan trọng, vì đèn có tác dụng trừ bóng tối vô minh, nên cúng dường đèn có tác dụng tiêu trừ u minh ám chướng trong dòng tâm thức. Cúng đèn bơ hay đèn điện cũng được. Ngay khi bật đèn trong nhà cũng nên nghĩ là đem ánh sáng này dâng cúng dường.

Page 7: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

5

Chiều khoảng 4, 5 giờ phải đổ nước đi, vì ngày nào cũng phải cúng nước mới nên phải thay nước mỗi ngày. Khi đổ nước, không lau khô chén ngay mà úp thành một dãy để nửa tiếng sau mới lau chén rồi úp lại. Nếu 4, 5 giờ bận không thể đổ nước đi thì có thể để đến tối.

Khi cúng dường đến đối tượng trước mặt mình thì cúng từ trái sang phải, nếu cúng cho chính bản thân mình thì cúng từ phải sang trái. Vì đối tượng quan trọng nhất phải cúng đầu tiên nên phải bắt đầu từ bên trái, nhưng khi lấy thì không nên lấy từ người quan trọng nhất mà phải lấy ngược trở lại, (thầy đùa: như vậy người cuối cùng bị lỗ vì đã được mời cuối cùng lại còn bị thu dọn trước). Như vậy khi cúng nước ta xếp chén từ trái sang phải, còn khi đổ nước thì đổ từ phải sang trái. Đổ nước xong chén úp ở chỗ nào cũng được, có thể úp ngay trên bàn thờ. Nếu đi qua đêm, thì sáng về đổ nước cũng được. Khi hành trì không nên quá nghiêm ngặt vào một quy củ nào đó, ta có thể thoáng đạt trong các pháp hành. Theo quan điểm của các vị lama khác, đi qua đêm thì không nên cúng vì phải đổ nước đi trước khi mặt trời lặn nhưng theo tôi thì cúng vẫn tốt hơn là không cúng.

Nếu muốn uống nước đã cúng cũng được, nhưng phải cẩn thận, vì nếu cúng bằng chén bạc hay đồng thì sẽ bị ra teng, không tốt cho sức khoẻ, nếu cúng nước bằng chén sứ hay thuỷ tinh thì có thể uống. Ta uống nước cúng vì nghĩ sẽ nhận được gia trì nhưng nếu uống từ chén đồng hay bạc, nhiều khi không nhận được gia trì mà lại bị tiêu chảy. Đau bụng rồi cũng không thể phàn nàn với Đức Phật được đâu. Nước cúng chỉ cần nước thật sạch là được.

Theo truyền thống Tây Tạng, khi cúng nước, bỏ một chút saffron (hồng hoa/nghệ tây) vào từng chén.

Cúng dường là cúng tấm lòng của mình là chính, phẩm vật không quan trọng, tuỳ thuộc vào lòng thành kính của mình. Ngày xưa ở Tây Tạng có câu chuyện về một vị lama khi còn là tu sĩ bần hàn Ngài không có gì để cúng, chỉ có một cái tô để ăn, khi ăn xong Ngài rửa sạch rồi lấy tô đó làm chén dâng cúng nước, khi nào tới giờ ăn Ngài lại xin lấy xuống để dùng, dùng xong lại rửa sạch dâng cúng trở lại. Chủ yếu là ta phải giữ cho đồ cúng dường sạch sẽ.

Page 8: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

6

3. Ngồi trên tọa cụ êm ái trong tư thế 7 điểm của Đức Phật Tì lô giá na, quy y và phát tâm bồ đề.

Điểm quan trọng là khi muốn ngồi thiền, phải chuẩn bị một tọa cụ êm, phía trước hơi thấp, sau hơi cao hơn trước một chút. Cách ngồi của thiền định vốn là như vậy, phía sau cao hơn một chút thì lưng sẽ thẳng, thế ngồi rất thoải mái, nếu ngồi không thoải mái lưng sẽ bị cong, không ngồi được lâu.

Bảy tư thế là: 2 chân, 2 tay, lưng thẳng, đầu, răng và lưỡi, mắt, 2 vai.

Hai chân bắt kiết già hoặc bán già, tay phải trên, tay trái dưới, 2 đầu ngón cái chụm lại ngang rốn, lưng thẳng. Răng để tự nhiên, lưỡi đặt ở chân răng hàm trên. Để cong quá, lưỡi sẽ không thoải mái, nên chỉ đặt đầu lưỡi chạm vào chân răng hàm trên, đặt như vậy miệng không bị khô, khát nước, hơi nóng trong người không phát ra. Mắt nhìn xuống chóp mũi (nhìn xuống đất, không phải nhìn thẳng vào chóp mũi), mắt nhắm hay mở tùy theo thói quen của mỗi người, có người nhắm mắt dễ thiền hơn, có người mở mắt dễ thiền hơn. Đầu hơi cúi, đè lên yết hầu một chút.

Hai vai thẳng hàng, không nghiêng sang một bên. Tay không kẹp sát người, cho gió thoáng, vì trong cơ thể ta, chỗ phát ra hơi nóng nhiều nhất chính là dưới nách, nếu kẹp tay lại, quá nóng sẽ rơi vào buồn ngủ.

Tám tư thế ngồi: là thế của Đức Đại Nhật Như Lai, thêm hơi thở thành 8.

Sau đó ta tụng Quy y và phát tâm Bồ đề.

Hãy áp dụng pháp hành này trong suốt cả ngày. Hãy tập thức dậy sớm, mới thức dậy phải nghĩ liền đến Pháp. Ngày xưa tôi còn nhỏ không hiểu gì cả, nhưng mỗi lần thầy tôi đánh thức tôi dậy đều nói: thức dậy, thức dậy, hãy thức dậy từ nơi pháp giới. Tôi không hiểu như vậy nghĩa là gì, vì tôi đâu có phải đang thiền về tính không đâu, không hiểu gì, nhưng thầy vẫn đánh thức tôi dậy bằng câu nói đó.

Page 9: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

7

Khi đi ngủ cũng như vậy, hãy suy tư về tính không, rồi từ nơi tính không đó ta đi vào trong giấc ngủ, và khi thức dậy giống như từ tính không mà thức dậy, giống như từ thiền định mà thức dậy vậy. Hồi đó tôi mới năm tuổi, không hiểu gì cả, nhưng bây giờ vẫn nhớ rất rõ cách thầy đánh thức tôi dậy. Hồi nhỏ không có ý thức nhiều nhưng thầy dạy rất nhiều lần nên nhập tâm, nhớ rất lâu.

Nếu suy nghĩ đang thiền quán về tính không rồi xuất định ra khỏi tính không mà thức dậy thì rất tốt, nhưng có một pháp hành đơn giản dễ hơn là khi mới thức dậy hãy khởi một tâm ý, động cơ trong dòng tâm thức: ngày hôm nay mình sẽ làm nhiều điều thiện, trong khả năng mình sẽ cố gắng làm càng nhiều càng tốt, mình sẽ không làm bất cứ điều ác nào, nên mình sẽ giảm dần, giảm dần những điều ác, ta phải hoạch định cho mình cả một ngày. Mới sáng thức dậy chúng ta nghĩ ngày hôm nay mình sẽ sống tốt, sẽ là một con người lương thiện, nhưng cả ngày xong, tối phải kiểm soát lại, xem trong ngày đó ta làm được bao nhiêu điều tốt, bao nhiêu điều xấu, có hợp với những điều hứa buổi sáng hay không, nếu không đúng thì phải sinh lòng hối tiếc và sám hối, cứ như vậy, tâm ta sẽ chuyển dần dần về con đường tốt, thiện lành.

Trong ngày thỉnh thoảng tâm ta nghĩ điều xấu, miệng nói điều ác, thân làm việc bất thiện, nếu nhận ra phải sám hối ngay. Khi phạm tội phải sám hối ngay lập tức, đừng hẹn thôi nghỉ đi ngày mai rồi sám hối, không được như vậy vì chúng ta phải học theo hạnh của Ngài Ati-sha, Ngài nói: khi ta đã phạm tội thì giống như có rắn độc rơi vào lòng mình, không thể để yên như vậy, phải hất ra liền tại chỗ. Cũng như vậy, khi chúng ta phạm tội, phải sám hối liền tức khắc, không chần chờ để qua ngày, nên bất kỳ tội ác nào vừa phạm, phải sinh lòng hối hận, sám hối, nguyện là không bao giờ tái phạm nữa. Hai hành động này rất hữu ích, giúp ta sẽ không tái phạm. Khi Ngài Atisha từ Ấn độ sang Tây Tạng, đường đi rất xa nên rất vội, nhưng khi nhận ra tâm mình khởi lên ý bất thiện, Ngài lập tức ngưng hành trình để sám hối liền, nên nếu chúng ta phạm tội phải sám hối ngay lập tức, đừng để quá lâu.

Page 10: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

8

Ban ngày làm như vậy, tối trước khi ngủ phải rà soát hết xem trong ngày đã làm những gì, nếu lỡ phạm lỗi thì phải sám hối ngay lập tức, nếu làm điều thiện thì tùy hỷ. Cả một ngày ta phải sống với pháp hành như vậy.

Câu hỏi: Đến một lúc nào đó, việc làm việc thiện lành sẽ trở thành tự nhiên, đến mức mình sẽ không còn để ý đến nó nữa và cũng sẽ không để ý đến việc hồi hướng luôn, nhưng như vậy thì mình sẽ bị mất công đức, con thấy rất bối rối về vấn đề này, xin thầy giải thích thêm.

Trả lời: Nếu hồi hướng thì chúng ta sẽ có nhiều thiện căn, quả lành lớn hơn. Quả lành lớn này không phải vì hạnh phúc cho chính bản thân mình, mà vì lợi ích cho số đông, vì lý do đó, hồi hướng sẽ giúp ta một năng lực để lần sau ta lại tiếp tục làm điều thiện, nên không có gì trái với việc làm thiện cho người khác một cách tự nhiên, không bám chấp. Hôm qua tôi đã dạy về việc hồi hướng: nguyện cho tất cả chúng sinh đều sớm thành quả vị Phật, nên việc ta làm thiện cũng là điều tự nhiên, cũng không rơi vào mâu thuẫn với việc bám chấp vào làm điều thiện. Trong Nhập trung luận của Ngài Nguyệt Xứng có dạy rằng sân hận sẽ làm thiêu chột hết thiện căn, nếu chúng ta không hồi hướng thì sẽ bị sân hận đốt mất công đức. Nếu làm bất kỳ điều thiện nào thì sẽ có quả tốt rồi, nhưng khi nào quả chưa chín thì nhân vẫn còn đó, vậy vì sao phải hồi hướng, vì ví dụ như ngày mai quả sẽ chín, nhưng giữa chừng chưa đến ngày mai mà sân hận nổi lên thì sẽ làm quả không trổ, thiêu đốt thiện căn không có nghĩa là huỷ hoại hoàn toàn các thiện căn, mà có nghĩa là bị gián đoạn, thay vì ngày mai quả lành đó trổ thì phải trải qua một thời gian lâu xa hơn nữa quả lành đó mới trổ. Nên khi ta làm việc tốt rồi hồi hướng ngay thì sau đó có lỡ chửi lộn đánh lộn cũng không bị tiêu hết việc thiện ta làm. Nên có định đánh nhau thì hãy ngừng lại hồi hướng trước rồi có gì đánh sau, cứ bảo bên kia, chờ chút đi, đợi tôi hồi hướng xong rồi tính (thầy cười.)

Nên mỗi khi làm được việc gì tốt thì nên hồi hướng ngay, thầy của tôi khi đi nghe pháp thoại của Đức Đạt Lai Lạt Ma xong về tới tu viện gặp mấy đệ tử nghịch ngợm làm Ngài nổi bực, xong Ngài quay sang tôi bảo, thôi ngày hôm nay tiêu tan hết rồi, cả ngày làm công đức giờ bị thiêu đốt hết rồi, vì thỉnh thoảng Ngài cũng quên hồi hướng nên mới bị như vậy.

Page 11: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

9

QUY Y VÀ PHÁT TÂM BỒ ĐỀ

Trong sáu pháp tu chuẩn bị, quan trọng là phải quán tưởng đối tượng quy y, Phật, Pháp, Tăng hiện diện trước mặt chúng ta, sau đó quán đối tượng quy y hoà tan vào giữa ngực ta, quán tất cả các Ngài tan thành ánh sáng rồi hoà tan vào giữa ngực ta, hoà tan xong lại quán tưởng ruộng phước (trong ruộng phước có chư Phật, chư Bổn tôn, chư Bồ Tát, các bậc thầy,… hiện diện trong đàn tràng đó). Như vậy quán tưởng ra, quán hoà nhập, rồi lại quán ra trở lại. Trước khi quy y phải khẩn thỉnh đối tượng quy y, quán giữa hư không trước mặt, quán chư Phật, chư Bồ Tát hiện diện chứng minh, thỉnh các Ngài quang lâm. Chính giữa là Đức Bổn Sư, Đức Phật Thích ca Mâu ni, xung quanh quán chư Bồ Tát hay mười bảy vị Hiền triết Nalanda, rồi quy y. Khi quy y phải có ý tưởng như thế này, vì sợ phải rơi vào ba ác đạo, sợ rơi vào sinh tử luân hồi nên tâm ta không muốn bị trôi lăn trong luân hồi và ba nẻo ác đó nữa, nên hôm nay ta tìm nơi nương tựa cứu vớt mình ra khỏi nẻo ác và luân hồi. Chúng ta phát niềm tin là chỉ có chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh hiền hiện diện trước mặt có khả năng cứu vớt ta ra khỏi khổ đau đó, nên cầu cứu các Ngài trợ giúp. Khi hiểu như vậy để tư duy và xác quyết rằng các Ngài có khả năng thật sự, có niềm tịnh tín phát khởi trong lòng, thì lúc đó ta tụng câu Tam quy.

Hơn thế nữa chúng ta là những người quy y theo Đại thừa, tức là không những ta muốn thoát khỏi khổ đau trong ba ác đạo cho chính bản thân mà còn khao khát muốn giải thoát khổ đau cho tất cả các chúng sinh khác, vì không thể kham nhẫn nhìn các chúng sinh khác đang bị đau khổ, nên ta phải phát triển khả năng vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, cứu độ chúng sinh, nên ngày hôm nay ta quy y Tam Bảo và cầu cho tất cả chúng sinh khác cũng được y như ta, là có khả năng cứu độ tất cả các chúng sinh khác hay là tất cả các chúng sinh khác cũng quy y giống như chúng ta, vì quy y Đại thừa là vì lợi ích của chúng sinh khác mà quy y, chứ không phải vì bản thân mình là chính.

Chúng ta thường nói rằng nếu sinh trong sinh tử luân hồi và chỉ mong giải thoát cho chính mình ra khỏi sinh tử luân hồi thì rất bình thường, không có gì vĩ đại cả, nhưng vì lợi ích cho tất cả chúng sinh và đưa tất cả các chúng

Page 12: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

10

sinh thoát khỏi sinh tử luân hồi thì ta phải nên thực hiện. Vì lợi ích cho tất cả chúng sinh mà mình chịu trong sinh tử luân hồi thì rất xứng đáng, không có gì sai quấy cả, do vì lợi ích cho tất cả chúng sinh nên ta có ra sao thì ra, không quan tâm tới, cho nên chúng ta không thể kham nhẫn các chúng sinh trong sinh tử luân hồi chỉ cầu giải thoát cho chính bản thân mình. Với một vị hành giả Đại thừa thì việc quan tâm đến lợi ích cho tất cả chúng sinh khác là một điều rất chính đáng. Ví dụ như bình thường chúng ta hay niệm Phật cầu xin Tịnh độ, ta hành trì bất cứ pháp môn nào để nguyện đạt được cõi Tịnh độ cho chính bản thân ta, thì điều đó rất bình thường, cho nên cầu sinh Tịnh độ vì tất cả chúng sinh hay là cầu cho tất cả chúng sinh sinh Tịnh độ là một điều đáng nên làm. Chúng ta biết rằng chư Bồ Tát đã vì lợi ích cho tất cả chúng sinh nên nguyện ở lại trong sinh tử luân hồi để độ cho chúng sinh, như Ngài Chekawa. Khi Ngài Chekawa sắp nhập Niết Bàn thì thấy cảnh Tịnh độ hiện ra trước mắt, Ngài nói rằng, tôi chỉ nguyện vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, nên nguyện sinh lại cõi luân hồi này trở lại, nhưng bây giờ nguyện ước của tôi không thành, vì cảnh Tịnh độ đã hiện ra trước mắt nên tôi phải sinh vào cõi Tịnh độ, nên lòng không thấy hoan hỉ chút nào. Khi chúng ta quy y, ta quy y và phát tâm theo tư tưởng của Đại thừa. Đối với chư Phật, chư Bồ Tát, chúng ta quy y, cầu nương tựa vì lợi ích cho tất cả chúng sinh nên phát tâm bồ đề, rồi ta hành sáu ba la mật như trong câu quy y phát tâm:

Con xin quy y Phật Pháp Chúng Trung tôn, Cho đến ngày chứng đắc viên mãn bồ đềVới những tư lương có được nhờ bố thí và các hạnh ba la mật khácCon nguyện thành Phật để lợi lạc chúng sinh.

Khi hành sáu ba la mật này, để giải thoát khổ đau cho tất cả chúng sinh, nếu muốn có khả năng giải thoát cho tất cả chúng sinh thì tự bản thân chúng ta phải có khả năng tự giải thoát trước đã. Nếu như chúng ta không giải thoát, không đạt được quả vị Phật thì ta không có khả năng cứu độ chúng sinh. Ai có khả năng làm việc lợi tha? Chỉ có Đức Phật mới có đủ khả năng làm lợi ích cho tất cả chúng sinh một cách tuyệt đối, vì lý do đó nên con nguyện thành Phật, nguyện thành Phật để làm gì, để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh, với ý nguyện như vậy nên ta phát tâm quy y.

Page 13: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

11

Khi quán thỉnh đối tượng quy y xong, quy y phát tâm xong, thì quán đối tượng quy y tan thành ánh sáng vàng, rồi ánh sáng màu vàng đó đi thẳng vào giữa ngực, hòa vào ngực ta.

Khi quán đối tượng quy y, có rất nhiều chư Phật, chư Bồ Tát, và các vị Thánh Tăng hộ Pháp, rất nhiều đối tượng khác nhau, nhưng sẽ quán từ ngoài vào, các vị hòa tan dần từ ngoài vào trong, cuối cùng hoà tan vào Đức Bổn Sư, Đức Bổn Sư tan thành ánh sáng màu vàng, rồi ánh sáng màu vàng đó mới đi vào giữa ngực ta.

4. Quán tưởng ruộng phước:

Quán tóm tắt, muốn quán đầy đủ thì nên xem trong Lam Rim, Bồ đề Đạo thứ đệ đại luận, trong đó hướng dẫn quán rất rõ từng vị, trước mặt, sau lưng, bên phải, trái, tên của từng vị ở vị trí nào, nhưng chúng ta không có thời gian nên chỉ quán tóm gọn thôi. Nếu nhìn vào hình ảnh ruộng phước, trong ruộng phước như thế nào, theo thứ tự nào, thân như thế nào đều có vẽ nên dễ quán tưởng hơn. Trước khi quán tưởng ruộng phước hãy thanh tịnh ngoại cảnh, gia trì mặt đất, nguyện mặt đất mọi nơi trong cõi giới này được thanh tịnh, không sỏi đá gập ghềnh, như ngọc lưu ly sáng trong, như lòng bàn tay phẳng mịn. Quán tưởng mặt đất bằng phẳng như vậy rồi tới gia trì đồ cúng dường, ta quán tưởng rất nhiều đồ phẩm vật cúng dường xong thì tiếp đến đọc câu chú Om Namo Bhagavate… Khi đọc câu chú đó thì sẽ tăng trưởng gấp nhiều lần và thanh tịnh hoá các phẩm vật ta cúng dường.

Thỉnh các vị bổn tôn:

Trong ruộng phước chính yếu là Lama Lobsang Thubwang Dorje Chang. Trong đó gồm bốn vị: Lama là bổn sư, vị thầy chính của chính chúng ta, Lobsang là Lobsang Dragpa, là Ngài Tsongkhapa, Thubwang là Đức Bổn sư Thích ca Mâu ni, Dorje Chang là Đức Kim Cang Trì. Trong các Ngài chỉ có một Ngài với hình tướng bên ngoài là Ngài Tsongkhapa, nhưng trong đó có đầy đủ bốn vị khác nhau, cùng một bản thể, nhưng ta có thể quán tưởng là bổn sư ta hiện rõ ra hoặc là quán hình tướng của Ngài Lobsang Dragpa

Page 14: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

12

(Tsongkhapa). Từ nơi đó ta quán tưởng hai dòng truyền thừa: Quảng đại và tri kiến sâu xa.

Dòng truyền thừa quảng đại: từ Đức Phật truyền xuống cho Ngài Di Lặc rồi Ngài Di Lặc truyền cho Ngài Vô Trước,… cho tới các bậc thầy sau này.

Dòng truyền thừa tri kiến sâu xa: từ Đức Phật truyền xuống cho Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi, rồi truyền xuống cho Ngài Long Thọ,…

Trước mặt Ngài Tsongkhapa hoặc bậc thầy của chúng ta là các vị thầy trong hiện đời ta đã học Pháp, các Ngài kia thì ở bên trên, còn trước mặt ta là các bậc thầy trong hiện đời.

Đối với tôi thì rất phức tạp, rất khó, vì trong dòng truyền thừa có rất nhiều vị, từ Phật đến chư Bồ Tát, cho đến các bậc thầy tới bây giờ, vì chúng ta phải quán các vị đầy đủ, mỗi vị ngồi ở vị trí nào, với hình sắc như thế nào nên rất khó quán. Lần đầu tiên rất khó quán đầy đủ các Ngài, nên lúc đầu quán được bao nhiêu là tùy theo khả năng của mình, chủ yếu là vị chính, và xung quanh có một số vị tiêu biểu, rồi từ từ quen dần thì sẽ quán rộng hơn, rõ hơn, từng vị từng vị trong ruộng phước.

Việc quán ruộng phước rất quan trọng, vì sao gọi là ruộng phước, ruộng là mảnh ruộng nơi ta gieo trồng để thu hoạch vụ mùa theo ý muốn, tiếng Tạng Tsok là phước, tích luỹ tư lương, còn Shing là ruộng, Tsok Shing là ruộng phước, là nơi ta gieo hạt giống phước đức, để từ đó gặt hái phước đức. Chúng ta là những người sơ cơ, sinh vào thời ô trược này nên rất khó điều phục tâm ý, cũng rất khó tích luỹ việc thiện to lớn, nên ta nương nhờ vào thần lực và công hạnh của các Ngài trong ruộng phước. Do ta quán tưởng như vậy nên năng lực gia trì đã làm cho dòng tâm thức của ta thuần thục, chín muồi những điều thiện, tích luỹ công đức vô lượng, nhờ khả năng đó trợ giúp cho việc hành trì của ta, vì vậy các Ngài là nơi chúng ta gieo phước đức vào, vì vậy nên ta phải quán ruộng phước để hỗ trợ cho việc tích lũy công đức tư lương phước trí của ta.

Page 15: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

13

Những việc quan trọng nhất đối với chúng ta từ ban đầu là: tích lũy công đức, sám hối, thanh lọc tội chướng và duy trì đối tượng thiền. Ngày xưa Ngài Đại Trí Văn Thù Sư Lợi đã dạy Ngài Tsongkhapa phải tích luỹ công đức, sám hối, thanh lọc tất cả tội chướng và tư duy, duy trì đối tượng thiền tập, nhờ đó mà Ngài Tsongkhapa đã đạt được kết quả nhanh chóng. Vì sao lại như vậy? Vì ruộng phước, như trong cúng dường vô thượng du già nói, có công năng tích luỹ công đức tối thắng, vì khi ta quán ruộng phước là các Ngài đang hiện diện chứng minh. Các Ngài hiện diện chứng minh nên khi ta cúng hay hành trì bất cứ điều gì dù rất nhỏ, nhờ sự hiện diện chứng minh và công đức vô lượng của các Ngài nên chúng ta sẽ tích luỹ được công đức tối thắng, cho nên nói rằng cúng dường vô thượng du già là tích luỹ công đức tối thắng là vì ý nghĩa này.

5. Pháp tu bảy nhánh với Mandala, chứa đựng tinh yếu để tích tụ phước báu và tịnh hoá nghiệp chướng.

Trong cuốn nghi quỹ này tôi đã đưa vào 100 vị Thiên ở cõi Trời Đâu Suất, trong đó cũng có bảy chi phần Phổ Hiền Hạnh, nhưng ta không cần đi theo nghi quỹ này, tôi sẽ nói chung về các pháp tu bảy chi phần, để hành bất cứ pháp gì cũng được, không nhất thiết phải hành bảy chi phần trong 100 vị Thiên ở cõi Trời Đâu Suất.

Đầu tiên là lễ bái: Ta quán tưởng ruộng phước đang hiện diện trước mặt nên ta đem cả thân khẩu ý để lễ bái. Khi lễ bái thì có thân lễ, khẩu lễ và ý lễ. Thứ nhất là thân lễ: dùng thân để lễ bái. Có hai cách lễ, hoặc lễ ngũ thể đầu địa (5 phần thân thể chạm đất: 2 tay, 2 chân, đầu) còn gọi là lạy khòm (cong); còn cách thứ hai là lạy dài, thẳng như cây, nghĩa là đem hết thân mình càng dài càng tốt, vươn tới tận cùng, cho đến nơi nào thân thể có thể với tới, hai chân, hai tay đều nằm dài xuống đất.

Theo Phổ Hiền Hạnh thì đầu tiên là lễ bái, nhưng theo 100 vị Thiên ở cõi Trời Đâu Suất thì đầu tiên là thỉnh Phật trụ thế, thỉnh Ngài đừng nhập Niết Bàn. Trong nội dung thì đều có bảy chi phần nhưng khác nhau thứ tự. Việc đảo thứ tự cũng có mục đích riêng, vì sau khi quán tưởng ruộng phước ta thỉnh ruộng phước trụ thế, không nhập Niết Bàn, nên chi phần thỉnh trụ

Page 16: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

14

thế đứng đầu. Theo Hạnh nguyện Phổ Hiền thì chi phần đầu tiên là sám hối vì đối với ruộng phước, ta muốn rằng trước Ngài ta xin sám hối tất cả mọi tội chướng, nên ta sám hối trước.

Khẩu lễ nghĩa là miệng chúng ta ca tụng tán thán công đức của chư Phật, chư Bồ Tát, nghĩa là dùng khẩu của ta để lễ bái Tam Bảo.

Ý lễ nghĩa là từ tận thâm tâm của ta cảm niệm, tri ân, và sinh lòng kính trọng, tin tưởng.

Cúng dường: là các phẩm vật hiển bày trước mắt và các phẩm vật do chúng ta quán tưởng ra, trong hai thứ cúng dường đó thì cúng dường tối thượng là những phẩm vật do ý ta quán tưởng. Vì những phẩm vật hiển bày (đèn, trái cây, hương, hoa) thì có giới hạn, không thể trở thành vô hạn, nhưng những phẩm vật cúng dường do quán tưởng thì sẽ vô lượng, vì ta quán tưởng những vật có chủ hay vô chủ đều đem cúng dường hoặc đem tất cả những thiện căn đã tạo được qua thân lời ý đều dâng hết lên các Ngài. Nếu ta hoá hiện tất cả những thứ đó thành phẩm vật có hình sắc đem dâng cúng lên các Ngài thì sẽ trở thành vô hạn, vì tâm ý của ta suy nghĩ ra vô giới hạn, nên công đức cũng thành vô giới hạn, nên gọi là cúng dường vô hạn. Vậy những phẩm vật do ý tưởng ta hoá hiện ra đó thật ra có thật hay không, vì đó là do ý của ta quán ra? Tôi cũng cảm thấy rất lạ khi nói hoá hiện cúng dường là cúng dường vô thượng, nhưng thật ra ta quán tưởng thôi, ta không thấy có gì cả thì sao lại gọi là cúng dường vô thượng, còn những thứ hiện bày là những thứ trực tiếp ta có thể thấy bằng mắt thì thực tế hơn mà tại sao lại gọi cúng dường do ý hoá hiện là vô thượng? Nếu nói rằng do quán tưởng ra là có, vậy cái bụng ta không được ăn thì có được no hay không, chỉ suy nghĩ về thức ăn thôi thì có được no hay không? Hay đơn giản là chúng ta nói thích ăn những món ăn Việt Nam, bây giờ không cần phải nấu nướng gì cho cực khổ, chỉ cần nghĩ là ta đang có những thức ăn đó vậy thì khoẻ hơn nhiều.

Chúng ta hãy suy nghĩ rằng, quán tưởng như vậy là do đối tượng nhận phẩm vật nên có thể quán tưởng để cúng dường, vì các Ngài có thể nhận và thọ dụng các phẩm vật quán tưởng. Còn nếu quán tưởng cúng dường cho một người bình thường thì không có lợi gì cho họ cả vì họ không thọ dụng

Page 17: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

15

được những thứ như vậy. Vì đối tượng như vậy nên ta mới quán tưởng, dâng phẩm vật cúng dường và sẽ có những công đức, lợi ích của việc cúng dường. Vì những đối tượng chúng ta cúng dường có khả năng vô lượng vô biên, siêu phàm nên những phẩm vật do ta quán tưởng cúng dường lên giúp ta tích lũy được công đức. Còn dâng cúng cho người thường thì hãy cúng những thứ thực tế sẽ lợi ích hơn. Nếu gặp người ăn xin dọc đường đang đói mà chúng ta chỉ nhắm mắt quán tưởng rồi bỏ đi thì không tốt cho họ chút nào. Như vậy có sự khác nhau là do đối tượng nhận phẩm vật cúng dường.

Có thể ngay sau cúng dường thì cúng dường Mandala hoặc tụng và hành trì xong bảy chi phần, cuối cùng mới cúng dường Mandala, có thể cúng dường trước hoặc sau cũng được, không khác gì nhau. Cúng dường Mạn đà la cũng có thể nằm trong chi phần cúng dường. Nếu cúng dường cuối cùng cũng có ý nghĩa là ta cúng dường để tri ân.

Sám hối: cần có bốn lực: hối hận, ngăn mình không được tái phạm, quy y phát tâm Bồ đề (nương tựa Tam Bảo để sám hối), tất cả lực đối trị (làm tất cả điều lành, như hành trì Bảy Hạnh Nguyện Phổ Hiền để tiêu trừ tội lỗi).

Nhưng hiện tại chúng ta nên chú ý hai lực là hối hận và ngăn mình không được tái phạm.

Đối trước ruộng phước, chúng ta sẽ sám hối tội lỗi, với sự chứng minh của chư Phật, Bồ Tát, ta sẽ hối hận về những nghiệp trước đã làm và hứa sau này không tái phạm. Với sự chứng minh như vậy lòng ta sẽ kiên định hơn, sau này không tái phạm nữa. Ví dụ chúng ta phạm tội với một người nào đó, thì phải trực tiếp đến xin lỗi họ, hứa sau này không tái phạm nữa. Khi có một người hiện diện chứng minh, thì năng lực ngăn trừ ta không tái phạm nữa sẽ mạnh hơn, vì lý do đó khi sám hối phải đối trước ruộng phước là chư Phật, chư Bồ Tát hiện diện chứng minh, phát lồ sám hối và hứa sau này không bao giờ tái phạm.

Sẽ không có đối tượng nào thù thắng hơn ruộng phước, vì các Ngài không gì không thấy, không gì không biết, nên chúng ta không thể giấu giếm, trốn tránh bất cứ điều gì, nên đối trước các Ngài đã hứa như vậy rồi thì ta sẽ

Page 18: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

16

không dám phạm nữa, vì các Ngài sẽ nhìn thấu tận tư duy hành động của ta ở khắp mọi nơi, mọi thời. Chúng ta nghĩ như vậy cho nên hôm nay đã sám hối, hứa không tái phạm trước mặt các Ngài rồi, sau này nếu sắp phạm tội thì trong lòng sẽ rất lo sợ các Ngài chứng biết việc đó, nên sẽ có một năng lực mạnh mẽ hơn ngăn cản ta không tái phạm.

Tùy hỷ (vui theo việc lành của người khác): là công đức tối thượng nhất, vì rất dễ tích luỹ công đức. Những người như chúng ta rất khó tích luỹ nhiều công đức, nhưng nếu học theo hạnh tuỳ hỷ, vui theo hạnh lành của người khác, thì sẽ không phải mệt nhọc làm gì cả, chỉ cần vui theo với tâm thanh tịnh, hoan hỷ thật sự, thì tích lũy được công đức vô lượng. Tích luỹ công đức bằng cách này rất nhẹ nhàng, dễ kiếm bằng cách vui theo. Nên nếu một người làm bất cứ việc gì mà ta vui theo với tâm thuần tịnh thì họ làm được bao nhiêu công đức, ta sẽ có được công đức giống như họ. Vì vậy nói tuỳ hỷ là công đức rất dễ tạo.

Nhưng chúng ta hay mắc lỗi ghen tị với điều lành của người khác, không biết tùy hỷ. Nếu biết tùy hỷ với việc lành của người khác thì họ làm bao nhiêu ta sẽ được hưởng được công đức bấy nhiêu. Ví dụ thấy một ai đó bố thí rất nhiều, ta sinh lòng hoan hỷ thì sẽ được công đức lớn, nếu thấy ganh tị thì sẽ bị thiệt thòi.

Có khi chúng ta thấy người khác thích thiền định, tu hành, nhưng trong tâm lại khởi ý nghĩ: có biết thiền đâu mà thiền, ngồi vậy thôi, làm gì biết chuyện tu hành. Ta không hoan hỷ với việc tu tập của người khác, không nên làm như vậy, mà chỉ nên vui theo việc tu hành của họ.

Thỉnh chuyển pháp luân: việc này rất quan trọng vì trong luật Đức Phật có dạy rằng nếu không được thỉnh mời thì không nên thuyết pháp. Nếu muốn thuyết pháp cho ai đó thì chính người đó phải khẩn cầu thì mới chuyển pháp luân.

Thỉnh Phật trụ thế: nghĩa là xin chư Phật đừng sớm nhập Niết Bàn, vì chúng con hãy ở lại thế gian. Đức Phật nhập Niết Bàn chỉ là thị hiện trước các đồ đệ thôi, thật ra Đức Phật không nhập Niết Bàn, nên Đức Phật

Page 19: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

17

trụ ở đời hay không trụ ở đời là do phước đức của đồ đệ, nếu các vị đệ tử đó khẩn cầu Ngài ở lại thì Ngài có khả năng trụ thế dài như Ngài muốn, như trong câu chuyện lịch sử về Đức Phật. Ngày xưa Đức Phật sớm nhập Niết Bàn vì Ngài Anan lúc đó không để ý tới việc thỉnh cầu Đức Phật trụ thế, lúc đó Đức Phật nói Đức Phật sắp nhập Niết Bàn, nhưng Ngài Anan bị ma chướng nên không thỉnh, vì không thỉnh nên Đức Phật nhập Niết Bàn, nên ta phải thỉnh thì các Ngài mới ở lại. Vì vậy chúng ta hãy cúng dường cầu trường thọ nhiều để thỉnh các ngài trụ thế.

Hồi hướng: hồi hướng là phải có công đức, phải có gì đó tích lũy được cụ thể rồi mới hồi hướng. Còn cầu nguyện thì không cần phải như vậy, ta chỉ cần cầu nguyện mà không cần phải tích luỹ công đức gì cả. Hồi hướng khác ở chỗ cũng là cầu nguyện nhưng phải có công đức dâng tặng lên mới cầu nguyện được.

Khi hồi hướng nếu hồi hướng công đức đó cho đến Vô thượng Chánh đẳng chánh giác thì những thiện căn của ta sẽ không bao giờ cạn kiệt, sẽ còn tiếp tục tồn tại cho tới khi nào chúng sinh thành Phật. Nếu ta có một thiện căn mà chỉ hồi hướng cho mục đích ngày hôm nay được hạnh phúc, và ngày hôm nay ta được hạnh phúc rồi thì những thiện căn của ta sẽ không còn nữa. Nếu hồi hướng thiện căn đó để mong sau này sẽ có được thân người, thì khi có thân người rồi, thiện căn của ta cũng sẽ chấm dứt. Nếu ta hồi hướng thiện căn này vì lợi ích cho tất cả chúng sinh, mong tất cả chúng sinh thành Phật, đến khi nào tất cả chúng sinh còn chưa thành Phật thì công đức của ta vẫn còn tồn tại. Vì vậy ta nên hồi hướng vào Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Cúng dường Mandala: thường có 7, 25 hoặc 37 tụ. Cúng dường bản ngắn mà ta hay tụng đọc khi học Pháp: “Con xin hiến cúng đất này trang nghiêm hương hoa./ Điểm núi Tu Di tứ đại bộ châu, mặt trời và mặt trăng quán tưởng thành cõi Phật./ Nguyện chúng sinh yên vui trong cảnh thanh tịnh này” là cúng dường 7 tụ (Núi Tu Di, tứ đại bộ châu, mặt trời, mặt trăng), còn một bản 25 tụ, cúng dường Mandala bản dài là 37 tụ. Khi cúng dường Mandala thì có Mandala nhỏ cầm bằng tay trái, nắm một ít gạo hay phẩm vật cúng Mandala trên tay, bỏ lên trên, xong phải tẩy Mandala ba lần, không phải dùng bàn tay mà dùng cạnh cánh tay chà sang phải ba lần, quán tưởng

Page 20: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

18

đang tẩy sạch thân khẩu ý ta, sau đó chà ngược lại ba lần, mong ước ta được gia trì và nhận sự gia trì thân khẩu ý của Đức Phật.

Thời Ngài Tsongkhapa cúng dường Mandala, Ngài chỉ là một vị tăng sĩ rất bần hàn, không phải như bây giờ chúng ta có Mandala bằng vàng, bạc, đồng, Ngài chỉ cúng dường Mandala bằng đá, hạt cúng cũng là hạt đá, nên khi Ngài dùng tay để chà Mandala thì tay Ngài bị xước, chảy máu, và chai cứng lại. Ta nên thấy rằng các bậc thầy siêu việt, bất khả tư nghì (nghĩa là không thể dùng tư duy để nghĩ bàn đến) mà còn hành các hạnh khó hành như vậy, huống gì chúng ta, nên chúng ta cần nỗ lực nhiều, chịu khó nhọc nhiều hơn để hành trì Pháp. Ngày nay chúng ta tu hành rất sung sướng để đạt quả vị Phật, còn các bậc Thánh Tăng, công đức vô lượng mà phải chịu khó nhọc như vậy thì không hợp lý.

Nên việc sám hối tội chướng và tích luỹ công đức là việc rất quan trọng. Ta không cần phải đi khiêng đất khiêng đá, tự hành hạ mình, mà nên chịu khó nhọc tư duy, thiền định, học hành.

Câu hỏi: Khi nói cúng dường thì phải dùng phẩm vật thanh tịnh, nhưng khi cúng dường ta lại quán tưởng các vật có chủ và vô chủ, như vậy khi vô chủ có nghĩa là không phải của mình rồi, tại sao lại đem đi cúng dường được ạ?

Trả lời: Khi nói vật vô chủ cũng không có nghĩa là không phải của mình, không phải của mình có rất nhiều thứ, như: núi, rừng, mặt trời, mặt trăng, núi Tu Di, tứ đại bộ châu,… Những cái đó không ai làm chủ nên gọi là vật vô chủ, chứ không có nghĩa là mình lấy đồ của người khác đi cúng.

Page 21: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

19

Câu hỏi: Ví dụ có một vị Lama khi đi New York gặp toà building to đẹp liền quán tưởng cúng dường lên chư Phật, như vậy có gì sai không ạ?

Trả lời: Nếu đem cúng thật thì sẽ gặp phiền phức đấy, còn quán tưởng thì đâu có tổn hại gì tới ai, hoặc chúng ta có thể quán tưởng ra một cái giống như vậy rồi dâng cúng cũng được.

Câu hỏi: Xin Ngài hướng dẫn về hơi thở trong thế ngồi 8 điểm ạ.

Trả lời: Thở 9 hơi, nghĩa là bịt mũi trái, thở ra bên phải, rồi bịt mũi phải hít vào bên trái 3 lần, sau đó đổi phía thành 6 lần, tiếp tục hít vào thở ra cả 2 mũi 3 lần nữa là 9. Thật ra là 18 hơi tất cả, nhưng mỗi lần thở ra hít vào tính 1 nên trở thành 9 vòng. Hoặc là thở 21 hơi nghĩa là đặt tâm trên hơi thở, thở ra hít vào đếm 1, thở ra hít vào đếm 2, phải đếm bằng tâm chứ không dùng chuỗi, để luyện sức tập trung.

Thứ nhất là phải tập trung vào hơi thở, thứ hai là phải đếm hơi thở, thứ ba là phải làm cho hơi thở ra vào cân bằng nhau, lúc đó ta khiến cho tâm mình có nhiều việc phải tập trung. Đây là một phương pháp chú tâm. Khi tu thiền thì quan trọng nhất là điều trị phóng tâm (trạo cử), đem tâm trụ vào một đối tượng, nên phương pháp tập trung vào hơi thở có khả năng rất mạnh ngăn tâm ta phóng ra ngoài.

Page 22: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

20

PHÁP TU BẢY NHÁNH VỚI MẠN ĐÀ LA

Ta đã học lễ bái (gồm thân lễ, ý lễ và khẩu lễ): Thân lễ là tay chắp lại để khoảng trống ở bên trong, giống hình viên ngọc, chứa rất nhiều ý nghĩa, giống hình viên ngọc biểu trưng cho tâm bồ đề (phương tiện), còn rỗng không giữa hai lòng bàn tay tượng trưng cho tính không (trí tuệ). Một cái chắp tay chứa đựng phương tiện và trí tuệ nhắc chúng ta nghĩ tới hai điều này.

Khi đảnh lễ ta có thể chạm tay tại bốn điểm hoặc ba. Ba là: đỉnh đầu, yết hầu, ngực. Bốn là: đỉnh đầu, trán, yết hầu, ngực. Đảnh lễ ba biểu trưng cho việc sau này ta thành tựu ba thân của Đức Phật hoặc biểu thị đảnh lễ thân lời ý của Đức Phật hay ta đem cả thân lời ý của ta cung kính đảnh lễ. Đảnh lễ trên đỉnh đầu để sau này ta thành tựu được nhục kế của Đức Phật (một trong các tướng hảo của Ngài).

Khi đảnh lễ ngũ thể đầu địa (năm vóc sát đất: hai tay, hai chân và đầu chạm đất) hoặc lễ dài toàn thân, các ngón tay không được hở ra, phải sít lại, không cong các ngón tay lại, lạy xuống từ từ nhưng đứng lên phải rất nhanh.

Trong bảy chi phần (lễ bái, cúng dường, sám hối, tuỳ hỷ, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, hồi hướng), mỗi chi phần có một ý nghĩa riêng. Bảy chi phần có mục đích đối trị ba độc là tham lam, sân hận, si mê. Lễ bái sẽ giảm thiểu hay đối trị được kiêu ngạo; cúng dường đối trị được keo kiệt; sám hối đối trị được cả ba độc tham sân si; tuỳ hỷ đối trị được lòng ganh tị; thỉnh chuyển pháp luân đối trị nghiệp từ bỏ pháp; thỉnh Phật trụ thế đối trị được những điều đã tổn hại tới thân thể của bậc thầy, khinh chê lời thầy, làm phật lòng bậc thầy; hồi hướng đối trị sân hận.

Nếu hành trì 7 chi phần Hạnh Nguyện Phổ Hiền này ta sẽ được lợi là đối trị tất cả các loại phiền não trong dòng tâm thức mình.

Page 23: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

21

Trong bảy chi phần Hạnh Nguyện Phổ Hiền có ba yếu tố là tích lũy công đức, tịnh hóa tội chướng hay sám hối nghiệp chướng và tăng trưởng công đức.

Sám hối là tịnh hoá nghiệp chướng, hồi hướng làm tăng trưởng công đức, tuỳ hỷ gồm cả hai là tăng trưởng công đức và tích luỹ công đức, các chi phần còn lại là tích luỹ công đức. Trong đó chia làm bảy chi phần, bốn chi phần rưỡi là tích luỹ công đức, một chi phần rưỡi là tăng trưởng công đức (hồi hướng và một nửa tuỳ hỷ công đức), sám hối thì tịnh hoá nghiệp chướng.

Tuỳ hỷ công đức chia làm hai, ta vui với công đức của mình làm thì công đức của ta được tăng trưởng, còn vui với công đức của người khác thì ta tích luỹ được công đức.

6. Trong sáu pháp tu chuẩn bị có pháp cuối cùng là thỉnh cầu để giáo pháp hoà nhập vào dòng tâm thức

Như trong nghi quỹ này chúng ta thỉnh cầu sự thành tựu: Thỉnh cầu tăng trưởng trí tuệ nhờ văn tư tu….

Thỉnh cầu thành tựu xong thì quán hòa nhập: Thỉnh bổn sư tôn quý, về trụ toà sen nguyệt,…. Khi quán tưởng như vậy, ngài Lama Lobsang Thubwang Dorje Chang đến ngự trên đỉnh đầu chúng ta, từ đó quán tưởng dòng cam lồ ngũ sắc tuôn chảy vào trong thân khẩu ý ta để tẩy trừ tất cả tội chướng đã tạo trong quá khứ. Nói là giữa ngực nhưng thật ra là quán trái tim, thường thì tim hay chúc đầu xuống, khi quán Ngài ngự trên đỉnh đầu thì trái tim hướng xuống, nhưng khi tụng đọc khổ thứ hai thì trái tim quay ngược lên hoá hiện thành hoa sen.

Cách quán hòa tan: trong ruộng phước có rất nhiều vị, chư Phật, Bồ Tát, Bổn Tôn, Hộ Pháp, nhưng chúng ta sẽ quán gom thâu dần dần vào với nhau, vị bên ngoài hoà nhập vào vị bên cạnh, vị bên cạnh nhập vào dần bên trong, bên trong hoá thành Ngài Lama Lobsang Thubwang Dorje Chang,

Page 24: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

22

từ đó Ngài đi vào đỉnh đầu ta, từ đỉnh đầu Ngài tan thành ánh sáng rồi đi vào giữa ngực ta.

Có nhiều luận giải khác nhau, và tim không phải lúc nào cũng nằm bên trái, khi quán thì tim nằm ở giữa ngực.

Khi đọc Lama Lobsang Thubwang Dorje Chang, bản thể của bốn vị là một, không khác, như vậy ta không bị chướng ngại bởi hình sắc bên ngoài, hình tướng hiện ra ngoài là vị bổn sư của ta hoặc vị nào ta thấy thích hợp với mình thì quán tưởng.

Sau đó thỉnh bổn sư hòa tan vào tim ta, giai đoạn đầu là ở đỉnh đầu, giai đoạn thứ hai là trụ giữa ngực, giai đoạn thứ ba là hoà tan vào tim. Cuối cùng là cầu nguyện hồi hướng.

Khi quán hòa nhập như vậy chúng ta biết rằng Lama Lobsang Thub-wang Dorje Chang (thầy, Phật, Bổn Tôn, Đức Kim Cang Trì) thường trụ ở giữa ngực, trong tim mình, vì vậy trước khi ăn, uống cái gì cũng phải dâng cúng. Khi đã quy y rồi, chúng ta phải quy y mỗi ngày, quán tưởng đối tượng quy y, dâng cúng dường, vì vậy mỗi lần ăn uống quán tưởng có các Ngài ngự trị trong tim nên ta dâng cúng thì sẽ chuyển tải đủ ý nghĩa là lúc nào ta cũng quy y, đối tượng quy y luôn có trong tâm mình.

Các vị hãy hành trì sáu pháp tu chuẩn bị này mỗi ngày sẽ có lợi ích rất lớn, nếu có thời gian thì hành trì buổi sáng, nếu bận thì có thể hành trì buổi tối cũng được.

Thỉnh thoảng nếu trì tụng chú trăm âm sẽ rất tốt, có tác dụng tiêu trừ tội chướng, đây là một trong các pháp tiêu trừ tội chướng tốt nhất. Thỉnh thoảng các anh chị em nên ngồi lại với nhau cùng hành trì pháp môn này. Nếu muốn hành trì pháp môn này thì phải nhận được gia trì hoặc quán đảnh của Ngài Kim Cang Tát Đoả, nếu không nhận gia trì vẫn có thể hành trì, nhưng không được phép quán tưởng mình trở thành Ngài Kim Cang Tát Đoả mà chỉ quán Ngài đang ở trên đầu mình rồi niệm chú.

Page 25: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

23

Quán Ngài Kim Cang Tát Đỏa: thân ngài trong suốt, giữa ngực Ngài là đĩa mặt trăng, Ngài ngồi trên đĩa mặt trăng, đĩa mặt trăng có màu trắng, trên đĩa mặt trăng giữa ngực Ngài là chú trăm âm cũng màu trắng, tất cả đều màu trắng bạc, vì màu trắng có khả năng tẩy trừ tội chướng nên ta quán toàn màu trắng.

Pháp hành trì có ba quán (theo thứ tự): quán từ trên xuống, quán ngược từ dưới lên, rồi quán ánh sáng phát ra thì mọi tội chướng đều tiêu trừ.

Đầu tiên quán dòng cam lồ từ trên đi xuống: xuất phát từ các chữ của chú trăm âm biến thành dòng cam lồ đi xuống tòa sen, xuống bồ đoàn bên dưới toà sen, chảy xuống lỗ chính giữa bồ đoàn, xuống đỉnh đầu ta, xuống toàn thân, quán tội chướng của ta biến thành nước màu đen, dòng cam lồ màu trắng chảy từ trên xuống đến đâu đẩy màu đen ở đó xuống dưới ra ngoài. Khi quán dòng cam lồ chảy xuống bộ phận dưới của ta đi ra, thì quán Diêm ma vương đang há miệng rất to chờ ăn chất đó, dòng cam lồ chảy hết vào miệng vị đó, vị đó cảm thấy rất thoả mãn, giúp kéo dài mạng sống của ta.

Quán từ dưới lên trên: Quán dòng cam lồ từ trên chú trăm âm chảy xuống tận đáy thân mình rồi chảy ngược lên, giống như cái bình có chứa đầy chất dơ bẩn, muốn đẩy chất dơ đó ra, ta chứa nước đầy thì chất dơ sẽ nổi lên trên tràn ra ngoài. Tương tự như vậy ta quán dòng cam lồ chảy xuống sẽ đẩy tội chướng nổi lên, đi ra ngoài qua tai, miệng, mắt mũi.

Pháp cuối cùng là quán ánh sáng: khi dòng cam lồ chảy xuống, quán giữa ngực chúng ta tội chướng như một bóng đen, khi dòng cam lồ chiếu ánh sáng thì tự nhiên bóng đen tội lỗi sẽ biến mất, giống như trong phòng tối, ta bật đèn lên thì ánh sáng sẽ xoá tan bóng tối.

Cuối cùng quán Ngài Kim Cang Tát Đoả đặt tay lên đầu mình nói: này con, những tội chướng của con đã được tiêu trừ. Nghĩa là Ngài tuyên bố và xác quyết rằng những tội chướng của ta đã được tiêu trừ, nên tâm ta cảm thấy rất bình an. Chúng ta là những người mới bắt đầu tu tập, những người sơ cơ, nên việc tích lũy công đức và tịnh hóa nghiệp chướng vô cùng quan trọng, đừng bao giờ xem nhẹ việc tích luỹ công đức và tịnh hoá nghiệp chướng, nếu hành rất nhiều pháp nhưng không tịnh hoá nghiệp chướng và

Page 26: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

24

tích lũy công đức thì pháp hành của ta không đạt kết quả như ý muốn.

Khi tu tập Kim Cang Tát Đoả, muốn biết tội chướng có được tiêu trừ hay không thì phải kiểm tra giấc mơ (thường thì giấc mơ không đáng tin cậy lắm, nhưng phải kiểm tra giấc mơ xảy đến nhiều lần chứ không phải một hai lần) thấy hay mặc đồ trắng, bước lên cầu thang, cảm thấy bay ở giữa hư không hoặc trong người tuôn ra máu mủ, côn trùng, rắn rết, mơ thấy như vậy nhiều lần thì ta biết chắc rằng tội chướng của ta đã được tiêu trừ. Khi trong giấc mơ thấy những thứ bất tịnh chảy ra, như máu mủ, côn trùng, như vậy chưa đủ mà phải quán rằng khi những thứ đó thoát ra ngoài thì thân mình trở nên sạch sẽ trong sáng.

Khi hành trì nên kết hợp vừa trì niệm vừa quán tưởng. Nhưng nếu chưa quen thì hơi khó, ta có thể trì niệm trước rồi quán tưởng sau.

Quán tưởng chú trăm âm: câu chú nằm trên đĩa hoa sen ở giữa ngực Ngài Kim Cang Tát Đoả, đĩa hoa sen nằm trên bồ đoàn, trên hoa sen là chủng tự HUM đứng, vì ở giữa ngực của Ngài Kim Cang Tát Đoả nên rất nhỏ, đây là cách luyện cho ta chú tâm, các chữ trong câu chú đi từ trái sang phải, rất khó quán cả câu chú nằm đủ trong một vòng, quán các chữ trong câu chú dựng đứng xung quanh chữ Hum nằm chính giữa trên đĩa hoa sen, có khi quán chữ là ánh sáng trong suốt hoặc màu bạc, có những chỗ nói ta quán những chữ đó phát ra âm thanh của chính nó. Tùy theo khả năng của mình, quán được gì thì quán.

Thường Ngài ngồi trên đĩa mặt trăng, giữa ngực Ngài là hoa sen, giữa hoa sen là chữ HUM, xung quanh chữ HUM là chú trăm âm, hoặc quán trên hoa sen màu trắng là đĩa mặt trăng.

Sau này khi nhận được lễ gia trì của Ngài Kim Cang Tát Đoả rồi thì nên nhập thất hành trì Kim Cang Tát Đoả. Có khi chúng ta nhập thất tu tập thiền chỉ, có khi nhập thất hành trì Kim Cang Tát Đoả, ở bên Ý cũng vậy, có khi thầy trò cùng nhập thất với nhau bốn năm ngày hành trì Kim Cang Tát Đoả. Ta vẫn tích luỹ được công đức nhưng cũng không đánh mất niềm vui trong cuộc sống, vẫn có thể sống rất hạnh phúc trong cuộc sống và tích luỹ

Page 27: SÁU PHÁP TU CHUẨN BỊ - Phendeling

Sáu pháp tu chuẩn bị

25

thiện căn cùng một lúc. Nhưng nếu chỉ ham hưởng hạnh phúc không mà không lo tích luỹ công đức, hoặc chỉ lo tích luỹ công đức thôi thì cũng không tốt, ta phải cân bằng giữa hạnh phúc và làm việc thiện. Nếu chúng ta quá ham hưởng hạnh phúc thì sẽ tiêu hết phước đức đã tạo, nên vừa hưởng hạnh phúc, sống vui, nhưng đồng thời phải liên tục tích luỹ công đức, để những điều mình hưởng không bị tiêu mòn.

Nếu hưởng hạnh phúc mà không tích luỹ công đức thì những công đức mình có sẽ tiêu hết, lại bị khổ đau. Khi tôi còn nhỏ, thầy giáo thọ vẫn thường nhắc như thế này: Thời gian này là thời gian chúng ta tích lũy công đức không phải thời gian để thọ hưởng quả của công đức. Lời giáo ngôn này chúng ta nên ghi nhớ.

Bây giờ trước hết các vị cứ trì chú trăm âm, rồi sau này tôi sẽ truyền nghi quỹ đầy đủ. Khi tu hành, ta phải đi từng bước từ từ, nếu ngay từ đầu dốc hết toàn lực, thì một thời gian sau ta sẽ không tiếp tục duy trì được lâu, nên phải đi từ từ từng bước. Hành trì mà mới đầu dốc toàn lực thì không thể kéo dài, một thời gian sau sẽ thấy chán nản không muốn hành nữa, nhưng nếu đi từ từ, lúc đầu hành ít thôi, quan trọng là phải duy trì sự liên tục, sau đó tăng dần thì pháp hành của ta mới có kết quả.

Nhật Hạnh – Tenzin Yangchen chuyển ngữ.