Nang luc sinh ke phu nu khmer ho kim thi

22
Năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa vùng ven tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ ThS. Hồ Kim Thi TÓM TẮT Việc chuyển đổi từ sinh kế thuần nông sang phi nông và hỗn hợp ở địa bàn ven đô tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã dẫn đến nhiều thách thức cho phụ nữ Khmer, biểu hiện rõ nét thông qua tỷ lệ hộ nghèo mới và nghèo trở lại cao. Phụ nữ Khmer duy trì nghề nông trong bối cảnh diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp và ít quyền ra quyết định hay tham gia vào các chính sách hỗ trợ của chính phủ. Đối với phụ nữ Khmer rời bỏ nghề nông do không còn đất sản xuất hoặc thời gian nông nhàn cao, đa phần đều làm những công việc ở khu vực kinh tế phi chính quy, mức lương thấp và bấp bênh. Trên cơ sở dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp thu thập được từ công cụ bảng hỏi (khảo sát 140 hộ Khmer), phỏng vấn sâu, đánh gia nông thôn có sự tham gia (PRA) tại Quận Ô Môn, bài viết này sẽ phân tích năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa ở vùng ven đô với cách tiếp cận sinh kế bền vững (SLA – Sustainable Livelihoods Approach). Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cải thiện sinh kế cho phụ nữ Khmer cũng được đề cập nhằm chỉ ra những nguyên do kém hiệu quả trong những năm qua. NỘI DUNG 1. Mở đầu 1

Transcript of Nang luc sinh ke phu nu khmer ho kim thi

Page 1: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

Năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị hóa vùng ven

tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ

ThS. Hồ Kim Thi

TÓM TẮT

Việc chuyển đổi từ sinh kế thuần nông sang phi nông và hỗn hợp ở địa bàn ven đô tại quận Ô

Môn, TP. Cần Thơ đã dẫn đến nhiều thách thức cho phụ nữ Khmer, biểu hiện rõ nét thông qua tỷ

lệ hộ nghèo mới và nghèo trở lại cao. Phụ nữ Khmer duy trì nghề nông trong bối cảnh diện tích

đất sản xuất ngày càng thu hẹp và ít quyền ra quyết định hay tham gia vào các chính sách hỗ trợ

của chính phủ. Đối với phụ nữ Khmer rời bỏ nghề nông do không còn đất sản xuất hoặc thời gian

nông nhàn cao, đa phần đều làm những công việc ở khu vực kinh tế phi chính quy, mức lương

thấp và bấp bênh. Trên cơ sở dữ liệu thứ cấp và dữ liệu sơ cấp thu thập được từ công cụ bảng hỏi

(khảo sát 140 hộ Khmer), phỏng vấn sâu, đánh gia nông thôn có sự tham gia (PRA) tại Quận Ô

Môn, bài viết này sẽ phân tích năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong quá trình đô thị

hóa ở vùng ven đô với cách tiếp cận sinh kế bền vững (SLA – Sustainable Livelihoods Approach).

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ cải thiện sinh kế cho phụ nữ Khmer cũng được đề cập nhằm chỉ ra

những nguyên do kém hiệu quả trong những năm qua.

NỘI DUNG

1. Mở đầu

Đô thị hoá vùng ven đô vừa hàm chứa những thách thức nhưng cũng là cơ hội để dịch

chuyển xã hội đi lên. Tuy nhiên, phụ nữ Khmer dễ bị loại trừ ra khỏi quá trình dịch chuyển này

hơn nam giới bởi tính khuôn mẫu trong nhận thức và năng lực thích ứng không tương thích với

hoàn cảnh mới. Nghiên cứu này cho thấy phụ nữ Khmer ở vùng ven đô thuộc quận Ô Môn “bất

lợi hơn” nam giới trong việc tận dụng cơ hội dịch chuyển này bởi những định kiến giới về phân

công lao động, quan hệ xã hội… Trong khi đa số nam giới Khmer ra bên ngoài tìm việc làm ngoài

nông nghiệp (kể cả di cư đến các tỉnh Đông Nam Bộ) thì phụ nữ Khmer hoạt động trong một

không gian bó hẹp hơn, chủ yếu chăm sóc con cái và làm nông. Số ít phụ nữ trẻ có cơ hội ra ngoài

làm các công việc phi nông nhưng mức lương thấp và bấp bênh. Rõ ràng, sự khác biệt về không

gian trong phân công lao động theo giới cũng đã dẫn đến hạn chế cơ hội của phụ nữ Khmer tiếp

cận được các công việc ngoài nông nghiệp. “Không gian bên ngoài” phù hợp với nam giới,

“không gian bên trong” phù hợp với phụ nữ là cách nghĩ của cả nam và nữ Khmer. Trong bối

1

Page 2: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

cảnh đô thị hóa nhanh, hạn chế tiếp cận các kiến thức, kỹ năng và các nguồn lực làm giảm khả

năng dịch chuyển nhanh của phụ nữ Khmer để cải thiện cuộc sống.

Bài viết này nhằm mục tiêu xem xét năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer trong

bối cảnh dễ bị tổn thương của vùng ven đô tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Từ cách nhìn đa chiều,

đa cấp độ địa lý và từ tiếng nói của những tác nhân trong cuộc, chúng tôi hy vọng sẽ góp phần cải

thiện cách tiếp cận trong các chính sách để tương thích hơn với đặc điểm địa lý và đặc điểm dân

tộc của người Khmer1. Trong bối cảnh hộ Khmer đang rơi vào tình trạng bị nghèo trở lại , nghèo

kinh niên và nghèo mới cao hơn so với các cộng đồng khác thì điều này sẽ góp phần mở rộng cơ

hội cho phụ nữ Khmer thoát nghèo và nâng cao vị thế của mình.

2.Kết quả và thảo luận

Dựa trên cách tiếp cận sinh kế bền vững (SLA) của DFID (2001)2, năng lực ở đây không

chỉ là trình độ học vấn, tài chính mà cần được xem xét toàn diện ở khả năng tiếp cận các nguồn

vốn sinh kế3 (vốn con người, vốn xã hội, vốn tự nhiên, vốn tài chính, vốn vật chất). Tuy nhiên để

hiểu về năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer tại địa bàn nghiên cứu, việc đề cập đến bối

cảnh đô thị hóa vùng ven là cần thiết để xác định những cơ hội và thách thức.

2.1. Đô thị hoá vùng ven và động thái nghèo của hộ Khmer

Thành phố Cần Thơ đang trong quá trình đô thị hoá nhanh4, tỷ lệ dân thành thị từ 49,9%

năm 2005 tăng lên 66,0% năm 2011 (Tổng cục Thống kê, 20125). Trong đó, quận Ô Môn có vai

trò là cầu nối, cửa ngõ giao lưu giữa nội thành và ngoại thành, và kết nối trục kinh tế trong vùng

kinh tế trọng điểm ĐBSCL. Quận được xem là địa bàn dân cư đô thị mở rộng của TP. Cần Thơ và

cũng là một trong những vùng cung ứng lương thực-thực phẩm cho khu vực nội thị. Trong chiến

lược phát triển dài hạn, quận được quy hoạch thành địa bàn trọng điểm với ưu tiên hình thành các

KCN và khu công nghệ cao.

1 Hong Anh Vu, 2010. Báo Cáo Hiện trạng Bất Bình Đẳng Giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, Oxfam Vietnam, tr.40.2 Department of International Development (DFID), 2001. Sustainable Livelihoods Guidance Sheet., London.3 Thuật ngữ vốn (capital) được sử dụng trong phân tích sinh kế nhưng không hoàn toàn được hiểu như “vốn” trong lĩnh vực kinh tế. Các nguồn vốn này được hiểu dựa trên sức mạnh nội lực của người dân và cách thức để chuyển đổi chúng thành các nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.4 Tôn Nữ Quỳnh Trân và nnk. 2009, Các vấn đề về đời sống của cư dân vùng đô thị hoá tại TP.Cần Thơ: thực trạng và giải pháp tương thích, Sở KHCN TP.Cần Thơ.5 Tổng cục Thống kê, 2012. Niên giám thống kê 2012, NXB Thống Kê, Hà Nội, tr.65.

2

Page 3: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

Hình 1. Sơ đồ hành chính của quận Ô Môn, TP.Cần Thơ

Nguồn: Từ website Sở TN&MT TP.Cần Thơ, 2012.

Đặc biệt, quận Ô Môn là nơi sinh sống lâu đời của người Khmer từ khi họ mới định cư đến

vùng đất Nam Bộ. Dân số người Khmer năm 2013 có khoảng 4.985 người, sinh sống trên 7

phường, chiếm tỷ lệ 3,8% dân số toàn quận. Dù tỷ lệ dân số không cao nhưng hộ nghèo và cận

nghèo có đến 44,3%.6 Tình trạng này gây sức ép đáng kể lên các hoạch định chiến lược của địa

phương và làm hạn chế khả năng hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Đô thị hoá trên nền tảng dựa vào nông nghiệp: Quận Ô Môn với phần lớn diện tích đất đai

là vành đai nông nghiệp rộng lớn bao quanh trung tâm đô thị, người dân còn mang đặc điểm văn

hoá, lối sống nông thôn. 100% dân số thuộc khu vực đô thị nhưng chỉ hơn 30% lao động làm việc

ngoài nông nghiệp. Các cơ sở sản xuất công nghiệp chưa phát triển đủ đáp ứng việc làm cho bộ

phận lao động nông thôn có nhu cầu chuyển đổi việc làm. Chuyển đổi đất nông nghiệp sang phi

nông nghiệp không diễn ra nhanh nhưng lại xuất hiện nhiều hộ Khmer mất đất nông nghiệp. Điều

này đẩy một bộ phận phải chuyển đổi sinh kế hoặc di cư tìm việc. Một bộ phận không di cư thì lại

chịu sự cạnh canh với bộ phận dân nhập cư mới.

Xu hướng nghèo và nghèo trở lại cao: Năm 2012, TP.Cần Thơ có 1.486 hộ gia đình

nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 17,2% tổng số hộ. Trong đó, dân tộc Khmer có

1.405/5.197 hộ, chiếm 27,0% tổng số hộ Khmer. Tỷ lệ hộ cận nghèo của người dân tộc thiểu số

cũng còn 961 hộ, trong đó 901 hộ Khmer, chiếm 17,3% tổng số hộ Khmer (UBND TP.Cần Thơ,

6 UBND Quận Ô Môn, Báo cáo Kết quả thực hiện Quyết định 74/2008/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2008-2010 trên địa bàn quận Ô Môn.

3

Quận Ô Môn

Page 4: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

2013)7. Như vậy tỷ lệ hộ Khmer nghèo và cận nghèo chiếm gần ½ tổng số hộ, đây là tỷ lệ rất cao

so với cộng đồng khác. Riêng quận Ô Môn có số hộ nghèo dân tộc thiểu số là 314 hộ/1.484 hộ,

người Khmer có 311 hộ, chiếm 28,5% tổng số hộ Khmer. Diện cận nghèo có 170 hộ, chiếm

15,6% trong tổng số hộ Khmer (Phòng Thống kê quận Ô Môn, 2013).8 Tập trung đông ở phường

Châu Văn Liêm và phường Trường Lạc.

Quá trình đô thị hoá tăng nhanh, luồng di cư lao động nông thôn-thành thị, hiện tượng mất

đất nông nghiệp, giá cả tăng nhanh,… đã để lại những dạng thức nghèo mới phát sinh. 9 Tình hình

thu nhập thấp và diện hộ nghèo cao hơn nhiều lần so với cộng đồng xung quanh là chỉ báo rõ nét

nhất, cho thấy những năm qua đời sống của người dân Khmer chưa cải thiện đáng kể. Hơn nữa,

tình trạng vay nợ cao, đặc biệt là vay ở các kênh phi chính thức với lãi suất cao, càng cản trở các

hộ nông dân Khmer thoát nghèo. Cụ thể hơn, trong kết quả khảo sát 140 hộ Khmer của chúng tôi

cho thấy số hộ nghèo theo diện chính sách chiếm 52,1%, giảm 2,9% so với năm 2008. Trong số

đó có 7,1% số hộ thoát nghèo, xuất hiện 5,7% hộ nghèo trở lại và 1,4% hộ nghèo mới. Hộ nghèo

xếp theo mức thu nhập thực tế của hộ khảo sát còn cao hơn, chiếm 57,9%. Trong số các hộ thuộc

diện nghèo, có hơn ½ số hộ thuộc diện nghèo kinh niên, kéo dài hơn 10 năm qua.

Biểu đồ 1. Tình trạng nghèo theo mức thu nhập bình quân/người/tháng của hộ Khmer tại địa bàn khảo sát

34.3

23.6

27.9

13.6

0.7

Hộ nghèo (<=500.000)

Hộ cận nghèo (>500.000-650.000)

Hộ trung bình (>650.000-1.000.000)

Hộ khá (>1.000.000-1.500.000)

Hộ giàu (>1.500.000)

Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả, tháng 04/2013.

7 UBND TP.Cần Thơ, 2013, Phân tích hiện trạng, tương tác giữa nghèo và tính dễ tổn thương liên quan đến BĐKH ở khu vực đô thị TP.Cần Thơ , Ban chỉ đạo 158, UBND TP.Cần Thơ.8 Theo Quyết định 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/07/2005 của Thủ tướng Chính phủ quy định chuẩn nghèo giai đoạn 2006 - 2010 gồm (i) trong khu vực thành thị, hộ nghèo là những người có thu nhập bình quân dưới 260.000 đồng/người/tháng; (ii) tại các khu vực nông thôn, hộ nghèo với thu nhập trung bình mỗi người 200.000 đồng/tháng. Để cập nhật phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 09/2011/QĐ-TTg quy định trong giai đoạn 2011 -2015, hộ ở thành thị được xếp vào nhóm hộ nghèo khi có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống và hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.9 Nghèo cũ hay nghèo bản xứ do bị tách biệt, không tiếp cận được với các nguồn lực, thường nhắc đến những người không có hoặc không tiếp cận với tài nguyên, lao động, vốn... trong khi nghèo mới chỉ những nhóm đã cuốn vào trong quá trình phát triển hiện đại nhưng bị khai thác, hoặc gặp rủi ro dẫn đến nợ nần/thu nhập rất thấp bởi sự kiểm soát của các chủ thể/tác nhân có tính thương mại. (Jonathan Rigg, 2005 . Living with Transition in Laos: Market Intergration in Southeast Asia, Routledge, UK, p.9-12)

4

Chú thích: (Đơn vị VNĐ)

Page 5: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

2.2. Chuyển đổi sinh kế từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp của phụ nữ Khmer

Kết quả khảo sát 140 hộ tại phường Trường Lạc và phường Châu Văn Liêm, trong đó có

369 phụ nữ Khmer (308 người trên 15 tuổi), chiếm 51,2%, cho thấy sự chuyển đổi sinh kế từ nông

nghiệp sang phi nông rất đáng kể. Điều này tương thích với sự chuyển dịch kinh tế của địa

phương và của chính hộ được khảo sát (năm 2013 có 15% hộ thuần nông, 27,9% hộ phi nông và

57,1% hộ hỗn hợp) trong bối cảnh đô thị hoá.

Bảng 1. Chuyển đổi sinh kế của phụ nữ Khmer trong bối cảnh đô thị hoá tại quận Ô Môn

Việc làm chínhNăm 2008 Năm 2013

Số người Tỷ lệ % Số người Tỷ lệ %Nông nghiệp 143 46,4 66 21,4Nhân viên, viên chức 3 1,0 7 2,3Công nhân 15 4,9 60 19,5Buôn bán 11 3,6 40 13,0Tiểu thủ công 2 0,6 3 1,0Làm thuê tự do 24 7,8 28 9,1Nội trợ 8 2,6 36 11,7Đang học 77 25,0 25 8,1Thất nghiệp 5 1,6 13 4,2Già yếu 3 1,0 30 11,8Khác10 17 5,5 0 0Tổng 308 100,0 308 100,0

Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả, tháng 4/2013.

Nhìn chung, số lượng nữ giới làm việc trong nông nghiệp đã giảm nhanh chóng trong vòng

5 năm qua, từ 46,4% chỉ còn 21,4%. Nhóm phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 15-35 đa phần chuyển sang

làm công nhân ở các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc các tỉnh ở Đông Nam Bộ (như TPHCM,

Bình Dương). Nhóm phụ nữ có độ tuổi trên 35 lựa chọn việc buôn bán nhỏ lẻ tại địa bàn và làm

thuê tự do (như làm cỏ, cắt lúa, phụ việc nhà…). Tuy nhiên đáng chú ý, có khoảng 11,7% phụ nữ

Khmer làm nội trợ và 4,2% cho rằng mình đang thất nghiệp.

Dịch chuyển sang phi nông nghiệp nhanh chóng là kết quả của việc sang nhượng toàn bộ

hoặc một phần đất sản xuất cho các hộ khác. Điều này dẫn đến sản xuất nông nghiệp ngày càng

trở nên manh mún và kém hiệu quả. Cụ thể, trong năm 2008, hộ Khmer có diện tích đất nông

10 Còn nhỏ hoặc chưa về làm dâu, rể.

5

Page 6: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

nghiệp trung bình khoảng 3.827 m2/hộ nhưng đến đầu năm 2013 chỉ còn 2.620 m2/hộ. Với mức

nhân khẩu trung bình 5,1 người/ hộ thì bình quân chỉ có 555 m2/người. Số lượng này cũng chỉ

bằng 0,3 lần so với diện tích đất nông nghiệp của người Khmer ở huyện Thới Lai (giáp ranh quận

Ô Môn)11. Theo nghiên cứu của Tổ chức Oxfam, với 33.000m2/hộ (gấp 12,6 lần) thì mới đạt mức

lãi 27 triệu đồng/năm, đối với trồng lúa.10 Số hộ thuộc diện quy hoạch và thu hồi đất không đáng

kể trong nghiên cứu này.

Đặc điểm đáng chú ý trong vấn đề chuyển đổi sinh kế của phụ nữ Khmer chính là việc làm ở

khu vực kinh tế chính quy rất hạn chế, đa số phụ nữ làm việc trong khu vực kinh tế phi chính quy

mang chính chất bấp bênh và không có các chế độ bảo hiểm, an sinh xã hội.

Chính vì vậy, thu nhập của phụ nữ Khmer từ những việc làm nêu trên giới hạn trong mức

thu nhập rất thấp. Mức thu nhập trung bình chỉ 722.000 đồng/người/tháng. Các việc làm ở khu

vực chính quy có mức thu nhập cao hơn các việc làm khác. Nhân viên, viên chức có mức thu nhập

cao nhất, trung bình 2.029.000 đồng/người/tháng, công nhân có mức thu nhập trung bình

1.628.000 đồng/người/tháng. Còn lại làm thuê tự do chỉ có mức thu nhập 1.045.000

đồng/người/tháng, buôn bán nhỏ 958.000 đồng/người/tháng, tiểu thủ công là 633.000

đồng/người/tháng. Đáng chú ý, hoạt động nông nghiệp mang lại mức thu nhập khiêm tốn nhất,

620.000 đồng/người/tháng. Mức thu nhập này thấp hơn so với nam giới Khmer làm trong cùng

lĩnh vực, chênh lệch khoảng 18,7% (mức thu nhập trung bình là 908.000 đồng/người/tháng).

Với mức chi tiêu ngày càng cao trong bối cảnh đô thị hoá, mức thu nhập nêu trên chỉ đủ cho

nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Không có điều kiện đầu tư cho các nguồn vốn khác để đảm bảo sinh

kế bền vững hơn sẽ dẫn đến kết quả sẽ còn rất hạn chế trong giai đoạn sắp tới. Như vậy, trong bối

cảnh phải chuyển đổi sang sinh kế mới đòi hỏi những năng lực tương thích và khác biệt so với

nghề nông, liệu rằng năng lực thích ứng của phụ nữ Khmer có đủ sự tương thích để đảm bảo sinh

kế bền vững?

2.3. Năng lực thích ứng sinh kế của phụ nữ Khmer

Trong bối cảnh đô thị hoá nhanh, việc duy trì nghề nông hay chuyển sang phi nông đối với

phụ nữ Khmer tại quận Ô Môn đều đòi hỏi sự tương thích trong các nguồn vốn sinh kế. Mức độ

mạnh yếu của các nguồn vốn sinh kế sẽ là yếu tố quyết định chủ yếu cho sự chọn lựa sinh kế mới

theo nguyên tắc của lý thuyết lựa chọn duy lý, trên cơ sở của sự đánh đổi (trade-off) 12 và lựa chọn 11 Trung bình 6.000m2/ hộ (Nguyen Quang Tuyen, 2010, tr.7).12 Sự đánh đổi (Trade-off) tức việc bỏ ra một hay nhiều nguồn vốn sinh kế nào đó để thu lại một kết quả mong muốn, dựa trên sự cân nhắc giữa chi phí và lợi ích của sự lựa chọn và tính quy luật về sự khan hiếm buộc con người phải đánh đổi trong các quyết định.

6

Page 7: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

giảm thiểu hoặc né tránh rủi ro của phụ nữ Khmer. Thêm nữa, yếu tố kích ứng bên ngoài là nhân

tố xúc tác quan trọng đến kết quả sinh kế mà họ đạt được. Do đó, tăng cường sở hữu hay tiếp cận

các loại vốn này là mối quan tâm căn bản để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thích ứng với sinh

kế mới.

Phụ nữ Khmer tiếp tục duy trì nghề nông

Trên cơ sở các cuộc khảo sát được tiến hành nhiều đợt, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm

PRA những hộ Khmer tại địa bàn hai phường, chúng tôi đưa đến xác định có bốn nguyên nhân

chính dẫn đến việc tiếp tục làm nông nghiệp dù điều kiện sở hữu đất đai rất hạn chế. Thứ nhất, đa

số phụ nữ Khmer cho rằng họ không thể tìm kiếm việc làm gì khác ngoài nông nghiệp. Cốt yếu là

vì trình độ học vấn thấp và không có kỹ năng nên không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, đối

với các việc làm thuộc khu vực chính thức (như công nhân). Thứ hai, với việc buôn bán nhỏ thì lại

đòi hỏi vốn tài chính và mối quan hệ xã hội cũng như các kỹ năng về quản lí thu chi (theo quan

điểm của họ là phức tạp). Thứ ba, đa số đều tán đồng là họ ngại đi xa nhà và xa quê (đối với

trường hợp di cư). Thứ tư, phụ nữ Khmer cho rằng làm nông (làm ruộng) là cách thức an toàn nhất

để đảm bảo an ninh lương thực của hộ. (Xem Sơ đồ 1.)

Sơ đồ 1. Lí do quyết định duy trì nghề nông của phụ nữ Khmer

Nguồn: Thảo luận PRA tại phường Trường Lạc, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ, tháng 4/2013.

Tuy nhiên, trong điều kiện đất đai thu hẹp như đã đề cập, có khoảng 41,7% số hộ Khmer có

đất ít hoặc không còn đất phải đi thuê đất với chi phí khá cao tại huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ

(cách địa bàn từ 10-40km). Đặc biệt có đến 15,0% số hộ thuê lại chính đất đã bán hoặc đã cầm cố

7

Quyết định duy trì nghề nông vì:

Không có trình độ và kỹ năng để tìm việc phi

nông

Ngại đi xa (xa nhà, xa

quê)

Làm nông an toàn hơn (đảm bảo

LT)

Thiếu tài chính

Page 8: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

để tiếp tục làm nông. Đất thuê đã làm hạn chế khả năng tiếp cận các lớp tập huấn về nông nghiệp

tại nơi thuê do không sinh sống tại địa bàn nên dễ bị cán bộ khuyến nông bỏ qua. Do vấn đề tâm

lý nên việc đầu tư sản xuất cho đất thuê cũng không được chăm chút, nên thường năng suất thấp.

“Đất thuê không ổn định, thường phải thay đổi nơi thuê nên dẫn không kiểm soát được các công

đoạn sản xuất, năng suất kém” (Ông T.V.D, 54 tuổi, cán bộ khuyến nông P.Châu Văn Liêm).

Trong phân công lao động nông nghiệp, nam giới Khmer đảm đương các công việc nặng

nhọc hơn như làm đất, phun thuốc, bón phân, tưới tiêu,... Phụ nữ cũng phụ trách một số khâu

không cần nhiều sức như nhổ cỏ, thu hoạch, chăn nuôi nhỏ, dặm lúa, trồng rau, bán nông sản tại

chợ địa phương… (Kết quả thảo luận nhóm tại hai phường, tháng 4/2013). Đặc điểm phân công

này không khác với nghiên cứu về giới ở địa bàn khác13.

Thích ứng với diện tích đất đai manh mún, hộ Khmer đa dạng hoá cây trồng vật nuôi để hạn

chế rủi ro và đảm bảo an ninh lương thực. Sản xuất lúa trên cánh đồng có diện tích nhỏ hoặc trồng

thêm ít hoa màu, nuôi thêm gia súc, gia cầm là một mô hình phổ biến của hộ nông dân Khmer

hiện nay. Đó là lí do phụ nữ Khmer trong vài năm trở lại đây đã tham gia vào thị trường nhiều

hơn, góp phần cải thiện phần nào an ninh lương lực cho gia đình, và cũng là yếu tố tác động đến

khả năng nâng cao vị thế của phụ nữ Khmer, kể cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Dù vậy, tiếp cận với các chương trình khuyến nông ở phường tổ chức hiện nay 100% là nam

giới đảm nhiệm. Phụ nữ Khmer cho rằng “việc hội họp bên ngoài là của nam giới, mấy ông đi

nghe cán bộ nói mới hiểu, chúng tôi là đàn bà con gái thì lo việc cơm nước thôi” (phỏng vấn sâu

bà T.T.S, 46 tuổi, KV Bình Yên, Trường Lạc). Rõ ràng, nhiều công đoạn sản xuất nông nghiệp

phụ nữ đã tham gia vào những khâu quan trọng nhưng họ luôn nhìn nhận thấp về khả năng của

mình. Hơn thế nữa, việc nam giới chuyển một phần sang làm công việc phi nông nghiệp (hoặc di

cư đi làm thuê), nữ giới ở nhà nhưng vẫn chưa mạnh dạn tham gia vào các lớp tập huấn khuyến

nông. Cán bộ khuyến nông cũng coi việc tập huấn này là “nên mời nam giới” vì họ nắm bắt nhanh

hơn (Phỏng vấn sâu anh Ng.V.H. 38 tuổi, cán bộ khuyến nông Q. Ô Môn).

Diện tích đất thu hẹp đã dẫn đến thời gian nông nhàn càng tăng lên, một số phụ nữ đi làm

thuê để kiếm thêm thu nhập như làm cỏ, dặm lúa… Mong ước của họ là có một công việc tại chỗ

nào đó để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống. Họ cũng cho biết sắp tới nếu áp lực cuộc sống

tăng lên họ buộc phải cầm cố hoặc bán đất (khi giá tăng). Nhưng bài học về sang nhượng đất cho

13 Trần Thanh Bé, 2007. Tác động của phong tục tập quán đến phát triển kinh tế xã hội cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng , Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ.

8

Page 9: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

thấy ở cộng đồng này là họ lại thuê đất của chính mình (đã bán hoặc đã cầm cố) để tiếp tục làm

nông. Tiền bán đất đa phần được chi dùng cho nhu cầu cơ bản, không được tích luỹ hoặc đầu tư

cho sinh kế khác. Đây là một dấu hiệu của dạng thức nghèo mới trong quá trình đô thị hoá vì

không chuyển đổi được sinh kế mới trong khi tài sản sở hữu mất dần đi.

Có thể nói, vốn tự nhiên (cụ thể là đất đai) và vốn con người là yếu tố chính để phụ nữ

Khmer bám trụ lại với nghề nông và có thể đủ năng lực nâng cao chất lượng cuộc sống bằng

những hình thức sản xuất mới. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trình độ học vấn thấp và thiếu các

kỹ năng cần thiết thường dẫn đến thất bại trong trồng trọt, chăn nuôi và dễ đẩy nông dân đến gần

tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, giáo dục chính thức không phải là con đường duy nhất để nâng

cao vốn con người, giáo dục phi chính thức cũng rất quan trọng (như các lớp tập huấn, hướng dẫn

kỹ thuật mô hình sản xuất mới). Tiếc thay, các chính sách nâng cao năng lực thông qua con đường

giáo dục phi chính thức đã lờ đi khía cạnh giới. Trong khi phụ nữ Khmer đang ngày càng nắm giữ

nhiều hơn quyền quyết định trong các khâu sản xuất nông nghiệp, đó cũng là hệ quả của việc nam

giới dịch chuyển sang nghề phi nông ngày càng gia tăng.

Phụ nữ Khmer chuyển đổi sinh kế sang lĩnh vực phi nông nghiệp

Nếu như vốn tự nhiên là yếu tố nền tảng để duy trì nghề nông thì vốn con người lại là yếu tố

quan trọng và quyết định đến việc tìm kiếm việc làm ngoài nông nghiệp. Vốn con người được thể

hiện thông qua các kỹ năng, kiến thức, khả năng sức khỏe của lao động để đảm bảo việc theo đuổi

các mục tiêu sinh kế. Ngoài ra, khả năng sử dụng ngôn ngữ cũng là một trong những yếu tố góp

phần cải thiện sinh kế theo hướng tích cực hơn ở các lĩnh vực phi nông.

Nhận định về khả năng để tiếp cận đến những việc làm tốt hơn, phụ nữ Khmer cho rằng có 4

yếu tố chính có thể giúp họ dễ dàng chuyển đổi sang các việc làm phi nông nghiệp, bao gồm: (1)

trình độ học vấn cao ; (2) có các mối quan hệ xã hội tốt; (3) tiếp cận được các thông tin về việc

làm; (4) công việc mới không quá xa nhà vì muốn chăm sóc gia đình.

Trình độ học vấn thấp là rào cản lớn nhất, không chỉ là không đáp ứng được nhu cầu tuyển

dụng mà còn hạn chế sự tự tin của phụ nữ Khmer để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm. Hiện nay,

phụ nữ Khmer trong cuộc điều tra này chỉ đạt ở mức trung bình lớp 6, tập trung phần lớn ở cấp 1

(chiếm 36,0%). Tỷ lệ phụ nữ Khmer mù chữ (chiếm 12,7%) nhưng kết quả điều tra chi tiết hơn về

khả năng ngôn ngữ cả tiếng Việt và tiếng Khmer cho thấy có đến 20,1% số phụ nữ Khmer không

biết đọc và viết thành thạo ở cả hai ngôn ngữ. Tỷ lệ không biết đọc và viết Tiếng Việt cao hơn tỷ

9

Page 10: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

lệ nữ mù chữ đã phản ánh rằng có một bộ phận không nhỏ phụ nữ Khmer đã từng đi học tiếng

Việt nhưng đã “quên do không sử dụng nhiều” hoặc “đi học nhưng chưa đạt đến mức độ đọc hiểu

và viết” (Kết quả thảo luận PRA tại 2 phường, tháng 4/2013). Đây là một thực tế cần được quan

tâm trong các thống kê về tỷ lệ mù chữ của phụ nữ Khmer để đánh giá chính xác hơn khả năng

của họ. Vì hạn chế về trình độ học vấn và kỹ năng là tác nhân chính dẫn đến phụ nữ Khmer chỉ

chuyển đổi sang các việc làm kinh tế phi chính quy như làm thuê tự do, buôn bán nhỏ lẻ.

Biểu đồ 2. Trình độ học vấn của phụ nữ Khmer được khảo sát

12.7

36.032.5

15.3

3.6

mù chữcấp 1cấp 2cấp 3cao đẳng, đại học

Nguồn: Kết quả điều tra của tác giả, tháng 4/2013.

Hiện nay, các chương trình đào tạo nghề cũng rất quan trọng để giúp phụ nữ Khmer có thêm

nhiều lựa chọn việc làm. Song những chương trình đào tạo nghề ở Cần Thơ nói chung và ở quận

Ô Môn nói riêng đa phần được thiết kế phù hợp với nam giới hơn, điển hình như các nghề liên

quan đến điện tử, cơ khí,… Hơn nữa, khoảng cách đi lại để học nghề khá xa (trên 15km) cũng cản

trở khả năng tiếp cận. Nắm bắt được đặc điểm của phụ nữ Khmer có thời gian nông nhàn cao, Hội

Liên Hiệp Phụ nữ của Quận thiết kế chương trình dạy đan kết cườm để làm các sản phẩm thủ

công như ví, giỏ xách, bình hoa…. Nhưng số lượng phụ nữ tham gia đến nay chỉ còn 3 người và

không còn muốn duy trì.

Vốn xã hội thường được xem như một “bộ đệm” giúp họ đối phó với các cú sốc, tạo nên

một mạng lưới an toàn để đảm bảo sinh kế; đồng thời có thể bù đắp cho sự thiếu hụt của các loại

vốn khác (ví dụ như có thể vay mượn về tài chính…). Các mạng lưới xã hội này tạo điều kiện

thuận lợi cho sự phát triển và chia sẻ kiến thức. Đối với người Khmer, vốn xã hội còn liên quan

đến các phong tục tập quán và tín ngưỡng. Việc thiếu các mối quan hệ xã hội để hỗ trợ thông tin

về việc làm phi nông nghiệp cho phụ nữ Khmer là một rào càn rất lớn mà các chính sách hỗ trợ

10

Page 11: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

cần quan tâm đến. Hơn nữa hoạt động tín ngưỡng, tham gia các lễ tết (như Tết Chol Chnam

Thmay, Tết Sel Dolta, lễ Ok Om Bok,…) một mặt duy trì truyền thống tốt đẹp của người Khmer

nhưng trong cuộc khảo sát của chúng tôi, ngay cả phụ nữ Khmer đang làm việc trong khu vực

kinh tế chính quy cũng tham gia lễ tết với số ngày dài hơn rất nhiều so với ngày lễ qui định. Một

số phụ nữ trẻ còn cho biết “sẵn sàng bỏ việc để tìm việc mới” vì không thể bỏ qua những hoạt

động truyền thống này. Trong khi những ngày lễ tết này không được nghỉ chính thức theo qui định

của Luật Lao động Việt Nam. Một số doanh nghiệp được phỏng vấn cũng cho rằng “không hài

lòng với việc nghỉ làm kéo dài của công nhân người Khmer và việc yêu cầu ứng lương theo tuần,

theo ngày gây khó khăn cho quản lí của công ty” (Phỏng vấn sâu Trưởng phòng Nhân sự, Cty A,

KCN Trà Nóc 1, TP.Cần Thơ).

Hạn chế về vốn con người và vốn xã hội là mối liên quan trực tiếp đến việc thiếu sự liên kết

chặt chẽ với các tổ chức hỗ trợ sinh kế có lợi cho họ. Trong phân tích sơ đồ Venn cho thấy phụ nữ

Khmer chỉ tiếp xúc chủ yếu hàng xóm, họ hàng và các sư sãi tại các Chùa ở địa bàn. Trong khi

các tổ chức khác có nhiều kênh thông tin về việc làm và hỗ trợ vốn nhưng gần như họ không có sự

kết nối (Ví dụ như Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông

thôn có các chương trình ưu tiên vay vốn lãi suất thấp).

Sơ đồ 2. Sơ đồ Venn về các tác nhân ảnh hưởng đến chuyển đổi sinh kế

của phụ nữ Khmer tại P.Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn

Nguồn: Kết quả thảo luận nhóm PRA tại Phường Châu Văn Liêm, tháng 4/2013.

Có thể nói, phụ nữ Khmer nói riêng và người Khmer nói chung đề cao những giá trị tinh

thần trong những mối quan hệ được qui định bởi những chuẩn mực, văn hoá và tôn giáo của họ.

Những giá trị tinh thần này cần được giữ gìn và phát huy nhưng bên cạnh đó các chính sách cũng

11

Phụ nữ Khmer Hội

Phụ nữ

UBND phườn

g

Trưởng khu vựcCty, xí

nghiệp địa

phương

Họ hàng/ Hàng xóm TT

xúc tiến việc làm

Hội Nông dân

Sư sãiNgân hàngTầm quan trọng về kỹ thuật sản xuất

Tầm quan trọng về hỗ trợ đào tạo nghề

Tầm quan trọng về tài chính

Tầm quan trọng về tinh thần

Tầm quan trọng về chính trị

Tầm quan trọng về việc làm

Page 12: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

cần thay đổi cách tiếp cận để phụ nữ Khmer tự tin tiếp cận cơ hội về sinh kế. Hơn hết là sẽ giúp

họ xoá bỏ rào cản vốn dĩ từ lâu đã tạo cảm giác ngăn cách với những tổ chức mang nặng thủ tục

hành chính.

2.4. Kinh nghiệm từ một chính sách hỗ trợ đạo tào nghề cho phụ nữ Khmer

Hỗ trợ đào tạo nghề kết cườm ở phường Trường Lạc cho phụ nữ Khmer được bắt đầu triển

khai từ năm 2011. Dự án này do Hội liên hiệp Phụ nữ Quận Ô Môn phối hợp với Trung tâm Dạy

nghề Quận tổ chức. Với chính sách hỗ trợ đào tạo nghề từ chường trình 13414, quận đã hỗ trợ mỗi

phụ nữ Khmer thuộc hộ nghèo 15 nghìn đồng/ngày, và 10 ngàn đồng/ngày đối với hộ cận nghèo

thực học cho lớp kết cườm.

Kết quả đã huy động được 20 phụ nữ Khmer nghèo tham dự lớp học với thời gian là 45

ngày tại phường Trường Lạc. Do đây là nghề dễ học (chỉ sau khoảng 1 tháng là có thể làm ra sản

phẩm bán được ra thị trường) nên phụ nữ Khmer rất thích học nghề này. Phó Chủ tịch Hội Liên

hiệp Phụ nữ quận, Cô P.T.P.R cho biết “chúng tôi đã khảo sát nguyện vọng (tức chọn nghề) trước

khi tiến hành dạy nghề cho chị em để họ được học nghề theo sở thích và đúng khả năng”. Các cấp

chính quyền cũng khẳng định đây từng là dự án thành công tiêu biểu được các cơ quan báo đài ca

ngợi với tính phù hợp và thuận lòng của đa số phụ nữ Khmer. Ban đầu đã giúp họ tự tin hơn với

công việc mới, tận dụng tối đa thời gian nông nhàn của phụ nữ Khmer nghèo, trình độ học vấn

hạn chế.

Hình 2. Các sản phẩm từ dự án kết cườm

của phụ nữ Khmer phường Trường Lạc.

Nguồn: Ảnh chụp của tác giả, tháng 4/2013.

Tuy nhiên, sau thời gian ngắn, giá nguyên liệu tăng cao, không có đầu ra nên hiện nay

chương trình này đã không thể tiếp tục duy trì. Hệ quả từ lần thất bại này đã không còn phụ nữ

Khmer nào muốn theo đuổi nghề, và chẳng những thế, họ đánh giá “thời gian học nghề kết cườm

14 Quyết định 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, ngày 19 tháng 07 năm 2004.

12

Page 13: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

là thời gian lãng phí” (Kết quả thảo luận nhóm PRA tại phường Trường Lạc, tháng 4/2013). Hơn

nữa điều đó còn tạo nên tâm lý chán nản, e dè khi được kêu gọi tham gia các dự án tương tự tiếp

theo.

Có thể nói việc tiếp cận “từ dưới lên”, ở đây là khảo sát nguyện vọng và làm theo nguyện

vọng của phụ nữ Khmer, chỉ là khâu cần thiết trong việc hoạch định các chương trình hỗ trợ, chứ

không thể là khâu quyết định đến thành công của dự án. Vấn đề là ban điều phối thực hiện dự án

cần phải xem xét toàn cảnh chuỗi hàng hoá của sản phẩm mà phụ nữ được đào tạo để đảm bảo yếu

tố và đầu ra cho sản xuất. Bởi vì sản phẩm kết cườm làm ra không có nơi tiêu thụ bởi giá cao,

không đặc sắc về thẩm mỹ… nên khó có thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, giá rẻ, đẹp

mắt và tiện dụng hơn. Cô P.T.P.R cũng thừa nhận “đây là bài học kinh nghiệm của Hội. Sau khi

rơi vào tình cảnh này, Hội có tổ chức toạ đàm tìm giải pháp, sắp tới sẽ tổ chức dạy nghề theo các

chương trình có liên kết với các xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn để đảm bảo đầu ra của sản

phẩm”. Điều này đòi hỏi sự tham gia đầy đủ của các tác nhân đối với các dự án hỗ trợ sinh kế cho

phụ nữ Khmer trong giai đoạn sắp tới.

3. Kết luận và kiến nghị

Trong 5 năm qua, quá trình đô thị hoá đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi sinh kế của phụ

nữ Khmer tại Quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Áp lực giữa việc duy trì nghề nông và từ bỏ nghề nông

đã khiến cho phụ nữ Khmer buộc phải tìm kiếm sinh kế mới trong thời gian ngắn, chưa đủ để

chuẩn bị những kỹ năng thích ứng với hoàn cảnh mới. Thích ứng sinh kế tự phát hay thích ứng

tạm thời đã đem đến kết quả sinh kế không mấy khả quan khi tình trạng thu nhập thấp và bấp

bênh từ việc làm phi chính quy. Kết quả là nghèo kinh niên và dễ nghèo trở lại đã diễn ra liên tục

trong thời gian qua, thực chất đây là biểu hiện của dạng nghèo mới trong quá trình đô thị hoá. Đó

là không còn đơn thuần là nghèo bản xứ, mà là nghèo đa chiều (không chỉ đo lường bằng thu

nhập) trước những cú sốc của đô thị hoá nhanh. Một dạng thức nghèo mới trong quá trình phát

triển dễ dẫn đến nguy cơ bị loại trừ xã hội cao.

Vốn tự nhiên thu hẹp nhanh là điều không thể đảo ngược của tiến trình đô thị hoá này. Phụ

nữ Khmer trong hoàn cảnh đó buộc phải thay đổi, nâng cao chính nội lực của mình để thích ứng

với hoàn cảnh mới. Nhưng khả năng về trình độ học vấn vốn dĩ không dễ nâng cao trong thời gian

ngắn mà đòi hỏi chính sách cần đẩy mạnh việc thay đổi các kỹ năng tương thích cho họ. Song

song đó, vốn xã hội trong xã hội nông nghiệp truyền thống bó hẹp đã không đem lại nhiều cơ hội

cho họ phát triển những nghề phi nông. Những giá trị văn hoá và chuẩn mực xã hội đã dẫn đến

13

Page 14: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

phụ nữ Khmer không thực sự nhìn nhận những đóng góp của mình cho gia đình và xã hội. Dù họ

đảm đương những công việc có sức ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế hộ mà còn tác động đến sự

thay đổi của những thế hệ sau, thông qua việc chăm sóc và giáo dục con cái. Thay đổi cách nhìn

nhận về năng lực của chính phụ nữ Khmer và quan niệm về giới của những tác nhân trong quá

trình hoạch định và thực thi chính sách là chìa khóa then chốt để đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

Carney, Diana. 2002. Sustainable Livelihoods Approaches: Progress and Possibilities for Change. Department for International Development, UK.

Department of International Development (DFID), 2001. Sustainable Livelihoods Guidance Sheet, London.

Hồ Kim Thi, 2014, Thích ứng sinh kế của hộ nông dân Khmer trong bối cảnh đô thị hóa vùng ven đô tại quận Ô Môn, TP.Cần Thơ, Luận văn Thạc sĩ, chuyên ngành Địa lý học, ĐHKHXH&NV TP.HCM.

Hong Anh Vu, 2010. Báo Cáo Hiện trạng Bất Bình Đẳng Giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, Oxfam Vietnam.

Jonathan Rigg, 2005. Living with Transition in Laos: Market Intergration in Southeast Asia, Routledge, UK.

Ngân hàng Thế giới. 2012. Báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam: Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong giảm nghèo và những thách thức mới , Hà Nội.

Nguyen Quang Tuyen, “Land Holding Changes and Kinh and Khmer Farmers’ Livelihoods in Thoi Thuan B Hamlet, Thoi Lai Town, Co Do District, Can Tho City, Vietnam”, Asian Social Science Vol.6, No.1, January, 2010.

Tôn Nữ Quỳnh Trân và nnk. 2009, Các vấn đề về đời sống của cư dân vùng đô thị hoá tại TP.Cần Thơ: thực trạng và giải pháp tương thích, Sở KHCN TP.Cần Thơ.

Tổng cục Thống kê, 2012. Niên giám thống kê 2012, NXB Thống Kê, Hà Nội.

Trần Thanh Bé, 2007. Tác động của phong tục tập quán đến phát triển kinh tế xã hội cộng đồng người Khmer tỉnh Sóc Trăng, Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, Đại học Cần Thơ.

UBND Quận Ô Môn, Báo cáo Kết quả thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2010 - 2012 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

UBND Quận Ô Môn, Báo cáo về việc tổ chức thực hiện chính sách Dân tộc, Chương trình 134 và Đề án thực hiện Quyết định 74/2008/TTg của Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2010.

UBND TP.Cần Thơ, 2013, Phân tích hiện trạng, tương tác giữa nghèo và tính dễ tổn thương liên quan đến BĐKH ở khu vực đô thị TP.Cần Thơ, Ban chỉ đạo 158, UBND TP.Cần Thơ.

14

Page 15: Nang luc sinh ke phu nu khmer  ho kim thi

ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ

ThS. Hồ Kim Thi sinh năm 1985 tại Cần Thơ. Hiện nay cô đang công tác tại Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Địa lý Kinh tế và Phát triển vùng vào năm 2007, cô tham gia vào các nghiên cứu liên quan đến chuyển đổi việc làm ở vùng đô thị hoá nhanh tại các thành phố ở Nam bộ. Năm 2013, cô ấy hoàn thành chương trình thạc sĩ Địa lý học với chủ đề nghiên cứu về thích ứng sinh kế của hộ nông dân Khmer tại vùng ven đô TP.Cần Thơ. Hiện nay cô đang tập trung chính vào lĩnh vực địa lý kinh tế và địa lý phát triển, liên quan đến chủ đề thích ứng sinh kế và giảm nghèo cho người dân tộc thiểu số (đặc biệt là người Khmer) tại Đồng bằng Sông Cửu Long trước thách thức của đô thị hoá và biến đổi khí hậu.

15