BIÊN TẬP Lê Thạch Quyên Nguyễn Huy Hoàng -...

16
BIÊN TẬP Lê Thạch Quyên Nguyễn Huy Hoàng Vũ Quỳnh Mai

Transcript of BIÊN TẬP Lê Thạch Quyên Nguyễn Huy Hoàng -...

BIÊN TẬP

Lê Thạch Quyên

Nguyễn Huy Hoàng

Vũ Quỳnh Mai

Trong số báo đặc biệt mừng xuân Bính Thân này, quý độc giả sẽ không

thấy những bài viết mang tính chuyên môn như thường lệ, sẽ thấy phần

trình bày hơi khác biệt, cụ thể là khá…ngộ nghĩnh, bởi Ban biên tập,

dù rất nỗ lực, nhưng với vốn kinh nghiệm và hiểu biết non nớt về đồ

họa, chỉ có thể dành hết tâm huyết để mang tới một món quà xuân ấm

áp cho đại gia đình CHODAI-CKJVN.

Góp mặt trong số báo xuân này là những cây bút rất đa dạng, từ cao

niên tới sinh viên, từ sếp đến nhân viên, mỗi người một phong cách, hi

vọng khiến quý độc giả thích thú thưởng thức.

Mùa xuân mới đang tới, sau những ngày rét mướt kỷ lục thì nắng đã lại

về, khởi đầu một năm mới đầy hi vọng và tin tưởng.

Xin được chân thành cảm ơn các tác giả, trong những ngày cuối năm

bận rộn gấp gáp, vẫn dành thời gian và tâm sức đóng góp bài viết trong

số nội san đặc biệt này.

Xin kính chúc đại gia đình CHODAI-CKJVN cùng quý độc giả gần xa

một năm mới an khang, hạnh phúc.

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2016,

Thay mặt Ban biên tập,

Lê Thạch Quyên

LỜI MUỐN NÓI

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Người ta nói, trong số báo cuối năm, ai cũng tổng kết về thành tựu trong một năm vừa qua, nói về những

thành công, những điều cần rút kinh nghiệm cho một năm.

Người ta nói, ngày cuối năm là ngày nhìn lại công ty, ngày nhìn lại những vạch kẻ của dòng đời, có nét

thưa, nét rõ, có cả những nét ngoằn ngoèo vì đời vẫn thế.

Tôi lại thích nói về những đồng đội của tôi, những người đã cùng chung vai sát cánh cho cả một chặng

đường chưa đủ dài, nhưng là nền móng để hướng tới tương lai.

Với ma cũ

Hầu như không có buổi họp nào mà mình không mắng cái Loan vì tội ngày nào cũng làm đến 7-8 giờ tối

mà không biết chia sẻ công việc cho ai. Thế mà mặt nó vừa rưng rưng vừa sưng xỉa, như là mình làm gì

hại nó.

Rồi thì nhớ em Quyên, đến ngày cuối cùng trước khi chốt hồ sơ, vẫn thức đến 3h sáng để ra được một hồ

sơ thầu hoàn hảo, để chồng lo lắng phải lên tận văn phòng canh gác.

Rồi thì bạn Tùng, lăn lộn ở dự án Nhật Tân, đôi lúc buồn chán về chuyện nhân tình thế thái, nhưng vốn

bản tính cẩn thận, đa nghi, bạn đã đi đến cùng với dự án. Tùng cũng làm không biết bao nhiêu cô gái rơi

lệ vì sự thẳng thắn của mình.

Tuyên thì vẫn thế, cần mẫn hì hụi, chỉ có điều đã tươi tỉnh hơn, cười nhiều hơn. Chắc là yên tâm vì thuyền

đã có cột. Chúc mừng em.

An thì hoành tráng hơn, thi thoảng quên vài việc, nhớ rất dai vài việc. Vẫn là trợ thủ đắc lực của anh

Hoàng, đặc biệt là khả năng chém bio thì không thua anh Hoàng là mấy. Cung hỉ cung hỉ.

Ngọc thì cao thủ hơn, sau 6 tháng tu luyện, quay trở lại bằng sự hào hứng hơn. Đầu tiên là dẹp loạn thịt

bẩn, rau bẩn ở văn phòng. Tiếp đến là quả làm hồ sơ thầu theo phong cách, bao nhiêu ngày đầu thì không

làm, nhưng để ngày cuối chơi đến 12:00 đêm luôn. Cũng là một phong cách sống.

Đức Quang

LỜI MUỐN NÓI

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Cô Hạnh vẫn là một người cô bao dung cho cả văn phòng, ngày 20/10, 8/3 nào cô cũng đều đứng ra tổ

chức cho các chị em đi ăn trưa, đi xem phim. Những ngày đó là ngày của chị em, còn 363 ngày còn lại

của anh em, chưa thấy cô mời hôm nào cả, cô ạ.

“Lang” Trang (Thu Trang) vẫn chu đáo quan tâm đến sức khỏe, bốc thuốc, kê đơn cho các chị em trong

văn phòng, tất tật từ nhức đầu, nhức xương, ho hen, thiếu máu… Tinh thần ngày càng lạc quan, bản lĩnh

ngày càng vững, sếp mắng vẫn nhẹ nhàng bình tĩnh, chẳng biết có thù dai hay không.

Em Khuê vẫn đáng yêu như con búp bê, chăm chỉ ngoan ngoãn, thơ ngây chẳng biết có người vì em mà

đang ươm một vườn củ đậu.

Thi càng ngày càng trở thành biểu tượng của “tinh thần bio”, miệt mài, bền bỉ, nơi hoshi thật là giàu chất

thơ, giá thể thì đầy hương vị, mỗi chuyến “phất bông” lại là một hành trình khám phá.

Đức thì ngày đêm vật lộn với dự án Hải Phòng, trong dòng đời xô đẩy, Đức đã tìm được bản lĩnh của

mình, chứ không phải chỉ là những màn cá cược mà cuối cùng say mèm mà không biết vì sao say. Nói thế,

chợt lại nhớ đến Tho, đến Thảo, những người xưa cũ, những kỷ niệm xưa lại ùa về.

Với ma mới

Quỳnh Trang xuất hiện xinh tươi như một đóa hoa quỳnh, đàn em thơ cũng như các anh già đều mừng

như bắt được vàng, với bao nhiêu vấn đề hóc búa, lắt léo được giải quyết, cũng như trở thành nhà tài trợ

vip của quỹ “đền ơn đáp nghĩa” bằng voucher đi muộn cả năm.

Một đóa quỳnh nữa là Quỳnh Mai, em gái của những sự bất ngờ, với tài năng hạ gục các anh tài trên bài

rượu bia, và bản lĩnh khiến anh Tùng nổi tiếng nhanh trí và bình tĩnh phải chết lặng chỉ bằng một câu nói.

Huy Văn vẫn cần cù, nhẹ nhàng, nhiệt tình giúp đỡ mọi người, đôi khi hơi bẽn lẽn ngơ ngác, năm mới về

với anh Tùng, chắc sẽ sớm đắc đạo.

Huy Hoàng mới chỉ ra mắt vài tháng đã được các em gái tung hô là “soái ca”, nên đừng hỏi vì sao mình

bắt nó thức đêm thức hôm làm dự án cho kịp tiến độ.

Bio team có thêm em Nhung và Việt Anh, nghe đâu là cặp đôi ăn ý, Nhung thì cá tính, chém gió chẳng

kém chị An, Việt Anh lại dịu dàng, trầm tĩnh.

Cho năm 2016

Mỗi người một phong cách, một kỷ niệm, một cách sống, nhưng điều

lớn nhất chính là khi có công việc, tất cả cùng chung tay góp sức làm

việc. Một ngày, tôi uống cà phê, chợt vô cùng tâm đắc với bức tranh

treo trên tường. Phía trên là màu sắc rực rõ của những cây trong nền

trời xanh, phía dưới chỉ là những rễ cây giản dị. Triết lý của cuộc

sống là ở đó, rễ có thật sâu, thì cây mới đẹp, mới vững. Và đối với

CKJVN, rễ ở đây chính là sự gắn bó giữa con người với con người, sự

hòa quyện của các kỷ niệm, là sức mạnh của một đội ngũ khát khao

vươn tới tương lai.

Chúc cả nhà một năm mới an lành, hạnh phúc, thịnh vượng./.

KHÁM PHÁ VĂN HÓA

Chúng ta sắp bước vào kỳ nghỉ Tết Âm lịch truyền thống – kỳ nghỉ lễ lớn và quan trọng nhất của đất nước. Trong số báo cuối năm này; hãy cùng quay ngược thời gian về những ngày đầu năm mới Dương lịch và tìm hiểu thêm về ngày Tết Oshougatsu của người Nhật, để không khí đón xuân

càng thêm rộn ràng, háo hức.

1. Những ngày cuối năm:

Thông thường người Nhật chuẩn bị gửi thiệp mừng năm mới trước ngày 25 để kịp đến tay người nhận vào ngày đầu năm. Tấm thiệp thường gửi những lời chúc phúc, tri ân, hay những thông điệp yêu thương đến tay người nhận.

Người Nhật gọi ngày cuối cùng của năm là Omisoka. Trước buổi chiều của Omisoka, hầu như mọi hoạt động tổng vệ sinh, dọn dẹp (Osouji) đã được hoàn tất. Các gia đình cũng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn Tết.

Tối Omisoka, các thành viên gia đình sẽ quây quần bên nhau xem chương trình đón năm mới và ăn mì trường thọ (Toshikoshi soba). Sợi mì soba thon dài tượng trưng cho ước muốn sống dài lâu; bên cạnh đó, hành lá ăn kèm với mì còn có ý nghĩa trừ tà; cầu mong hạnh phúc cho năm mới.

Vào đêm Giao thừa, các ngôi chùa sẽ đánh 108 tiếng chuông báo hiệu năm mới đến. 108 tiếng chuông tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo đạo Phật; hy vọng thanh tẩy âm khí, tà ma. Giờ khắc năm mới đến, mọi người cùng nhau chúc mừng năm mới :”Akemashite omedetou gozaimasu”.

KHÁM PHÁ VĂN HÓA

Một số đồ vật trang trí ngày Tết của người Nhật:

Kadomatsu: gồm có thông và tre tươi, được dựng trước cửa nhà hoặc thềm nhà. Kadomatsu được coi là dấu hiệu thần linh hạ trần.

Shimekazari: là vật được trang trí trước cửa nhà hoặc bàn thờ, thể hiện ngôi nhà là nơi thiêng liêng, mời gọi thần linh vào dịp năm mới.

Kagamimochi: là mâm gồm 2 tầng bánh dày

(Mochi) và đặt 1 quả quýt lên trên cùng.

Kagamimochi được coi là nơi thần linh trú ngụ và được đặt ở nơi trang trọng nhất ngôi nhà.

Tuy nhiên người Nhật kiêng trang trí Kadomatsu, Shimekazari và Kagamimochi vào ngày 29 và 31/12 để tránh gặp chuyện không may.

KHÁM PHÁ VĂN HÓA

2. Những ngày đầu năm mới:

Một số hoạt động trong những ngày Oshougatsu:

- Ngắm mặt trời mọc (Hatsu hi no de): nhiều người Nhật đi ngắm mặt trời mọc trong ngày đầu tiên của năm, cầu nguyện một năm hạnh phúc, nhiều điều tốt đẹp.

- Đi lễ chùa/ đền đầu năm (Hatsumoude): Người dân đến những ngôi đền, chùa cầu nguyện, viết điều ước lên thẻ bài (ema), nhận bùa cầu may (omamori), rút quẻ.

- Lì xì (Otoshidama): cũng như nhiều nước châu Á khác, ở Nhật có tục lệ tặng lì xì cho trẻ nhỏ trong dịp Tết.

- Chơi các trò chơi truyền thống như thả diều, đánh cầu, v..v

Một số món ăn Oshougatsu:

Người Nhật sẽ thưởng thức các món ăn Tết theo thứ tự: Otoso – Osechi – Ozouni.

- Otoso: Otoso là rượu thuốc, thể hiện mong muốn gia đình được mạnh khỏe. Khi uống Otoso cũng mang ý nghĩa là truyền sinh khí của sức trẻ đến những người bề trên, vậy nên thứ tự uống Otoso sẽ là từ những thanh niên , bậc dưới trong nhà.

- Osechi: là những món ăn mang ý nghĩa dâng lên thần linh trong dịp Tết. Các món Osechi thường đa dạng về màu sắc và tượng trưng cho nhiều điều tốt đẹp. Chẳng hạn như Kamaboko có màu hồng và

KHÁM PHÁ VĂN HÓA

trắng tượng trưng cho mặt trời mọc, đậu đen mang ý nghĩa có sức khỏe để làm việc, Kurikinton (khoai tây nghiền và hạt dẻ ngọt) màu vàng tượng trưng cho sự no đủ và thắng lợi, tôm tượng trưng cho sự trường thọ, v..v

- Ozouni: món canh có bánh dày, rau củ, thịt cá, v..v Bánh dày mochi có thể kéo dài ra được, tượng trưng cho việc sống lâu, hơn nữa bánh có hình tròn cũng tượng trưng cho sự viên mãn. Những nguyên liệu ăn kèm trong canh Ozouni lại là biểu tượng cho sản vật, hoa màu thu hoạch từ đất đai.

Có thể thấy những hoạt động đón Tết Oshougatsu của người Nhật rất thú vị, là một trong những nét truyền thống vẫn luôn được giữ gìn trong cuộc sống hiện đại nhiều bộn bề. Có thể thấy được một số nét tương đồng trong cách đón Tết Oshougatsu với Tết Cổ truyền của Việt Nam như bữa cơm dâng lễ, đi lễ đầu năm, tặng lì xì, v..v Hi vọng một chút thông tin này sẽ giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa nước bạn, có thêm tinh thần chào đón một cái Tết nhiều niềm vui bên gia đình, người thân./.

-Minh Khuê-

SỰ KIỆN-NHÂN VẬT

Nguyễn Nga

Sắp qua đi một năm cũ với nhiều kỷ niệm vui

thật vui của đại gia đình CKJVN – Là năm

chúng ta có thêm nhiều chàng rể mới, dâu mới.

Và An san cô dâu xinh đẹp tiếp theo của

CKJVN.

Vào một ngày khí trời rét ngọt chúng tôi lại có

dịp nô nức về Nam Định dự đám cưới của An.

Lần này khác với những lần trước, mọi người

không váy áo xúng xính như mọi lần mà ai nấy

đều kín mít hết cả người nào là áo bông, găng

tay, khăn quàng, mũ len….

Rời Hà Nội vào lúc 8h sáng sau gần 4h di

chuyển cuối cùng cũng đến nhà cô dâu. Bước

xuống xe cảm nhận đầu tiên là sao mà “mát” đến

thế, và rồi cô dâu xuất hiện hân hoan chào đón

chúng tôi. Mọi người hỏi “có lạnh không em?”

Không ạ, vì em lấy được chồng rồi mà.

Rồi chúng tôi đã nhanh chóng tìm cho mình chỗ

ngồi ổn định hùa theo tiếng reo hò của quan

khách, tiếng cụng li cum cúp và trước mặt là

những bàn ăn thịnh soạn. Lúc đó mắt ai nấy đều

sáng trưng cả lên vì những đĩa thức ăn vừa nóng

hổi vừa bày trí lạ mắt mà theo như cô dâu giới

thiệu thì tất cả những món ăn này đều là cây nhà

lá vườn, có mỗi “Hành” là phải mua thôi. À mà

có một điều đặc biệt ở đây là ăn xong mỗi người

đều được chuẩn bị cho một cái túi để mang phần

về, chúng tôi trêu nhau là đi đến đâu thì phải

theo phong tục ở đó và cứ thế là cho đồ ăn vào

túi trên đường về còn có cái mà nhâm nhi. hehe.

Sau bữa ăn no nê phần nào làm giảm đi cái lạnh

6⁰c chúng tôi vào thăm quan nhà cô dâu, vừa

bước vào nhà mọi người trầm trồ nhà rộng và

đẹp thế này thì lấy chồng cũng phí nhở. Đến 15h

thì nhà trai đưa sính lễ sang hỏi cưới, sau khi

tiến hành xong mọi nghi lễ chúng tôi cũng đã

kịp chụp bức hình kỷ niệm cùng với cô dâu và

chú rể.

Tiệc cưới kết thúc chúng tôi lên xe quay trở về

Hà Nội. Kể từ nay một cuộc sống mới đang đến

với em, mong răng dù đảm nhiệm thêm vài trò là

vợ, là nàng dâu thì em vẫn luôn hoàn thành tốt

công việc của Công ty.

Chúc cho tình yêu của em luôn dịu dàng và bền

chặt. HAPPY WEDDING !!!

GÓC QUAY CÔNG SỞ

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Không khí xuân rộn ràng đã đến khắp

muôn nơi, hòa cùng với dàn đồng ca khụ

khụ của văn phòng, cán bộ công nhân viên

của công ty CKJVN đang cùng nhau bước

qua nốt những ngày cuối năm con Dê. Mọi

người ai cũng hồ hởi sắm sanh, sộp pinh

điên đảo. Hôm nay, hãy cùng phóng viên

phòng Kinh doanh chúng tôi đi sâu tìm

hiểu không khí Tết của mọi người qua

những đoạn phỏng vấn nhanh sau.

1. Chị N. của công ty C.

- PV: Thưa chị, theo chị, ai là thủ

phạm gây nên dàn đồng ca lục khục

trong văn phòng những ngày gần

đây?

- Tại cái văn phòng, chính là do cái

văn phòng này,khụ khụ, nó thiệt là bí

bách, khụ khụ, làm mọi người ốm

yếu, khụ, đề nghị, khụ, chuyển văn

phòng, khụ khụ, ngay và luôn.

- PV: Vâng, chị bình tĩnh ạ, hiện nay

khẩu trang hai mặt trắng đen đang

là xu hướng thời trang mới nhất của

văn phòng, xin chị cho nhận xét đồng

thời quyết định: mặt đen hay mặt

trắng sẽ quay ra ngoài?

- Khụ, do lãnh đạo thương dân, à quên

nhân viên, nên đề xuất phương án ai

ốm thì tự chịu, quay mặt đen để ho

xong bắn ngược về mình. Ngược lại,

người khỏe thì đeo mặt đen ra ngoài

làm lá chắn, ai ho về phía mình sẽ

bật ngược lại ngay, khỏe re.

(Ảnh: Huy Hoàng)

- PV: Túm lại là mình không sao là

được phải không ạ?

- Đúng thế, không được bắn vi khuẩn

sang người khác, khụ khụ, tự bắn về

mình, khụ.

- PV: Vâng, xin được tiếp thu. Về

những công cuộc ăn và chơi tới đây,

chị có ý kiến đóng góp nào không ạ?

Nguyễn Huy Hoàng (bé)

GÓC QUAY CÔNG SỞ

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

- Ăn chơi là phải hết lấc, mỗi năm một

dịp “ăn chơi thật sự “

- PV: Một liệu rằng có quá ít không

thưa chị?

- Một thôi, thằng này kì, năm nay đi

Sing, sang năm đi Mã, chứ đi cả hai,

thời gian đâu mà làm việc! Mà về đi

chơi, chị góp ý mỗi năm đi một

phương tiện cho máu, năm nay đi

máy bay, năm sau tàu, rồi xe máy, xe

đạp, đi bộ, không thì lăn ..v..v..

*Mày đừng đưa đoạn này lên nhé*

Mà giờ văn phòng có giải thi lăn,

Sếp nhất là cái chắc.

- PV: Vâng, ai mà nhanh được bằng

ảnh. Vậy thôi, Tết đã đến rồi, chị có

lời nhắn gửi gì đến cho mọi người

trong văn phòng không ạ?

- Xin được qua đây gửi đến mọi người

lời chúc sang năm ai cũng to thêm 1

tí nhé, còn to được đúng chỗ không

thì hên xui. Mà xong chưa nhanh lên

tao còn về.

- PV: Vâng, xin cảm ơn chị, chúc chị

tết vui vẻ

2. Em K. của công ty C.

- PV: Chào em, em thấy không khí văn

phòng những ngày giáp Tết như

nào?

- Rất sôi nổi nhưng vẫn giữ được tinh

thần làm việc chuyên nghiệp ạ!

- PV: Sắp tới Tết đến là dịp ăn dịp

chơi, em có ý kiến gì đề xuất đóng

góp cho văn phòng không

- Khó ghê anh ơi, em đâu đã có nhiều

dịp được ăn Tết với anh chị trong

văn phòng nên không biêt như nào.

Cơ mà nếu nói về nguyện vọng thì

em mong được mọi người chiêu đãi

nhiều món ngon và được lì xì thiệt to

ạ.

- PV: Anh cũng thích thế, vậy một câu

hỏi cá nhân chút nha, theo em ai là

người điển trai nhất văn phòng?

- Ui anh Tùng ạ, trời ơi hiếm có anh

nào hói nhưng lại dễ thương như anh

Tùng lắm anh ơi

GÓC QUAY CÔNG SỞ

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

- PV: Oài, anh Tùng được nhiều người

ngưỡng mộ ghê, có khi anh cũng

phải tính làm sao cho bớt tóc đi mới

được. Được rồi, cảm ơn em nha,

nhân dịp này em có muốn nhắn nhủ

gì đến mọi người không?

- いつもお世話になりありがとうご

ざいました。新しい年を迎え皆さ

んのご健康とご多幸を祈ります。

あけましておめでとうございま

す。Hi vọng phong trào học tiếng

Nhật của mọi người đi lên trong năm

mới ạ!

Xuân đã đến rất gần, hi vọng hai đoạn

phỏng vấn trên phần nào đã truyền tải

được không khí ấm áp gắn kết hào hứng

đón tân xuân của các thành viên CKJVN.

Thay mặt cho phòng Kinh doanh, xin được

gửi lời chúc mừng năm mới sức khỏe,

thịnh vượng, dồi dào tới toàn thể thành

viên công ty, chúc xuân mới thắng lợi mới,

thành công rực rỡ cho Chodai & Kiso-

Jiban Vietnam.

Cheers!

GÓC SÁNG TÁC

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Mùa bửa cau Rất tình cờ, khi số báo này gần xuất bản, chúng tôi có dịp đến thăm nhà thầy Tống Trần Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cầu đường Việt Nam, người thầy đáng ngưỡng mộ của bao thế hệ ngành giao thông. Trong căn nhà ấm cúng đầy ắp sách trên các kệ, chúng tôi không khỏi trầm trồ khi biết được, PGS.TS. Tống Trần Tùng kỳ cựu của ngành giao thông, lại cũng là một nhà khảo cứu văn hóa, lịch sử, một cây viết quen thuộc của Tạp chí Văn hóa Nghệ An, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Hội nhà văn… Được sự đồng ý của thầy, chúng tôi xin giới thiệu trong số báo này một trong những tản văn đầy chất thơ và cảm xúc hoài niệm. Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số tháng 5/2014.

Trận lụt cuối cùng trong năm của con sông Ngàn Phố đã qua. Đường làng ngõ xóm đã khô ráo dần. Dọc

hai bờ nhánh sông cổ của Ngàn Phố có tên gọi là Bàu Hạc vẫn còn nhìn rõ vết bùn đất phù sa phủ đầy

trên các cành lá đang ngả dần sang màu trắng. Nắng hanh vàng cuối thu đầu đông đã bắt đầu rực rỡ. Đã

qua rồi những ngày ẩm ướt, nhớp nháp của những trận mưa lụt nối tiếp nhau. Theo niên lịch thì mùa thu

sắp qua nhưng tiết thu mới thực sự đến với vùng bán sơn địa Hương Sơn này. Mùa bửa cau đã tới.

Không biết từ thuở nào nhưng khi tôi lớn lên thì Hương Sơn đã nổi tiếng bởi cau, trầu. Chẳng thế mà nhà

thơ Xuân Diệu khi đến đất Hương Sơn đã thốt lên:

...Ôi cái cuộc bao vây huyền diệu,

Những là chè, là mít, những là cau,

Những là làng là xóm đẹp như nhau,

Là tất cả một màu đất nước.

Thoang thoảng hương cau lồng phía trước

Chập chờn lá mít ánh đằng sau...

Ông nội tôi, một nhà nho lỡ thời của những năm mà Tây học đã dần chiếm chỗ ngay tại cái làng quê heo

hút này đã quyết chí lập vườn, trồng cau, trồng trầu. Chỉ với dăm bảy sào vườn với hàng trăm gốc cau

trồng thẳng hàng thẳng lối, mỗi gốc cau là một bụi trầu tươi tốt ôm quanh, mà ông bà nội tôi đã nuôi các

bác và ba tôi ăn học , có công ăn việc làm ở các công sở thời đó.

Cách mạng tháng Tám thành công, rồi kháng chiến chống Pháp. Ba tôi thoát li tham gia kháng chiến. Mẹ

tôi tần tảo nuôi chúng tôi và kiếm sống bằng những nghề quen thuộc của vùng quê. Nuôi tằm, kéo tơ, dệt

vải, chạy chợ. Và đến mùa bửa cau, cả nhà tôi đều tất bật. Hôm nay theo âm lịch là ngày lẻ, cũng là ngày

phiên chợ Gôi. Từ xa xưa, chợ Gôi quê tôi đã là một trong những chợ sầm uất, nổi tiếng:

Thượng , Hạ, Gôi, Choi, Nầm, Trị, Phố,

PGS.TS. Tống Trần Tùng

GÓC SÁNG TÁC

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Trăn, Tro, Sáo, Vực, Liễu, Hồng, Đồn

là những chợ có tiếng của vùng đất Đức Thọ, Hương Sơn, Nam Đàn mà một câu đối cổ còn ghi lại.

Từ sáng sớm, các bà các chị từ các làng vùng thượng Hương Sơn như Kẻ Sét, Hữu Bằng, Trị Yên, Kẻ

Mui náo nức xuôi chợ. Người gánh, người đội trên đầu những đúa, những thúng, những sảo đầy ắp

những sản vật của làng quê. Những cạo tro, những đúa khoai từ, khoai vạc, những gánh chè tươi,

những sảo khoai lú, khoai nưa, khoai sọ, nhưng nhiều nhất vẫn là những buồng cau trĩu quả. Trời trong

xanh, se lạnh hứa hẹn những ngày nắng hanh tuyệt vời cho công việc bửa cau.

Mẹ tôi ra ngõ đón mua cau của các bà các chị xuôi đường Bàu Hạc đi chợ Gôi. Tôi vác thang dài, câu

liêm ra vườn để chuẩn bị hái những buồng cau trong vườn của mình, những cây cau mà ông nội tôi đã

trồng trứơc đây. Nói hái cau là nói theo từ phổ thông bây giờ, còn chúng tôi vẫn quen gọi công việc này

là “trặc buồng cau”. Để trặc buồng cau, phải khéo léo đưa mũi sắc của câu liêm móc vào một bên của bẹ

buồng cau đang ôm chặt thân cây cau và kéo mạnh xuống dưới để cắt đứt một bên bẹ. Sau đó nâng câu

liêm lên sao cho cái móc cong của câu liêm khi xoay sẽ quấn vào cuống của các gié của buồng cau và

bóc bẹ buồng khỏi thân cây cau. Lúc này phải cố gắng trả lại tư thế thẳng đứng của cây sào có buồng

cau trĩu quả đang treo trên đầu câu liêm rồi từ từ hạ sào câu liêm để lấy buồng cau đang mắc trên đó.

Nếu không giữ được sào câu liêm thẳng đứng thì sẽ có nguy cơ câu liêm cùng với buồng cau nặng trĩu ở

đầu sẽ đổ vật xuống. Người trèo thang nếu may có thể không bị ngã nhưng buồng cau thì thể nào cũng

bị rớt bịch xuống đất làm các quả cau bắn tung toé. Lại phải mất công vạch các bụi cây, dò tìm để nhặt

nhạnh các quả cau bị rơi. Những cây “cau vọt” cao đến mức thang dài, rồi câu liêm vẫn không với đến bẹ

của buồng cau để ngoắc xuống thì phải dùng “năn” để trèo lên. “Năn” được làm bằng cách lấy những bẹ

của tàu lá chuối đã khô bện thành cái vòng dây chắc chắn để xỏ hai bàn chân vào đó khi trèo những cây

“cau vọt”. “Năn” càng dai, chắc và càng ôm khít hai bàn chân thì càng dễ trèo. Đứng sát thân cây cau, xỏ

hai bàn chân vào “năn”, hai tay ôm chặt thân cây cau, nhấc hai bàn chân đã được bó chặt bằng “năn” lên

kẹp chặt vào thân cây cau. Tiếp đó, duỗi thẳng người, hai tay ôm cây cau ở mức cao hơn rồi nhấc hai

bàn chân đang kẹp vào thân cây cau lên, kẹp chặt ở mức cao hơn. Thế là bạn đã giống như một con sâu

đo, có thể đo dần từng bước để trèo lên cây cau một cách tự tin. Đến một độ cao vừa đủ thì một tay ôm

cây cau, một tay nắm sào câu liêm “trặc” buồng cau xuống. Nếu cây “cau vọt” không mảnh đến mức bị

uốn cong nhiều khi trèo thì bạn có thể “đo” lên tận ngọn để dùng dao con cứa đứt một bên bẹ rồi tách

buồng cau khỏi thân cây và mang xuống.

Khi mặt trời lên khỏi ngọn các cây cau trong vườn thì cũng là lúc mẹ tôi rinh mấy đúa chất đầy các buồng

cau đón mua được ngoài ngõ vào sân. Trên sân lúc này đã có hàng chục buồng cau do chúng tôi trặc

trong vườn xuống, lúc lỉu quả, nằm lổm ngổm. Anh em chúng tôi cùng bứt cau khỏi buồng quăng vào

thúng. Buồng cau khi bứt hết quả trơ lại cọng và cái bẹ màu trắng xanh, một bên bẹ bị cắt khi “trặc” trông

giống như con trâu có một sừng bị cắt ngang nhưng sừng còn lại thì cong vút, nhọn hoắt. Bọn trẻ ngồi

đợi lấy những buồng cau to nhất đã bị vặt hết quả để giả làm trâu, tay nắm lấy hai cái sừng một dài một

ngắn vờ cưỡi lên cùng phi quanh sân, chơi trò “chọi trâu” không biết chán.

GÓC SÁNG TÁC

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Ăn trưa xong, anh em chúng tôi mỗi đứa một việc. Công việc đầu tiên nhưng cũng đòi hỏi phải khéo tay,

chính xác là “cắt ngàu”. “Ngàu” là một phần quả cau nối với cuống gié cau, giống như cái đài hoa nhiều

cánh để quả cau ngồi lên đó. Cắt ngàu nếu “phạm” quá sẽ làm miếng cau khô sau này bị ngắn, trông xấu

mã và khi ăn trầu với miếng cau ngắn “ngàu” sẽ có cảm giác cứng, khô, không ngọt. Cắt ngàu nếu ít quá

sẽ làm miếng cau khô có ngàu quá dài, nhọn một đầu, không ưa nhìn, ngàu nhiều phơi lâu khô và và

miếng cau vì thế dễ bị mốc. Cắt ngàu nếu không cẩn thận sẽ dễ bị đứt tay, chảy máu vì dao dùng cắt

ngàu phải sắc ngọt. Có câu tục ngữ “Sắc như dao cau” đấy thôi. Thường thì mẹ tôi cắt ngàu, còn chúng

tôi làm công việc dễ hơn là róc vỏ. Hàng thúng cau vỏ màu xanh sẫm, ngàu trắng muốt được chúng tôi

róc hết vỏ biến thành những quả trứng màu trắng ngà có cái chũm sót lại chút màu xanh trông như

những con búp bê tròn xoay ngộ nghĩnh, đội những cái nón bé xíu trên đầu. Vỏ cau mỏng mảnh dần chất

thành đống dưới chân, chạm vào mát lạnh và mềm êm. Trong khi mẹ tôi đi nấu khoai từ hoặc khoai vạc,

rang lạc cho chúng tôi ăn thêm bữa chiều thì tôi đảm nhận trọng trách xiết chũm, hay còn gọi là tiện

chũm. Tôi là con trai thứ hai nhưng có sức nhất nhà. Anh trai cả của tôi tuy bị tàn tật từ nhỏ, chân tay run

rẩy nhưng vẫn đòi được xiết chũm. Thanh gỗ dổi mỏng, có khoét hai cái lỗ già nửa hình tròn, một to, một

nhỏ, được đóng đinh chắc vào thành một cái chõng, hơi nghiêng về phía trước để làm chỗ tựa cho việc

cắt chũm được gọi là “cò”. Tay trái nhặt quả cau đã róc vỏ đưa vào lỗ khoét trên “cò”và điều chỉnh sao

cho phần chũm cau sẽ bị cắt không dài quá mà cũng không ngắn quá. Xiết chũm ngắn quá sẽ làm miếng

cau dài, đầu nhọn trông xấu, khi ăn trầu sẽ khó nhai vì cứng, còn xiết phạm sẽ làm miếng cau quá ngắn

và tỉ lệ trọng lượng cau khô thu được sẽ thấp. Quả cau nếu to sẽ đưa vào lỗ to, quả bé đưa vào lỗ bé.

Tay phải cầm dao phay thật sắc ép sát thành bên của cò để xiết sao cho phần chũm bị tiện đi được cắt

rất ngọt và dứt khoát.

Sau khi xiết chũm, các quả cau được bửa ra thành miếng cau. Tuỳ thuộc to hay bé mà quả cau sẽ được

bửa làm ba, làm tư hay làm nhiều miếng hơn, ít miếng hơn miễn sao các miếng cau đều nhau tăm tắp.

Những người bửa cau đều thuộc câu ca dao:

Thương nhau cau sáu bửa ba

Ghét nhau cau sáu bửa ra làm mười

Cau bửa xong được rải ra những chiếc nong đan thưa mà quê tôi gọi là những cái “ránh”. Các miếng cau

được lật ngửa trên “ránh”. Những miếng cau với phần hạt màu hồng nhạt, phần ngàu cau trắng muốt

chen sát nhau trên “ránh” nhìn xa như một tấm thảm hình tròn được dệt bởi những hoa văn lạ mắt.

Trong khi chúng tôi bửa và lật cau thì anh tôi tẩn mẩn dùng chiếc dao chìa vôi cạy các mẩu hạt cau trong

đống chũm cau và bỏ chúng vào một cái nồi, đổ nước vào nấu. Tôi giúp mẹ tôi phun đều nước hạt cau

đã được nấu này lên các miếng cau đã được lật ngửa trong “ránh”. Nước hạt cau sẽ làm cho phần

“ngàu” của miếng cau khi khô chuyển sang màu đỏ. Miếng cau khô nhờ vậy sẽ trở nên hấp dẫn và nhìn

ngon mắt.

Thường thì khi mẹ con chúng tôi lật và phun xong những miếng cau cuối cùng lên cái ránh cuối cùng thì

cũng là lúc gà gáy sáng. Trời càng về đêm càng se lạnh và bầu trời hình như cũng trong hơn, xa hơn.

Chúng tôi nhìn trời và tin chắc ngày mai sẽ là ngày nắng hanh tuyệt vời cho công việc phơi cau.

GÓC SÁNG TÁC

Nội san CKJVN – Số đặc biệt Tết Bính Thân 2016

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Trong gian nhà ngoài, mẹ tôi đang lúi húi chuẩn bị

“hầm sinh” cho các “ránh” cau được bửa tối hôm qua. Một cái “hầm” đan bằng nứa giống như cái quây

thóc được đặt giữa nhà. Chính giữa bên trong của “hầm” là một cái chảo đất nung chứa than củi đã bén

lửa. Gói một ít lưu huỳnh, mà chúng tôi vẫn gọi là “sinh”, vào một miếng giẻ, mẹ tôi bỏ cái gói “sinh” đó

vào cái chảo than đang cháy. Chúng tôi cùng mẹ hì hục xếp gần chục “ránh” cau chồng lên miệng hầm.

Cuối cùng là một cái chăn chiên phủ kín các ránh cau và phần thừa rũ xuống của chăn được buộc chặt

vào thành “hầm”. Sau khoảng thời gian “nhai giập bã trầu”, khói sinh bắt đầu toả trắng xung quanh “hầm”

cau. Khi mùi hăng hắc của lưu huỳnh bị đốt cháy xông lên thì cũng là lúc tấm chăn phủ được tháo ra, các

“ránh” cau được bưng ra đặt lên dàn phơi. Cau được “hầm sinh” sẽ chống được mốc trong khi phơi, lưng

miếng cau khi khô sẽ có màu trắng đẹp.

Những miếng cau được phơi khô dưới nắng hanh và gió tỏa một mùi thơm ngọt ngào như mời mọc.

Cũng có lúc trời chẳng chiều người, mưa phùn gió bấc đột ngột kéo về, cau chưa kịp khô là phải đem

hầm than ngay. Một đống nhỏ than củi được quạt cháy đỏ giữa nhà. Cái hầm đan bằng nứa lại được

đem ra. Các “ránh” cau được chồng lên. Cau được sấy khô tỏa mùi ngào ngạt. Ngôi nhà nhỏ của chúng

tôi lại càng ấm cúng.

Khi những cây cau trong vườn không còn lúc lỉu quả và trong gánh hàng của các bà các chị đi chợ Gôi

thưa thớt dần những buồng cau thì cũng là lúc mùa bửa cau sắp qua. Mẹ tôi lót lá chuối đã phơi khô

dưới đáy những chiếc chum sành và đổ những thúng cau khô vào đó. Khi những chum cau đã đầy, một

lớp lá chuối khô nỏ được phủ lên. Trên cùng là một con cúi bằng rơm cuộn tròn thành cái nắp lèn chặt

miệng chum. Đến lúc này mùa bửa cau mới kết thúc.

Những ngày Tết đi qua sao quá nhanh đối với bọn trẻ chúng tôi. Chưa kịp cảm nhận được mùa xuân với

những chồi biếc, hoa tươi như thơ văn vẫn viết thì gió Lào đã bắt đầu thổi. Quê tôi gọi gió Lào là “Nam

im” hoặc “Nam cào”. Nam im là gió thổi khi trời râm mát, còn Nam cào là lúc gió Lào thổi mạnh làm cho

cây cối trong vườn ngả nghiêng phơi trắng mặt dưới của những cành lá. Gió Lào ở Hương Sơn quê tôi

không những không khắc nghiệt như cụ Nguyễn Tuân tả mà ngược lại còn làm cho mọi người thấy

khoan khoái, dễ chịu. Khi hương hoa cau ngát bay trong gió Lào thì cũng là lúc cau khô trong chum được

lấy ra để đem bán cho những người buôn cau khô xuôi chợ Vinh.

Bây giờ không còn nữa mùa bửa cau ở quê tôi. Cau chỉ còn được trồng lác đác dăm ba cây trong các

mảnh vườn ở Hương Sơn. Cũng có một đôi nhà đến mùa bửa vài ránh cau để dùng lúc hiếm cau tươi.

Nghe nói ở Quảng Nam, cây cau đang được trồng đại trà để xuất khẩu sang Đài Loan. Nhưng cau xuất

khẩu ở Quảng Nam được sấy khô nguyên quả. Không biết rồi có lúc nào nghề trồng cau và mùa bửa cau

lại trở lại với đất Hương Sơn. Nhưng những ngày tất bật của mùa bửa cau, mùi lưu huỳnh hăng hăng,

mùi cau phơi nắng thơm ngọt và cái không khí ấm cúng trong những ngôi nhà nhỏ khi hầm sấy cau chắc

chắn vẫn còn mãi trong tâm trí thế hệ chúng tôi, những người con của Hương Sơn đang sinh sống trên

mọi miền đất nước./.